Đường dẫn truy cập

Người nghèo khốn khổ vì giá cả leo thang sau giãn cách


Ảnh tư liệu - Một áp phích tuyên truyền cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình Tuổi Trẻ Online)
Ảnh tư liệu - Một áp phích tuyên truyền cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình Tuổi Trẻ Online)

“Ba mươi nghìn một cái bắp cải con con, hai mươi mấy nghìn một mớ rau muống bé xíu… Nói chung rau cỏ đắt lắm. Nhà mình mua một mớ rau muống phải chia ra ăn trong 3 ngày đây này.” Đó là lời than vãn của chị Nguyễn Phương Liên, một người kinh doanh lặt vặt ở quận Ba Đình, Hà Nội.

Có những mặt hàng trước giãn cách có giá chỉ hai mươi nghìn thì nay đã tăng lên tới gần bốn mươi nghìn.

Theo chị Liên, thì không chỉ rau mà ngay cả thịt lợn và các loại đồ ăn thức uống như bánh kẹo, mì gói và nhiều thứ khác đã liên tục tăng giá kể từ khi Hà Nội và nhiều địa phương bắt đầu mở cửa trở lại sau thời gian giãn cách. Có những mặt hàng trước giãn cách có giá chỉ hai mươi nghìn thì nay đã tăng lên tới gần bốn mươi nghìn.

“Sài Gòn thì dù đã mở cửa trở lại nhưng công nhân chưa quay trở lại nhà máy, hàng hoá còn lại chỉ đủ phục vụ cho trong đấy thôi, không có bao nhiêu để chuyển ra ngoài Bắc thành ra hàng hoá khan hiếm, mình thấy những người bán hàng người ta giải thích thế,” chị Liên cho biết thêm.

Anh Đặng Thành Trung, một cư dân sinh sống trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cho biết xăng dầu và khí đốt cũng đã tăng giá chóng mặt trong thời gian qua bên cạnh các mặt hàng thực phẩm, rau củ quả.

dân đen như mình chắc chắn sẽ chẳng được đồng nào đâu, mà chỉ những doanh nghiệp có quan hệ, trục lợi giỏi thì người ta sẽ được hỗ trợ thôi..."

“Thời gian gần đây nhà nước công bố sẽ có gói hỗ trợ bao nhiêu nghìn tỉ dành cho các doanh nghiệp và người dân. Chưa thấy hỗ trợ đâu thì giá cả đã tăng chóng mặt. Mà thực tế thì dân đen như mình chắc chắn sẽ chẳng được đồng nào đâu, mà chỉ những doanh nghiệp có quan hệ, trục lợi giỏi thì người ta sẽ được hỗ trợ thôi,” anh Trung chia sẻ.

Cùng chung quan điểm với anh Trung, chị Liên cho biết thêm dù gia đình chị thuộc diện khó khăn với 5 nhân khẩu, người chồng bị tật nguyền, nhưng trong suốt những tháng giãn cách, gia đình chị hầu như phải tự xoay sở qua ngày.

“Suốt 3 tháng giãn cách, đóng cửa không kinh doanh buôn bán gì thì gia đình mình chỉ nhận được 1,5 triệu đồng tiền hỗ trợ từ nhà nước, chưa đủ trả tiền điện cho một tháng ấy,” chị Liên than thở.

Theo chị Liên từ ngày mở cửa trở lại những gia đình kinh doanh mặt hàng không thiết yếu như gia đình chị hầu như không có khách, không có thu nhập. Trong khi đó, giá cả thực phẩm và xăng dầu, khí đốt lại leo thang khiến cuộc sống ngày càng túng bấn.

“Từ ngày mở cửa đến giờ, 3-4 ngày mới có một người khách. Ví dụ như thứ 6 tuần trước bán được cho một người 280.000 đồng thì đến tận thứ 4 tuần này vẫn chưa có người khách thứ hai, vậy thử hỏi 280.000 đồng tiêu trong 4-5 ngày qua thì sống làm sao được?” chị Liên nói.

Những người lao động như anh Trung, chị Liên cho biết những gia đình nghèo như họ đang rơi vào hoàn cảnh “sức cùng lực kiệt” vì tiền thì không kiếm ra mà giá cả hàng hoá thiết yếu cứ liên tục tăng.

thực tế mọi người thì cũng như mình đều khó khăn cả, có đâu mà cho nữa dù bố mẹ thì cũng rất thương con vẫn cố gói ghém cho một ít gạo..."

“Hôm qua mình mới về quê có việc, gặp bố mẹ, anh chị em ở quê mà chẳng dám xin gì mọi người nữa. Vì thực tế mọi người thì cũng như mình đều khó khăn cả, có đâu mà cho nữa dù bố mẹ thì cũng rất thương con vẫn cố gói ghém cho một ít gạo...” chị Liên bày tỏ lo lắng và nói rằng tình hình thế này tiếp tục kéo dài thì không biết gia đình chị sẽ bấu víu vào đâu.

VOA Express

XS
SM
MD
LG