Đường dẫn truy cập

Hoàn cầu Thời báo: Thỏa thuận quốc phòng Việt-Nhật nhằm ‘kiềm chế’ Trung Quốc


Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vẫy tay chào tạm biệt Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide (trong ô tô) tại Văn phòng Chính phủ ở Hà Nội hôm 19/10. Nhật và Việt Nam đạt được 1 thoả thuận chuyển giao thiết bị quốc phòng trong bối cảnh lo ngại về ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vẫy tay chào tạm biệt Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide (trong ô tô) tại Văn phòng Chính phủ ở Hà Nội hôm 19/10. Nhật và Việt Nam đạt được 1 thoả thuận chuyển giao thiết bị quốc phòng trong bối cảnh lo ngại về ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc lên tiếng cảnh báo rằng thoả thuận chuyển giao thiết bị quốc phòng mà Nhật Bản và Việt Nam vừa đạt được trong chuyến thăm của tân Thủ tướng Suga Yoshihide tới Hà Nội là “nhắm” vào Trung Quốc và sẽ “phủ bóng” lên sự ổn định và hoà bình trong khu vực.

Ông Suga, người vừa lên thay ông Shinzo Abe làm thủ tướng Nhật Bản vào tháng trước, và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hôm 19/10 thông báo rằng hai bên đã “cơ bản đạt được một thoả thuận” trong đó cho phép Nhật xuất khẩu các “thiết bị và kỹ thuật quốc phòng” sang Việt Nam. Đây được coi là một bước phát triển lớn trong sự hợp tác an ninh quốc phòng giữa hai nước, theo báo điện tử Chính phủ Việt Nam.

Ngay sau khi thoả thuận trên được thông báo, Hoàn cầu Thời báo – tờ báo Đảng đối ngoại của Nhà nước Trung Quốc – đưa ra một bài xã luận trong đó nói rằng ông Suga đã nhất trí với người đồng cấp phía Việt Nam tăng cường quan hệ an ninh và kinh tế, trong đó có thoả thuận cơ bản cho phép Nhật chuyển thiết bị quân sự sang quốc gia Đông Nam Á. Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng thoả thuận này “nhắm vào Trung Quốc và đưa ra tín hiệu và sự trợ giúp của Nhật Bản đối với Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ.”

“Nhật Bản là một quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và sẽ góp phần cho hoà bình và thịnh vượng ở khu vực,” tân Thủ tướng Nhật Bản được truyền thông trong nước trích lời nói với phóng viên sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Phúc hôm 19/10. “Tôi chọn Việt Nam vì Việt Nam là địa điểm thích hợp nhất để tôi gửi thông điệp này lần đầu tiên ra thế giới.”

Tờ Hoàn cầu Thời báo cho rằng ông Suga chọn thăm Việt Nam, điểm đến đầu tiên của ông cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức thủ tướng Nhật, là vì ông “không còn sự lựa chọn nào tốt hơn” trong bối cảnh “đại dịch COVID-19 và những mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Trung Quốc và Mỹ.” Trong khi đó Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế CSIS của Mỹ ở Washington và các chuyên gia khu vực nhận định rằng việc ông Suga chọn Việt Nam, thay vì đi thăm Mỹ như những người tiền nhiệm của ông đã làm ngay sau khi nhậm chức thủ tướng Nhật Bản, là để củng cố sự ủng hộ của Nhật đối với Đông Nam Á và phản ánh mong muốn của Tokyo trong việc đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực.

Các chuyên gia Trung Quốc mô tả chuyến thăm của ông Suga tới Việt Nam là một “biện pháp kiểm soát rủi ro nhằm cân bằng áp lực từ mối quan hệ giữa Mỹ và Nhật Bản với Trung Quốc” trong khi cảnh báo rằng “Trung Quốc phải theo dõi chặt chẽ mọi thoả thuận đạt được trong chuyến thăm này (của ông Suga),” theo Hoàn cầu Thời báo.

Thoả thuận này đưa ra tính hiệu rằng Nhật đã chủ động bắt đầu đi theo, trợ giúp và bảo đảm rằng Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ – không chỉ về mặt chính trị mà còn cả về mặt quân sự – nhằm kiềm chế sự ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đông Nam Á.
Hoàn cầu Thời báo


Truyền thông Nhật Bản cho biết ông Suga gọi Việt Nam là một “nền tảng” trong nỗ lực hiện thực hoá chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở đồng thời cam kết Nhật sẽ tiếp tục đóng góp vào “hoà bình và thịnh vượng trong khu vực” khi nói chuyện với các phóng viên sau cuộc họp với Thủ tướng Phúc tại Hà Nội hôm 19/10.

Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở được Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố lần đầu tiên tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng tháng 11/2017, được coi là để đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Mỹ là đồng minh thân cận nhất của Nhật Bản.

Vấn đề Biển Đông, nơi là nguồn xung đột giữa Trung Quốc và các quốc gia láng giềng cùng có tuyên bố chủ quyền lãnh hải, đã được đề cập tới trong các cuộc gặp của ông Suga với Thủ tướng Phúc và Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Trong các cuộc hội đàm này, các nguyên thủ quốc gia hai nước không nhắc tới Trung Quốc nhưng “nhất trí sẽ thắt chặt hợp tác trước những thách thức trong khu vực bao gồm cả vấn đề Biển Đông.”

Cả Việt Nam và Nhật Bản đều có những tranh chấp về tuyên bố chủ quyền lãnh hải với Trung Quốc ở Thái Bình Dương, lần lượt trên Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Nhật Bản là một quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và sẽ góp phần cho hoà bình và thịnh vượng ở khu vực. Tôi chọn Việt Nam vì Việt Nam là địa điểm thích hợp nhất để tôi gửi thông điệp này lần đầu tiên ra thế giới.
Suga Yoshihide, Thủ tướng Nhật Bản


Hoàn cầu Thời báo trích dẫn nhận định của các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng thoả thuận mà Tokyo và Hà Nội vừa đạt được “có thể giúp Việt Nam nâng cao năng lực giám sát trên Biển Nam Trung Hoa (Việt Nam gọi là Biển Đông) nhằm đối phó với sự hiện diện của quân đội Trung Quốc trong vùng lãnh hải có tranh chấp.”

“Thoả thuận này đưa ra tính hiệu rằng Nhật đã chủ động bắt đầu đi theo, trợ giúp và bảo đảm rằng Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ – không chỉ về mặt chính trị mà còn cả về mặt quân sự – nhằm kiềm chế sự ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đông Nam Á,” Hoàn cầu Thời báo nhận định.

Đát Chí Cương, chuyên gia trưởng của Viện nghiên cứu Chiến lược Đông Bắc Á, nói với Hoàn cầu Thời báo hôm 19/10 rằng thoả thuận quốc phòng này “sẽ phủ bóng lên sự ổn định và hoà bình trong khu vực, đặc biệt đối với các tranh chấp ở Biển Đông.”

Chuyên gia này còn cho rằng thoả thuận quốc phòng của Nhật với Việt Nam “rõ ràng đã vạch trần thủ đoạn của Nhật Bản, đó là nhằm thu hút thêm nhiều quốc gia can thiệp vào các vấn đề Biển Đông, với mục đích kiềm chế Trung Quốc.”

Chuyến thăm 4 ngày tới Việt Nam, và sau đó là Indonesia, của ông Suga diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản đang đẩy mạnh năng lực quốc phòng của các nước trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm đối trọng với những lợi thế hàng hải của Trung Quốc. Nhật Bản dỡ bỏ một phần lệnh cấm chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng vào năm 2014 như một phần của những nỗ lực của cựu Thủ tướng Abe trong việc củng cố mối quan hệ với các nước đồng minh và thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng trong nước.

VOA Express

XS
SM
MD
LG