Đường dẫn truy cập

Nhật Bản, Hà Lan sắp cùng Mỹ cấm xuất khẩu thiết bị chế tạo chip sang Trung Quốc


Tập đoàn sản xuất thiết bị chip của Hà Lan ASML cũng tham gia vào lệnh cấm xuất khẩu sang Trung Quốc
Tập đoàn sản xuất thiết bị chip của Hà Lan ASML cũng tham gia vào lệnh cấm xuất khẩu sang Trung Quốc

Nhật Bản và Hà Lan sẽ sớm đồng ý cùng Mỹ hạn chế xuất khẩu thiết bị sản xuất hàng bán dẫn sang Trung Quốc, Bloomberg News cho hay.

Các cuộc đàm phán sẽ kết thúc sớm nhất là vào ngày 27/1, với việc Hà Lan hạn chế tập đoàn ASML bán máy móc cho Trung Quốc để nước này sử dụng cho việc chế tạo một số loại chip tiên tiến, Bloomberg đưa tin, dẫn lời những người nắm rõ vấn đề.

Về phần mình, Nhật Bản sẽ áp đặt các hạn chế tương tự đối với hãng Nikon, tin của Bloomberg cho hay.

Phó Chánh văn phòng Nội các Seiji Kihara, đồng thời là phát ngôn nhân chính phủ, cho biết Nhật Bản sẽ thực hiện ‘các bước thích hợp’ dựa trên các động thái quản lý của Mỹ và các nước khác. Ông từ chối nói thêm khi được hỏi về thông tin của Bloomberg tại cuộc họp báo chiều ngày 27/1.

Bộ Ngoại giao Hà Lan từ chối bình luận. Thủ tướng Mark Rutte, từng nói rằng ông hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận với Mỹ và các đồng minh khác về các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn nhưng Hà Lan sẽ không chỉ là áp dụng các quy định của Mỹ, sẽ trả lời các câu hỏi tại cuộc họp báo hàng tuần của ông vào cuối ngày 27/1.

Các nguồn tin nói với Reuters rằng một thỏa thuận giữa các quan chức Hà Lan và Mỹ có thể được ký kết vào cuối tháng này khi đại diện hai nước gặp nhau tại Washington.

Việc Hà Lan và Nhật Bản áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chặt chẽ hơn đối với Trung Quốc sẽ là chiến thắng ngoại giao quan trọng đối với chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden - hồi tháng 10, họ đã công bố các hạn chế sâu rộng nhằm ngăn Bắc Kinh tiếp cận công nghệ sản xuất chip của Mỹ để làm chậm đà tiến về công nghệ và quân sự của nước này.

Nếu không có sự hợp tác của Nhật Bản hoặc Hà Lan, các công ty Mỹ sẽ gặp bất lợi trong cạnh tranh.

“Chúng tôi đã thảo luận với Mỹ và các quốc gia khác về việc kiểm soát xuất khẩu”, Yasutoshi Nishimura, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật, nói với các phóng viên hôm 27/1.

“Chúng tôi sẽ thực hiện bất kỳ biện pháp nào theo Luật Ngoại hối của chúng tôi và thông qua hợp tác quốc tế”, ông nói thêm nhưng từ chối cho biết thêm chi tiết.

Mặc dù Nikon có thể bị ảnh hưởng, song công ty Nhật thực sự có thể bị các quy định hạn chế mới ảnh hưởng đến sẽ là hãng chế tạo máy móc sản xuất chip Tokyo Electron, vốn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc với khoảng 1/4 doanh số, ông Masahiko Hosokawa, giáo sư Đại học Meisei và cựu tổng giám đốc kiểm soát thương mại tại bộ này cho biết.

“Cần phải có cân bằng để không quốc gia nào trong số Nhật, Mỹ và châu Âu sẽ bị thiệt thòi không cân xứng. Phải làm sao cho công bằng”, ông nói.

Các quan chức Hà Lan nhấn mạnh rằng các biện pháp kiểm soát mới đáp ứng các mối lo ngại của họ về an ninh quốc gia hơn là ủng hộ các công ty chip của Mỹ, một nguồn tin nắm rõ các cuộc thảo luận nói với Reuters.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG