Đường dẫn truy cập

Người Việt nghĩ gì sau phiên toà xét xử phúc thẩm LS Lê Quốc Quân


Tuần hành ủng hộ luật sư Lê Quốc Quân tại Hà Nội, ngày 18/2/2014.
Tuần hành ủng hộ luật sư Lê Quốc Quân tại Hà Nội, ngày 18/2/2014.
Sau kỳ Kiểm Điểm Phổ Quát Định Kỳ (UPR) về nhân quyền Việt Nam tại Geneve năm nay, Hội Đồng Nhân Quyền LHQ đưa ra khuyến nghị 227 điểm, Việt Nam cần sửa đổi. Chính phủ Hoa Kỳ cũng chính thức yêu cầu nhà nước Việt Nam trả tự do cho các nhà đấu tranh bất bạo động cho nhân quyền, trong đó có LS Lê Quốc Quân. Tiếp theo ngay sau các khuyến nghị này, nhà nước Việt Nam đã có những hành động đàn áp gắt gao hơn đối với những người tranh đấu cho quyền con người tại Việt Nam. Trong số những sự kiện đó có phiên toà phúc thẩm của LS Lê Quốc Quân, mà Việt Nam đã y án 30 tháng tù giam cho ông Quân về tội 'trốn thuế', một tội danh mà công luận quốc tế và quốc nội cho rằng có động cơ chính trị.

Theo nhiều người Việt hải ngoại, thì sự gia tăng các hành động đàn áp nhân quyền và bản án dành cho LS Lê Quốc Quân, có thể sẽ có nhiều ảnh hưởng đến vấn đề dân chủ hoá đất nước, cũng như việc Việt Nam xin gia nhập Hiệp Ước Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương, thường gọi tắt là TPP. Ông Nguyễn Công Bằng, tổng Thư Ký Đảng Vì Dân, nhận xét là Hà Nội chưa bao giờ tôn trọng nhân quyền đúng như tinh thần của bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền mà họ đã ký kết tuân thủ:

“Chúng tôi không ngạc nhiên về việc nhà cầm quyền CSVN bắt giữ LS Lê Quốc Quân và có một bản án hết sức là phi lý như vậy. Nhà cầm quyền CSVN trong quá khứ cho đến thời gian gần đây nhất, kể từ lúc họ tham gia vào Hội Đồng Nhân Quyền của LHQ, họ chưa bao giờ thật sự tôn trọng nhân quyền theo cái nghĩa đúng như là bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền qui định”.

Một Phật tử là ông Nguyễn Cương, thì thất vọng về các vi phạm nhân quyền của Việt Nam, đặc biệt là về tự do tôn giáo, ông nói:

“Thực tế ở trong nước thì vấn đề nhân quyền gần như không bao giờ có, cũng như họ luôn luôn đàn áp tôn giáo mà bây giờ ai cũng thấy được, nhất là đối với GHPGVNTN, là họ đàn áp như vậy, họ giam giữ các vị lãnh đạo như là tăng thống như thế, thì thế nào gọi là tôn trọng nhân quyền?"

Trong khi đó, ông Đặng Quốc Việt, cơ sở trưởng của đảng Việt Tân tại Houston, thì cho rằng Việt Nam không coi trọng các khuyến cáo của LHQ vì các khuyến cáo này không phải là các biện pháp chế tài:

“Những áp lực quốc tế không phải hành động cụ thề, chẳng hạn như đưa Việt Nam vào vấn đề cấm vận hay áp dụng các biện pháp chế tài thì không có. Thành ra CSVN, bản chất của họ lì lợm, họ không ái ngại bất cứ một cái áp lực nào mà nó không tạo nên những cái kết quả cụ thể, do đó họ coi thường chuyện đó."

Ông Việt chia sẻ rằng, Việt Nam thường dùng những tù nhân lương tâm, như trường hợp LS Lê Quốc Quân, để làm con tin trong các thương thảo quốc tế như WTO và TPP:

“Những nhà đấu tranh dân chủ, những người đấu tranh về nhân quyền, lại là những con tin và những nhân tố, để cho họ dùng trong chánh sách đối ngoại của họ. Trước khi đi vào WTO, cộng sản cũng đã thả ra một số người tranh đấu nhân quyền, để được vào WTO. Đây là giai đoạn mà họ đang còn muốn vào TPP, mà muốn vào TPP thì một trong những yếu tố là vấn đề nhân quyền phải được giải quyết. Tôi nghĩ rằng đây cũng sẽ là một phương tiện để cho họ có những cái trao đổi để vào TPP cuối năm 2014”.

Ông Nguyễn công Bằng cũng cùng quan đểm:

“Việc làm của nhà cầm quyền CSVN thì lúc nào họ cũng có những tính toán chính trị rất là kỹ lưỡng. Lúc nào họ cũng muốn lấn tới, nghĩa là họ đàn áp một cách khốc liệt, hơn mức dự trù, rồi khi mà có sự lên tiếng của quốc tế, đặc biệt là sự lên tiếng thương lượng của Hoa Kỳ, thì họ sẽ sẵn sàng lùi một bước để chứng tỏ thiện chí, để đạt được mục tiêu họ đặt ra”.

Tuy nhiên, riêng trường hợp của LS Lê Quốc Quân là một người từng được huấn luyện tại Hoa Kỳ, ông Bằng cho rằng một lý do khác để Hà Nội xử nặng LS Quân là Hà Nội muốn chứng tỏ Việt Nam không bị ảnh hưởng của Hoa Kỳ, để làm hài lòng Trung Quốc, ông nói:

“Đối với CSVN, thì họ cho rằng những người được Hoa Kỳ đào tạo là những người mà có thể mang ảnh hưởng Hoa Kỳ vào Việt Nam. Như vậy để chứng tỏ cái ý hướng là không chạy theo Hoa Kỳ, theo lời yêu cầu của Trung Cộng, thì nhà cầm quyền CSVN cố tình gây khó khăn cho những người được Hoa Kỳ ủng hộ”.

Trước thái độ bất khuất không nhận tội, không xin khoan hồng của LS Lê Quốc Quân, ông Đặng Quốc Việt cho rằng, LS Quân đã làm Việt Nam mất đi cơ hội chứng minh với thế giới là họ chỉ xử người ‘trốn thuê' mà không phải vi phạm nhân quyền. Ông chia sẻ:

“LS Lê Quốc Quân hôm đó sức khoẻ rất yếu nhưng vẫn đứng thẳng người để trả lời tất cả những câu hỏi của nhà nước cộng sản Việt Nam và không chấp nhận tất cả kết án của nhà nước CSVN. Đây là một tinh thần rất bất khuất. Chúng ta cần phải hỗ trợ mạnh mẽ, không những cho cá nhân LS Lê Quốc Quân mà cho tất cả những nhà tranh đấu ở trong nuớc”.

Còn ông Nguyễn Công Bằng thì nhận xét rằng hiện nay Hà Nội coi Trung Quốc là một thế lực bảo hộ đảng CSVN nên họ có khuynh hướng thiên về Trung Quốc:

“Nhà Cầm quyền CSVN vẫn còn xem Trung Cộng là một thứ quyền lực bảo hộ cho vị thế chính trị của đảng CSVN cho nên họ chưa có sự chọn lựa nào khác hơn. Đối với Hoa Kỳ, nhà cầm quyền CS tại VN cũng thừa hiều là Hoa Kỳ không bao giờ xem CSVN là một đồng minh, mà chỉ là một đối tác chiến lược mà thôi."

Trước những vi phạm nhân quyền của Hà Nội trong giai đoạn này, cũng như kết quả phiên toà phúc thẩm của LS Lê Quốc Quân, nhiều người quan ngại là Việt Nam có thể bị ảnh hưởng trong việc gia nhập TPP nhưng ông Đặng Quốc Việt thì cho rằng Hoa Kỳ và Việt Nam rồi sẽ có những nhượng bộ để đạt tới việc này:

“Hoa Kỳ cũng sẽ có những cái tương nhượng về vấn đề nhân quyền cho Việt Nam. Tôi nghĩ, Hoa Kỳ, trong cái nhu cầu chiến lược của họ và trong sách lược đối ngoại của Việt Nam, thì Việt Nam sẽ vào TPP trong thời gian sắp tới."

Sự kiện nhà nước Việt Nam gia tăng đàn áp nhân quyền và vụ xử LS Lê Quốc Quân dường như tạo thêm sự bất mãn trong người dân. Không ít người trong nước, đặc biệt là các bạn trẻ, bất chấp sự đe dọa khủng bố của công an, đã công khai biểu tình đòi trả tự do cho LS Lê Quốc Quân trong ngày toà xét xử ông. Thêm vào đó Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm cũng đã ra đời cùng lúc, với tuyên cáo chống lại mọi vi phạm nhân quyền. Sự hình thành của các tổ chức dân sự, đem lại một sinh khí mới cho phong trào đấu tranh cho Nhân quyền tại Việt Nam. Ông Đặng Quốc Việt chia sẻ sự lạc quan vào một sự đổi mới đang gần kề:

“Nếu cộng đồng Việt Nam mà tích cực hỗ trợ phối hợp cùng đồng bào trong nước thì chắc chắn trong năm 2014, 2015 Việt Nam sẽ có những biến chuyển thuận lợi cho công cuộc đấu tranh”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG