Đường dẫn truy cập

Ông Kerry: Nhà nước Hồi giáo sẽ bị 'nhiều sức ép' trong những ngày tới


Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Tổng thống Pháp Hollande, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, và Đại sứ Mỹ tại Pháp, bà Jane Hartley phía trước Điện Elysees, ngày 17 tháng 11, 2015.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Tổng thống Pháp Hollande, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, và Đại sứ Mỹ tại Pháp, bà Jane Hartley phía trước Điện Elysees, ngày 17 tháng 11, 2015.

Những kẻ tấn công và nghi can khủng bố Paris

Những kẻ tấn công và nghi can vụ khủng bố Paris

Ba toán chủ chiến đã mở các cuộc tấn công phối hợp ở Paris đêm thứ sáu 13/11 ở 6 địa điểm, gồm một hí viện, một sân vận động bóng đá, và 2 nhà hàng ăn, theo các giới chức ở Paris.

7 kẻ tấn công đã chết, 6 tên do kích nổ áo khoác tự sát, và 1 tên trong một vụ nổ súng với cảnh sát. Không phải tất cả 7 nghi can đều được cảnh sát nhận diện

Tên: Abdelhamid Abaaoud
Tuổi: 27
Lai lịch: Người Bỉ gốc Maroc
Tình trạng: Đã chết

Tên: Salah Abdelslam
Tuổi: 26
Lai lịch: Quốc tịch Pháp, sinh ở Bỉ
Tình trạng: Còn đang tại đào, cực kỳ nguy hiểm
Điều tra: Bị coi là kẻ tấn công thứ 8, là kẻ lái xe bên ngoài hí viện Bataclan.

Tên: Ibrahim Abdelslam
Tuổi: 31
Tình trạng: đã chết
Lai lịch: Quốc tịch Pháp
Điều tra: Đánh bom tự sát tại quán cà phê trên Đại lộ Voltaire; anh của Salah Abdelslam, đang bị truy lùng

Tên: Samy Amimour
Tuổi: 28
Tình trạng: Đã chết
Lai lịch: Sinh ở Paris
Điều tra: Một trong 3 tay đánh bom tự sát tại hí viện Bataclan; y cùng gia đình đã đi Syria vào năm 2013; 3 thành viên trong gia đình đang bị cảnh sát câu lưu

Tên: Bilal Hadfi
Tuổi: 20
Tình trạng: đã chết
Lai lịch: Quốc tịch không rõ, sống ở Bỉ trước khi xảy ra những vụ tấn công
Điều tra: Một trong 3 tay đánh bom tự sát ở sân vận động bóng đá; bị cho là giả dân di trú nhập cảnh châu Âu

Tên: Ismail Omar Mostefai
Tuổi: 29
Tình trạng: Đã chết
Lai lịch: Chartres, Pháp
Điều tra: Đánh bom tự sát tại hí viện Bataclan; còn mang theo súng trường tấn công

Tên: Ahmad al Muhammad (tên giả)
Tuổi: không rõ
Tình trạng: Đã chết
Lai lịch: Không rõ; hộ chiếu khẩn cấp nói y xuất xứ từ Syria
Điều tra: Đánh bom tự sát tại sân bóng đá; tìm thấy hộ chiếu trên thi thể; được cho là giả dạng di dân nhập cảnh châu Âu

Tên: Không rõ
Tuổi: Không rõ
Tình trạng: Đã chết
Lai lịch: Không rõ
Điều tra: Đánh bom tự sát tại sân bóng đá; mang theo hộ chiếu giả của Thổ Nhĩ Kỳ

Tên: Không rõ
Tuổi: Không rõ
Tình trạng: Đã chết
Lai lịch: Không rõ
Điều tra: Đánh bom tự sát tại hí viện Bataclan; chưa nhận diện được

*Cảnh sát Pháp tin có tới 20 tên tham gia vào việc hoạch định các vụ tấn công hôm thứ sáu ở Paris.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm thứ Ba đã họp với Tổng thống Pháp Francois Hollande để bàn về cách thức phối hợp hữu hiệu trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo, nhóm tuyên bố đã thực hiện những vụ tấn công khủng bố ở Paris hôm thứ Sáu. Thông tín viên Chis Hannas và Lisa Bryant của đài VOA ghi nhận chi tiết trong bài tường trình sau đây.

Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry hôm thứ Ba nói rằng nhóm Nhà nước Hồi giáo "sẽ chịu nhiều sức ép hơn nữa" trong những tuần lễ sắp tới khi Mỹ, Pháp và các đồng minh khác tăng cường nỗ lực chống các phần tử chủ chiến này.

Ông Kerry phát biểu tại Paris sau cuộc họp với Tổng thống Pháp Francois Hollande để bàn về những cách thức để chính phủ của hai nước có thế đạt được hiệu quả hơn trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo. Cuộc họp diễn ra vài ngày sau hàng loạt vụ tấn công bằng súng và bom tự sát ở Paris, giết chết ít nhất 129 người.

Ngoại trưởng Kerry nói: "Cảm nghĩ của tôi là mọi người đều hiểu – với các vụ tấn công ở Libăng, với những gì xảy ra ở Ai Cập, ở Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ, và với những vụ tấn công ở Paris, chúng ta phải đẩy mạnh nỗ lực tấn công bọn chúng ngay sào huyệt nơi bọn chúng lập kế hoạch thực hiện những vụ tấn công này, và rõ ràng là cần phải làm nhiều hơn nữa ở biên giới liên quan đến dòng người di chuyển ở đó."

Ông Kerry cũng nêu cao những thành quả đạt được trong thời gian qua. Ông nói các phần tử hiếu chiến hiện chỉ còn kiểm soát được một phần tư biên giới Syria và ông "tin tưởng là đà tiến công sẽ tiếp tục."

Tổng thống Hollande thề quyết tấn công một cách không khoan nhượng các phần tử chủ chiến ở Syria, nơi ông cho là đã hoạch định các vụ tấn công Paris.

Chiến đấu cơ của Pháp đánh bom các mục tiêu Nhà nước Hồi giáo ở Syria hôm thứ Ba, đánh trúng Raqqa, nơi được xem là thủ đô của phe cực đoan này. Bộ quốc phòng Pháp cho hay 10 chiến đấu cơ đã tham gia các cuộc oanh kích mới đây, nhắm vào một trung tâm chỉ huy và một địa điểm tuyển mộ.

Những vụ bố ráp ban đêm

Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve hôm thứ Ba nói rằng giới hữu trách tiếp tục chiến dịch khám xét tối qua, tiếp theo những vụ khám xét đêm hôm trước, kết thúc với việc cảnh sát bắt giữ 23 người và quản thúc tại nhà 100 người khác. Các giới chức cũng cho biết họ xác định được nghi can chủ mưu của vụ tấn công đẫm máu này.

Một người Bỉ gốc Maroc, tên Abdelhamid Abaaoud, được xác định có thể là kẻ chủ mưu của các cuộc tấn công giết chết ít nhất 129 người ở Paris hôm thứ Sáu. Giới hữu trách Bỉ hồi đầu năm nay đã tuy lùng nghi can Abaaoud liên quan đến một âm mưu tấn công khủng bố nhắm vào cảnh sát nhưng không thành.

Trong khi giới hữu trách tin là chỉ có 8 kẻ tấn công thực sự - 7 trong số đó đã chết – họ cho rằng có tới 20 người có liên can.

Trong một phát biểu hiếm có trước lưỡng viện quốc hội Pháp ở Versailles hôm thứ Hai, Tổng thống Hollande nói rằng những "hành động chiến tranh hôm thứ Sáu…được quyết định và lên kế hoạch ở Syria, chuẩn bị và tổ chức tại Bỉ, tấn công trên đất Pháp cùng với những kẻ đồng lõa Pháp."

Ông Hollande yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhanh chóng ra một nghị quyết chống khủng bố.

Tổng thống Hollande cũng nói với các nhà lập pháp rằng ông đã yêu cầu họp với Tổng thống Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin để thảo luận về cách hợp nhất các nỗ lực để đánh bại Nhà nước Hồi giáo. Ông cho biết ông sẽ kêu gọi thành lập "một liên minh chung của tất cả những ai chống những kẻ khủng bố này."

Phản ứng của EU

Trưởng ban chính sách đối ngoại EU bà Federica Mogherini hôm thứ ba loan báo các thành viên EU đang đề nghị trợ giúp Pháp, cả về vật chất lẫn nỗ lực quân đội ở những nơi khác trên thế giới giúp “khai phóng các khả năng bổ sung của Pháp.” Bà nói sau một cuộc họp của các ngoại trưởng EU rằng quyết định được thực hiện theo một điều khoản chưa hề được sử dụng trong hiến chương EU nói rằng khi một thành viên yêu cầu trợ giúp sau một cuộc xâm lăng vũ trang vào lãnh thổ của mình, thì các thành viên khác phải trợ giúp theo khả năng.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula Von Der Leyen nói, “Chúng ta sẽ lắng nghe rất kỹ những gì Pháp cần nói và phân tích xem Pháp yêu cầu chúng ta làm gì. Tất cả chúng ta sẽ làm bất cứ điều gì trong khả năng của chúng ta để trợ giúp và ủng hộ cho họ.”

Tại Geneva, Liên Hiệp Quốc kêu gọi các nước Âu châu tự chế đừng quy trách hay bêu xấu những người tỵ nạn sau những vụ tấn công ở Paris.

Nữ phát ngôn viên cơ quan tỵ nạn LHQ Melissa Fleming nói, “Chúng tôi lo ngại về phản ứng của một số quốc gia đòi chấm dứt các chương trình đã được sắp đặt, đảo ngược những cam kết đã đưa ra để xử lý vụ khủng hoảng người tỵ nạn hay đề nghị dựng lên thêm các rào cản.”

Tăng tốc Kiểm tra

Tổng thống Pháp cho biết muốn mau chóng thực thi những “biện pháp kiểm soát phối hợp và có hệ thống” về biên giới trong và ngoài Liên hiệp châu Âu.
Tổng thống Pháp cho biết muốn mau chóng thực thi những “biện pháp kiểm soát phối hợp và có hệ thống” về biên giới trong và ngoài Liên hiệp châu Âu.

Hôm thứ hai ông Hollande tuyên bố đất nước phải có khả năng tăng tốc việc trục xuất những người nước ngoài đề ra một nguy cơ nghiêm trọng đặc biệt cho công chúng và đề xuất nhưng thay đổi trong hiến pháp của Pháp, như cho phép việc cấm một người mang song tịch được nhập cảnh Pháp nếu người đó đề ra một “nguy cơ khủng bố.”

Ông Holland cho biết ông muốn mau chóng thực thi những “biện pháp kiểm soát phối hợp và có hệ thống” về biên giới trong và ngoài Liên hiệp châu Âu, cũng như một hiệp ước trước cuối năm nay về sổ đăng ký tên hành khách máy bay.

Ông cũng nói một đề nghị tìm cách gia hạn tình trạng khẩn trương của Pháp thêm 3 tháng nữa sẽ được trình lên quốc hội vào ngày thứ tư.

Lần cuối một tổng thống Pháp đọc diễn văn trước lưỡng viện Quốc hội ở Versailles là vào năm 2009, khi ông Nicolas Sarkozy phát biểu về vụ khủng hoảng tài chính toàn cầu. Một bài diễn văn như thế là một thủ tục dành riêng cho những việc xét duyệt hiến pháp và những phát biểu quan trọng của tổng thống.

VOA Express

XS
SM
MD
LG