Đường dẫn truy cập

Nhật cân nhắc trang bị F-35 với phi đạn không-đối-đất


Máy bay F-35 biểu diễn tại Hội chợ Hàng không Paris ở Le Bourget, phía đông Paris, ngày 20/6/2017.
Máy bay F-35 biểu diễn tại Hội chợ Hàng không Paris ở Le Bourget, phía đông Paris, ngày 20/6/2017.

Chính phủ Nhật đang cân nhắc việc trang bị máy bay chiến đấu tàng hình tối tân F-35 với phi đạn không-đối-đất có khả năng bắn trúng các mục tiêu xa trên mặt đất, và có kế hoạch triển khai những máy bay này cho Lực lượng Phòng không, tờ Yomiuri Shimbun cho biết.

Đây sẽ là lần đầu tiên phi đạn loại này được trang bị cho Lực lượng Phòng vệ. Chính phủ hy vọng đưa chi phí liên hệ vào ngân sách tài khóa 2018, theo một nguồn tin thân cận với chính phủ. Mục đích chính là chuẩn bị cho tình trạng khẩn cấp trên những đảo xa xôi của Nhật Bản, trong khi một số chuyên gia tin là chính phủ cũng đang nhắm vào việc có được khả năng tấn công những mục tiêu như các căn cứ của địch nhằm mục đích bảo vệ đất nước.

Theo những nguồn tin, máy bay phản lực chiến đấu F-35 sẽ thay thế máy bay F-4 của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã được không lực Mỹ và các nước khác sử dụng. Máy bay F-35 có khả năng tàng hình tối tân, khó bị ra-đa địch phát hiện.

Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản dự trù đưa vào sử dụng 42 đơn vị F-35 và triển khai dần dần đến Căn cứ Không quân Misawa thuộc tỉnh Aomori, bắt đầu vào cuối năm tài khóa này. Chính phủ Nhật Bản cũng đang cứu xét bổ sung thêm những khả năng khác nữa cho loại máy bay này.

Hiện nay chính phủ chú trọng vào Phi đạn Tấn công Chung (JSM) do Na Uy chế tạo. Na Uy cũng là nước tham gia vào dự án quốc tế phát triển F-35. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản hiện không có loại phi đạn không đối đất, nhưng JSM có cả khả năng không-đối-tàu và không-đối-đất với tầm xa khoảng 300 kilômét.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang xây dựng hệ thống quốc phòng để bảo vệ những đảo xa xôi như quần đảo Nansei. Thêm vào việc triển khai máy bay vận tải mới Osprey cho Lực lượng phòng vệ trên bộ, Nhật có kế hoạch thành lập một lữ đoàn phản ứng nhanh lưỡng cư, tương tự như thủy quân lục chiến các nước khác.

Phi đạn không-đối-đất có tầm bắn xa, có khả năng bắn trúng mục tiêu từ một không phận an toàn. Để việc này có thể thực hiện được, Bộ quốc phòng quyết định đưa JSM vào Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản để chuẩn bị cho các tình huống như ngăn ngừa tàu chiến nước ngoài tiến gần đến những đảo xa xôi hay Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản có thể mở những cuộc tấn công để chiếm lại những đảo đã mất.

Trong khi đó, nếu máy bay F-35 với khả năng tàng hình cao được trang bị các phi đạn không-đối-đất tầm xa, thì các máy bay F-35 có thể được sử dụng để tấn công những căn cứ nước ngoài.

Chính phủ nói Hiến pháp cho phép Nhật Bản được tấn công các căn cứ của địch, nhưng hiện nay Nhật Bản không có khả năng này giữa lúc những quyết định chính trị được căn cứ vào một chính sách nhằm đặc biệt vào quốc phòng.

Nhật sử dụng phi đạn không-đối-đất có thể khiến các nước láng giềng chống đối. Vì vậy, Tokyo khẳng định không có ý sử dụng khả năng này để tấn công các căn cứ của kẻ thù nhưng để bảo vệ các đảo xa xôi.

Tuy nhiên, với việc Bắc Triều Tiên tiếp tục phát triển những chương trình hạt nhân và phi đạn và liên tục có những hành động khiêu khích, ngày càng xuất hiện thêm các lời kêu gọi chính phủ phải có khả năng tấn công những căn cứ của kẻ thù để tăng cường khả năng ngăn chặn của Nhật Bản.

Giữa tình hình như vậy, Thủ tướng Shinzo Abe trong nhiều dịp đã bày tỏ ý định xem xét lại vấn đề này. Vào ngày 20 tháng 6, Ủy ban Nghiên cứu về An ninh của Đảng Dân chủ Cấp tiến soạn thảo một phúc trình tạm thời về những đề nghị cho chương trình phòng vệ giữa kỳ cho năm tài chánh 2019-2023, trong đó kêu gọi chính phủ bắt đầu thảo luận ngay về khả năng tấn công những căn cứ địch.

(Nguồn Yomiuri Shimbun)

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG