Đường dẫn truy cập

Ngoại trưởng Mỹ công du 3 nước Đông Bắc Á


Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry (trái) và Ngoại trưởng Nam Triều Tiên Yun Byung-se trước cuộc hội đàm tại Bộ Ngoại giao ở Seoul, Nam Triều Tiên 12/4/13
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry (trái) và Ngoại trưởng Nam Triều Tiên Yun Byung-se trước cuộc hội đàm tại Bộ Ngoại giao ở Seoul, Nam Triều Tiên 12/4/13
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry hôm nay đến Nam Triều Tiên để thảo luận về tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Ông cũng sẽ đi thăm Trung Quốc và Nhật Bản vào cuối tuần này.

Các giới chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ông Kerry sẽ thảo luận với các giới chức Nam Triều Tiên về một thỏa thuận mà hai nước đã đạt được về điều được gọi là “một sự đáp trả tương xứng” đối với những hành vi xâm lấn của Bắc Triều Tiên.

Đôi bên cũng sẽ bàn về chương trình hạt nhân dân sự của Nam Triều Tiên và chuyến công du Hoa Kỳ vào tháng sau của Tổng thống Nam Triều Tiên Park Guen Hye.

Cựu ngoại trưởng Australia Kevin Rudd cho biết lập trường của Tổng thống Park Guen Hye về Bắc Triều Tiên làm tăng áp lực đòi ông Kerry mưu tìm sự giúp đỡ của Trung Quốc để kiềm chế Bình Nhưỡng. Ông Rudd nói:

"Căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên có thể đòi hỏi một cuộc thảo luận chiến lược ở cấp cao hơn trong mối quan hệ Mỹ-Trung và việc này cần phải nhanh chóng thực hiện mới có thể ngăn chận đà leo thang hiện nay. Việc này đặc biệt cần thiết vì tính chất khó tiên đoán và thiếu kinh nghiệm chính trị của ông Kim Jong Un, vì những áp lực chính trị trong nước đòi tân Tổng thống Nam Triều Tiên phải đáp trả một cách đích đáng với những hành vi khiêu khích quân sự của Bắc Triều Tiên, và vì Trung Quốc không có một “phương án B” cho trường hợp xảy ra những hành động thù địch."

Ông Doug Paal là Giám đốc chương trình Á châu của Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie ở Washington. Ông tin rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang cảm thấy vui mừng vì Bắc Triều Tiên đã bổ nhiệm một nhân vật có quan điểm tiến bộ hơn và từng du học ở Trung Quốc vào chức thủ tướng. Ông nhận định:

"Qua sự bổ nhiệm ông Park Poong Joo, Trung Quốc hy vọng Bắc Triều Tiên sẽ thực hiện những biện pháp cải cách, như họ đã thúc giục trong hơn mười năm qua. Đó là những biện pháp cải cách mà Trung Quốc đã áp dụng. Những cải cách này sẽ mang lại cho Bắc Triều Tiên sự ổn định kinh tế và xã hội mà nước này không thể có được với mô hình kinh tế hiện nay."

Ông Paal cho rằng đây chính là một cơ hội để Ngoại trưởng Kerry giải tỏa những mối lo ngại của Trung Quốc về một nước Triều Tiên thống nhất. Ông nói:

"Tôi nghĩ rằng Tổng thống Obama có thể cho phép ông Kerry nói rằng Hoa Kỳ không cần hoặc không có ý định bố trí binh sĩ của mình ở phía bắc vĩ tuyến 30, ngoại trừ với mục đích lấy đi các vũ khí hạt nhân. Như vậy, Trung Quốc có chịu hay không? Trung Quốc muốn thấy một nước Nam Triều Tiên tái thống nhất có thái độ thù địch với Trung Quốc hay là Trung Quốc muốn hợp tác với Nam Triều Tiên?"

Tại Tokyo, Ngoại trưởng Kerry sẽ tái khẳng định cam kết của Washington là sẽ giúp Nhật Bản phòng vệ trước một vụ tấn công của Bắc Triều Tiên. Ông Jim Schoff, một chuyên gia Á châu từng làm việc cho Bộ Quốc phòng Mỹ, nói rằng vị trí nổi bật của Trung Quốc trong cách ứng phó của Mỹ đối với Bắc Triều Tiên gây ra những mối quan tâm cho các nhà lãnh đạo Nhật Bản, những người đang đối mặt với một vụ tranh chấp kịch liệt với Trung Quốc về vấn đề chủ quyền lãnh thổ. Ông Schoff nói:

"Việc chúng ta muốn Trung Quốc là một phần của giải pháp về vấn đề Bắc Triều Tiên có thể sẽ làm cho Nhật Bản cảm thấy bất an đôi chút, vì chắc chắn là Nhật Bản muốn thảo luận về vấn đề quần đảo Senkaku và muốn Hoa Kỳ hậu thuẫn mạnh mẽ cho Nhật Bản trong việc bảo vệ các đảo này trước sự xâm phạm của Trung Quốc. Vì vậy, đây là một hoạt động ngoại giao tế nhị mà ông Kerry sẽ phải thực hiện."

Ông Schoff tin rằng Ngoại trưởng Kerry sẽ tìm cách nới rộng cuộc đối thoại ngoại giao ở Tokyo và Seoul để hối thúc Nhật Bản và Nam Triều Tiên tham gia nhiều hơn vào các vấn đề toàn cầu, như Syria, Iran và công tác tái thiết Afghanistan.

Ngân sách mà Tổng thống Obama công bố hồi đầu tuần này cho thấy cam kết của ông đối với một vai trò lớn hơn ở Á châu, qua việc gia tăng ngân quỹ cho các chương trình xã hội ở Miến Điện, trợ giúp kinh tế cho Việt Nam, chi tiêu quân sự ở Philippines và hỗ trợ Hiệp hội các nước Đông Nam Á, tức ASEAN.

VOA Express

XS
SM
MD
LG