Đường dẫn truy cập

Ngoại trưởng Kerry vận động quốc hội về thỏa thuận hạt nhân với Iran


Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry thúc giục những người chỉ trích thỏa thuận khung trong quốc hội “kìm nén sự nóng giận” và chờ đợi một thỏa thuận chung quyết
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry thúc giục những người chỉ trích thỏa thuận khung trong quốc hội “kìm nén sự nóng giận” và chờ đợi một thỏa thuận chung quyết

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và các quan chức khác trong chính quyền của Tổng thống Obama dự kiến sẽ thực hiện các vòng tham vấn mới với các thành viên quốc hội trong tuần này liên quan tới các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran. Một số các nhà lập pháp đã công khai chỉ trích thỏa thuận khung mà các bên đạt được đầu tháng này. Họ cho rằng các điều khoản hướng dẫn việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran vẫn không rõ ràng và thỏa thuận không đảm bảo một cách chắc chắn là Iran không thể phát triển vũ khí hạt nhân. Nhưng trong một loạt các cuộc phỏng vấn trên truyền hình hôm qua, ngoại trưởng Mỹ John Kerry ủng hộ kế hoạch này. Thông tín viên VOA Pam Dockins tường thuật từ Bộ Ngoại giao.

Ngay sau khi trở về từ Hội nghị thượng đỉnh khu vực châu Mỹ ở Panama, ông Kerry hướng sự chú tâm của ông tới Quốc hội Mỹ cũng như các thành viên còn hoài nghi về thỏa thuận hạt nhân với Iran tại cơ quan lập pháp Mỹ.

Trả lời phỏng vấn chương trình “This Week” của đài ABC, Ngoại trưởng John Kerry thúc giục những người chỉ trích thỏa thuận khung trong quốc hội “kìm nén sự nóng giận” và chờ đợi một thỏa thuận chung quyết:

“Tôi nghĩ rằng chúng tôi có quyền tiếp tục thương thảo vì những gì đã đạt được trong thỏa thuận tạm thời và vì những gì đã được ấn định trong thỏa thuận khung. Chúng tôi có quyền tiếp tục cố gắng để hoàn tất tiến trình mà không bị can thiệp hay bị chi phối vì sự đấu đá chính trị mang tính đảng phái”.

Ngày mai, một ủy ban của Thượng viện dự kiến sẽ thảo luận một dự luật gây rất nhiều tranh cãi, để đòi tổng thống cho phép Quốc hội duyệt xét một thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Thượng nghị sĩ Bob Menedez, người đồng bảo trợ dự luật này, cam kết sẽ đấu tranh tới cùng. Ông phát biểu như sau trên chương trình “Fox News Sunday”:

“Đấu tranh vì an ninh quốc gia cũng như chống lại một quốc gia Iran trang bị vũ khí hạt nhân là những điều mà tôi đã làm, đang làm và sẽ tiếp tục làm”.

Không phải chỉ đối mặt với sự chống đối tại quốc hội Mỹ, các nhà đàm phán của Mỹ và các cường quốc khác trên thế giới tham gia các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran còn tiếp tục phải đương đầu những người chỉ trích từ một số nước, trong đó có Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, là người từng cảnh báo các nhà đàm phán rằng họ không nên dành cho Iran điều mà ông gọi là “những sự nhượng bộ nguy hiểm”.

“Chúng ta không được phép để cho Iran, quốc gia tài trợ hàng đầu cho khủng bố toàn cầu, có được một con đường dễ dàng để tiến tới chỗ sở hữu các loại vũ khí hạt nhân để đe dọa toàn thể thế giới”.

Iran đang mưu tìm một thỏa thuận nhằm nới lỏng các biện pháp trừng phạt. Trong khi đó, các cường quốc tham gia đàm phán đang tìm cách hạn chế chương trình hạt nhân của Iran để đảm bảo rằng chương trình này chỉ phục vụ cho các mục tiêu hòa bình.

Trên cả bình diện trong nước lẫn quốc tế, Hoa Kỳ hiện đối mặt với những sự được, mất vô cùng to lớn, trong khi các nhà đàm phán tìm cách đạt được một thỏa thuận trước thời hạn chót là cuối tháng Sáu.

VOA Express

XS
SM
MD
LG