Đường dẫn truy cập

Người Việt ở Texas sau bão tuyết: Mất mát, đau thương và tình người


Cư dân Texas xếp hàng đổi bình gas để sử dụng trong những ngày bị bão tuyết.
Cư dân Texas xếp hàng đổi bình gas để sử dụng trong những ngày bị bão tuyết.

Kinh hoàng, hoang mang, đau đớn, tức giận là tâm trạng của nhiều người trong cộng đồng gốc Việt ở Houston, Texas, nơi vừa trải qua trận bão tuyết kinh hoàng “lần đầu tiên trong đời” của ngay cả những người tị nạn lâu năm nhất nơi đây.

Bàng hoàng, đau đớn

Bà Mai Hoa, Phó chủ tịch Cộng đồng Người Việt Quốc gia Houston và Vùng Phụ cận, nói với VOA rằng thông tin về cái chết của bốn bà cháu người Việt ở Houston trong vụ hỏa hoạn do mất điện tuần qua vẫn đang gây xúc động, bàng hoàng trong cộng đồng, giữa lúc nhiều gia đình người Việt vẫn đang gắng gượng thích ứng với tình trạng hiện tại trong ngôi nhà bị bão tuyết tàn phá của họ.

“Cộng đồng Việt Nam rất đau đớn khi nghe tin này. Không thể tưởng tượng một gia đình mà có tới 4 người thiệt mạng vì cơn bão tuyết. Nhưng những người bị nạn trong cơn bão tuyết cũng đang lo cho gia đình của họ (nên) hình như cũng chưa có ai lên kế hoạch gì để giúp cho gia đình của các nạn nhân này. Ít ra là có 3 ngôi nhà bị thiêu rụi”, bà Mai Hoa cho biết.

Tình trạng mất điện, mất nước nhiều ngày vì các ống nước bị bể do thời tiết giá lạnh dưới 0 độ C ở Houston và một số thành phố khác của bang Texas ảnh hưởng đến hơn 4 triệu cư dân và khiến thiệt mạng ít nhất 58 người.

“Rất nhiều nhà bị bể ống nước cũng như bị vỡ trần nhà. Đây là lần đầu tiên cộng đồng người Việt bị ảnh hưởng như vậy, thành ra mọi người rất hoang mang”, bà Mai Hoa nói với VOA.

‘Vết son’ tình cộng đồng

Andrew Nguyễn, kỹ sư điện sống ở Houston trên 40 năm, cho biết mặc dù mạng lưới điện đã được khôi phục, nhiều cư dân trong khu vực vẫn không thể sửa chữa ống nước hay những hư hỏng trong nhà vì tình trạng khan hiếm vật liệu.

Nhưng chen lẫn giữa những vết hằn đau thương, mất mát khó bù đắp, nhiều người Việt nói đây là dịp mà họ chứng kiến và cảm nhận được sự ấm áp, tình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau trong cộng đồng, đặc biệt sau thời gian bị chia rẽ không ít vì bất đồng quan điểm chính trị gần đây.

“Khi bị như vầy, sẽ thấy là cộng đồng rất đùm bọc lẫn nhau”, anh Andrew Nguyễn nói.

Ông Dương Phục, người sáng lập và là Giám đốc Đài Saigon-Houston, gọi đây là “điểm son” của cộng đồng người Việt mỗi khi xảy ra thiên tai, hoạn nạn.

“Người ta tự nhiên quý nhau lắm. Ngay ở đài phát thanh chúng tôi, hai ngày đầu bị mất điện vì cột phát tuyến bị tuyết phủ đầy hết, không thể nào phát điện. Cho dù đài chúng tôi có máy phát điện riêng, nhưng trở ngại là cột phát tuyến không phát đi được, và cũng không mua xăng được để chạy máy phát điện nên phải cúp phát thanh hai ngày. Nhưng đến ngày thứ ba, khi đã sửa chữa được rồi, thì vẫn có nhiều thính giả gọi lên nói rằng nhà của họ có điện, nên quý vị nào nghe phát thanh mà kẹt quá thì có thể đến nhà chúng tôi tá túc qua ngày. Cho nên, cái tinh thần nó đặc biệt như vậy, dù xa lạ nhưng người Việt vẫn chứa chấp lẫn nhau để qua cơn khốn khổ”.

Từ kinh nghiệm đối phó với bão Harvey lần trước, đài phát thanh Saigon-Houston lần này tiếp tục đứng ra làm cầu nối cho những người có khả năng giúp đỡ và những người cần giúp đỡ để khắc phục hậu quả thiên tai.

Bên cạnh truyền thông cộng đồng, thông tin về nơi cung cấp thực phẩm, nước uống hay các nhu cầu cấp thiết khác cũng được cập nhật liên tục trên các trang web hay mạng xã hội của người Việt, mặc dù tình trạng mất điện làm hạn chế đáng kể khả năng truy cập của nhiều người.

“Cộng đồng Việt Nam có rất nhiều người cũng muốn giúp đỡ những người không có điện, nước để nấu ăn, nhất là những gia đình có con nhỏ hay người già, nên họ tự ở nhà nấu 50, 100 phần ăn rồi hẹn ở một địa điểm nào đó để phân phát cho cộng đồng Việt Nam”, bà Mai Hoa cho biết thêm.

Thất vọng, tức giận

Sau những tổn thất nặng nề, đặc biệt là về sinh mạng, nhiều cư dân bang Texas đang tỏ ra giận dữ, thất vọng và chỉ trích chính quyền địa phương về cách đối phó cũng như xử lý hậu quả thiên tai.

Phó chủ tịch cộng đồng người Việt ở Houston nói: “Bản thân tôi thấy chính quyền địa phương cho đến bây giờ chưa giúp đỡ gì, ngoài việc có điện trở lại thì có thể do công ty điện sửa chữa lại, còn họ chỉ mới phân phát những chai nước lọc, nước suối thôi, chứ chưa có gì để yểm trợ cho nạn nhân của cơn bão tuyết vừa rồi. Ở đây tôi thấy rằng thị trưởng và những nghị viên cần phải giúp đỡ cho nạn nhân của cơn bão nhiều hơn”.

Texas là bang sản xuất năng lượng hàng đầu ở Hoa Kỳ và cũng là bang duy nhất có mạng lưới điện hoạt động theo kinh tế thị trường tự do, phi điều tiết, một thực tế mà nhiều người dân đang đổ lỗi cho tình trạng mất điện gây chết người vừa qua.

Cơ quan điều hành mạng lưới điện của bang - ERCOT – hiện đang phải hứng chịu những chỉ trích nặng nề, thậm chí đối diện với các vụ kiện tụng, đòi hỏi họ phải chịu trách nhiệm về cái chết của ít nhất 58 người trên toàn bang.

“Những lời ta thán đối với chính quyền địa phương lên rất cao vì chính quyền không có một đề án dự trữ nào về điện nước. Thành thử thành phố này bỗng tan hoang chỉ sau một trận bão tuyết. Không điện, không nước trong hầu hết thành phố nên người ta có vẻ trách chính quyền”, ông Dương Phục đưa ra nhận xét với VOA.

Nhưng theo ông, có lẽ chính quyền địa phương cũng không thể lường trước hết ảnh hưởng của cơn bão tuyết để chuẩn bị chu đáo hơn vì hiện tượng bão tuyết kinh hoàng này mấy chục năm mới xảy ra một lần.

“Mấy chục năm mới bị một lần. Nếu dùng những hệ thống để bảo vệ các ống nước không bị đông đá ở những nhà máy phát điện thì rất mắc tiền. Khi nhà máy phải làm như vậy thì họ phải lên giá tiền điện, thì dân nghèo phần đông sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều, vì ở Houston, Texas, mùa hè người ta dùng AC (máy điều hòa nhiệt độ) liên tục. Nếu tiền điện mắc lên, một tháng họ có thể phải trả 600 – 700 USD thì người nghèo lấy tiền đâu mà trả”, Kỹ sư Andrew Nguyễn lý giải.

Chính vì vậy, theo ông Andrew, chính quyền sẽ rất khó để đưa ra một quyết định có thể cân bằng cả hai yếu tố trên, là vừa nâng cao mức độ chống thiên tai cho hệ thống điện vừa đảm bảo yếu tố hiệu quả kinh tế chung cho người dân.

… và đề xuất

Trong những tình huống nguy hiểm như thế này, Kỹ sư Andrew Nguyễn nói điều quan trọng là người dân phải ngay lập tức tìm đến những nơi trú ẩn khẩn cấp (Emergency Shelters) để giảm thiểu thiệt hại về sức khoẻ và sinh mạng.

“Trong cộng đồng thường có những chỗ để trong trường hợp thí dụ như nhà không có máy sưởi, lạnh quá thì mình có thể tới đó ở. Nhưng họ ở nhà, rồi người già chịu không nổi thì chết. Thường thường khi bị như thế này, họ có những Emergency Shelters, nhưng người Việt phần đông sợ không dám vô mấy chỗ đó”.

“Tôi nghĩ chính phủ nên phổ biến về những Emergency Shelters nhiều hơn, chẳng hạn như gửi tin nhắn trên điện thoại cho tất cả mọi người về những nơi trú ẩn, nơi cung cấp thức ăn, nước uống… Như vậy thì nhiều người sẽ biết hơn để đi tránh”, Kỳ sư Andrew đề xuất.

Trong khi đó, từ những kinh nghiệm đau thương khi đối phó với trận bão, Phó chủ tịch Cộng đồng Houston đề nghị: “Media (truyền thông) địa phương và của cộng đồng nên cảnh báo cho người dân biết làm thế nào để phòng tránh, ví dụ như phải khóa van nước hay làm cách này cách khác để tránh bị như vậy, hoặc phải báo động cho người dân biết để họ có thể dùng máy phát điện hoặc làm gì đó để tránh tình trạng bị mất điện, mất nước, ảnh hưởng đến sức khoẻ người già, trẻ em và ngay cả người lớn”.

Ngoài tổn thất về sinh mạng, thống kê ban đầu cho biết trận bão tuyết gây thiệt hại cho bang Texas từ 45 đến 50 tỷ USD, trong đó bao gồm thiệt hại về việc làm, cơ sở hạ tầng, cơ sở kinh doanh, chi phí sửa chữa, y tế...

Cuối tuần rồi, Tổng thống Joe Biden tuyên bố tình trạng thảm họa nghiêm trọng ở Texas và cam kết thúc đẩy tăng tốc các quỹ hỗ trợ liên bang ứng cứu người bị ảnh hưởng của bão tuyết.

VOA Express

XS
SM
MD
LG