Đường dẫn truy cập

Ngoại trưởng Kerry hối thúc Quốc hội cho phép sử dụng sức mạnh chống nhóm IS


Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry nói rằng Quốc hội nên dành cho Tổng thống Barack Obama sự linh động trong cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo, khi họ chấp thuận một dự luật cho phép việc sử dụng sức mạnh quân sự. Theo tường thuật của thông tín viên Michael Bowman của đài VOA ở Điện Capitol, chưa có dấu hiệu cho thấy Quốc hội muốn thông qua một dự luật như vậy và bên hành pháp vẫn chưa trình bày đề nghị của mình.

Trong lúc những vụ không kích tiếp tục được thực hiện ở Iraq và Syria, dự luật của Quốc hội Mỹ cho phép sử dụng sức mạnh quân sự, gọi tắt là AUMF, vẫn chưa có nhiều tiến bộ.

Ngoại trưởng John Kerry nói với Ủy ban Đối ngoại Thượng viện rằng chính phủ của Tổng thống Obama thật tâm muốn Quốc hội thông qua dự luật AUMF:

"Tôi tới đây để thay mặt cho ngành hành pháp để làm việc với quí vị để hoàn tất việc này. Và tổng thống đã không ngớt cho biết là ông muốn có dự luật AUMF."

Phát biểu đó đã gặp phải một phản ứng kịch liệt từ Thượng nghị sĩ Robert Menedez, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện.

"Có một cuốn phim nổi tiếng là phim “Tiền đâu, đưa tôi xem.” Tôi muốn nói với ông là 'Từ ngữ của dự luật AUMF đâu, hãy đưa cho tôi xem.'"

Ông Menedez đã đề nghị một dự luật cho phép sử dụng sức mạnh quân sự có thời hạn 3 năm, trong đó loại trừ khả năng phái binh sĩ Mỹ tới nơi để tác chiến trên bộ. Vị thượng nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ này cho biết thêm như sau:

"Người Mỹ sẽ không ủng hộ cho một dự luật cho phép tiến hành một cuộc chiến tranh không có hồi kết. Họ không muốn chúng ta chiếm đóng Iraq trong nhiều thập niên. Theo quan điểm của tôi, việc điều động binh sĩ trên bộ vào thời điểm này là một sự lập lại vô bổ của những gì đã xảy ra ở Iraq."

Ngoại trưởng Kerry tán dương bản sơ thảo của Thượng nghị sĩ Menedez, nhưng ông thúc giục Thượng viện để cho Tổng thống Obama được linh động nhiều hơn.

Ông nêu ra sự kiện là Tổng thống Obama đã loại trừ khả năng triển khai binh sĩ tác chiến trên bộ, nhưng ông nói thêm như sau:

"Điều này không có nghĩa là chúng ta trói tay vị tổng tư lệnh của mình hoặc các viên chỉ huy của mình ở chiến trường, khiến cho họ không thể ứng phó với những tình huống mà chúng ta không thể nào thấy trước được."

Ủy ban của Thượng viện có thể biểu quyết dự luật AUMF vào ngày mai. Tuy nhiên, vì Quốc hội sẽ nghỉ họp trong vài ngày tới đây cho nên việc dự luật được toàn thể quốc hội thông qua là một mục tiêu không thể đạt được vào lúc này.

Nhân vật hàng đầu của phe Cộng hòa trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, Thượng nghị sĩ Bob Corker, nhận định như sau về vấn đề này:

"Tôi biết là chúng ta sẽ không thể đạt mục tiêu là Hạ viện và Thượng viện thông qua một dự luật cho phép sử dụng sức mạnh quân sự. Và tôi muốn nói là chúng ta làm cho đất nước yếu đi khi chúng ta bắt đầu một tiến trình như thế mà chúng ta không thật làm cho cho nó trở thành luật."

Ông Stuart Rothenberg, một nhà phân tích chính trị nổi tiếng ở Washington, cho biết cả chính quyền Obama lẫn quốc hội đều không muốn tranh cãi với nhau về một dự luật cho phép sử dụng sức mạnh quân sự, mặc dầu cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo có được sự hậu thuẫn của cả hai đảng:

"Tôi nghĩ rằng đây là một thí dụ điển hình của một vấn đề nan giải mà không ai muốn tìm cách giải quyết. Đây là một vấn đề phức tạp, không ai có một sách lược tốt, và do đó các chính khách đang tìm cách tránh né."

Chiến dịch không kích hiện nay được thực hiện dựa trên dự luật cho phép sử dụng sức mạnh quân sự mà Quốc hội thông qua sau biến cố ngày 11 tháng 9 năm 2001 để chống lại al-Qaida và những tổ chức phụ thuộc. Ngoại trưởng Kerry nói rằng vì Nhà nước Hồi giáo là một nhóm phát xuất từ al-Qaida, cho nên chiến dịch quân sự chống lại nhóm này có thể dựa trên dự luật AUMF hiện có, nhưng một dự luật được cập nhật sẽ có ích rất nhiều. Công việc đó giờ đây sẽ được thực hiện bởi Quốc hội khóa mới, khi họ bắt đầu nhóm họp vào tháng giêng.

VOA Express

XS
SM
MD
LG