Đường dẫn truy cập

Nỗi lo khó khăn khi đại dịch Covid kéo dài


Nhân viên y tế thực hiện việc kiểm soát và khử khuẩn tại nhà hàng nơi bệnh nhân COVID-19 số 447 làm việc tại Hà Nội. (Ảnh chụp màn hình VnExpress)
Nhân viên y tế thực hiện việc kiểm soát và khử khuẩn tại nhà hàng nơi bệnh nhân COVID-19 số 447 làm việc tại Hà Nội. (Ảnh chụp màn hình VnExpress)

Nỗi lo cơm áo gạo tiền và ám ảnh thất nghiệp đang oằn nặng đôi vai người lao động trong nước giữa lúc đại dịch COVID kéo dài chưa có hồi kết.

Hoạt động kinh tế bị ngưng trệ, khách du lịch quốc tế không có, nhiều cơ sở kinh doanh, sản xuất tạm đóng cửa khiến tình trạng thất nghiệp gia tăng và nhiều hộ gia đình lâm cảnh túng thiếu.

Trong căn hộ chật chội và cũ nát trên đường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội, anh Đoàn Quốc Anh, một nhân viên giao nhận của một tập đoàn lớn, cho biết từ khi bị sa thải mấy tháng nay, anh chưa thể tìm được việc làm mới. Thời buổi phần lớn các công ty, doanh nghiệp đang tìm cách ‘đuổi’ bớt người để giảm nhẹ gánh nặng chi phí, anh và những người đồng cảnh ngộ không có hy vọng gì. Toàn bộ chi phí sinh hoạt của gia đình bốn miệng ăn giờ trông cả vào người vợ.

“Mình thì vẫn liên lạc với anh em đồng nghiệp cũ trong công ty để xem có việc gì không thì giới thiệu cho mình, nhưng suốt mấy tháng qua chẳng nơi nào cần người cả. Ngay cả dàn lãnh đạo chỗ làm cũ họ cũng đã đuổi một nửa, chỉ giữ lại mấy người thôi,” Quốc Ạnh buồn rầu chia sẻ.

Ngay cả những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, nỗi lo lạm phát và đời sống kinh tế khó khăn kéo dài cũng đang len lỏi vào tâm trí họ.

Bà Nguyễn Minh Hương, một cư dân khu vực phố cổ, quận Hoàn Kiếm, cho biết từ vài tháng nay, căn nhà mặt đường của bà vốn cho thuê dài hạn làm home stay cho khách ngoại quốc đã phải miễn và giảm hơn nửa tiền thuê hàng tháng bởi không có khách. Những thu nhập thêm từ tiền cổ phiếu của một số công ty cũng không còn được bao nhiêu, do lợi nhuận sụt giảm nghiêm trọng trong suốt gần một năm nay kể từ khi COVID bùng phát. Cậu con trai đi làm thì thu nhập cũng bấp bênh nên mọi chi phí sinh hoạt gia đình đều trông vào đồng lương hưu ít ỏi của bà. Trước tình hình đó, bà Hương đã phải tiêu dần tiền tiết kiệm và bán bớt những món đồ giá trị để trang trải cuộc sống. Bà e rằng nếu tình hình này còn kéo dài thì gia đình bà cũng sẽ lâm vào cảnh khó khăn, túng thiếu.

“Khó khăn thật sự đấy chứ không đùa đâu. Nói chung nhiều người bây giờ là phải tiêu vào lõi rồi, chứ không phải là chi tiêu bằng số tiền người ta kiếm được như trước nữa. Khách du lịch không có, hàng quán cũng không có khách mấy vì nhiều người hạn chế chi tiêu…thất nghiệp ngày càng nhiều...Giá vàng thời gian gần đây cũng tăng vọt rồi,” bà Hương chia sẻ với VOA.

Đối với những người cao tuổi, có nhiều kinh nghiệm sống như bà Hương, thì giá vàng tăng không phải là một tín hiệu tốt. Đây là dấu hiệu cho thấy lạm phát có thể tăng cao, đồng tiền đang mất giá do tình trạng kinh tế và sản xuất ảm đạm kéo dài.

Nỗi lo đại dịch chưa hết mà tai ương lũ lụt đã ập tới Việt Nam. Bà Hương sợ rằng những tháng tới không chỉ người dân miền Trung mà cả những gia đình ở thủ đô Hà Nội như bà cũng phải chịu cảnh quẫn bách khi đồng tiền thì kiếm không ra mà giá cả mọi thứ cứ theo nhau phi mã.

VOA Express

XS
SM
MD
LG