Các nhà nghiên cứu có một manh mối mới cho biết vì sao HIV khó chữa như vậy, và một chiến lược mới có tiềm năng đánh bật virus này khỏi những nơi ẩn náu chủ chốt cuối cùng của nó trong cơ thể người.
Bệnh nhân có thể sống hàng chục năm trong tình trạng nhiễm HIV miễn là họ dùng thuốc kháng virus ngăn nó tự sao chép.
Nhưng virus không bao giờ biến mất. Nó nằm im trong một phần của hệ miễn dịch được gọi là những tế bào T ghi nhớ, làm cho nó về cơ bản trở nên vô hình trước cơ chế tự vệ của cơ thể.
Tuy nhiên, "ngay khi bệnh nhân ngừng uống thuốc, virus ra khỏi trạng thái tiềm ẩn và bắt đầu tiếp tục sao chép," nhà nghiên cứu HIV Robert Siliciano của Đại học Johns Hopkins University nói. "Đó là lý do vì sao không thể chữa khỏi HIV bằng thuốc."
Các bác sĩ từng hy vọng nếu họ có thể bắt virus lộ diện trong khi bệnh nhân đang dùng thuốc kháng virus thì cơ chế tự vệ của cơ thể sẽ phát hiện ra những tế bào bị nhiễm virus và tiêu diệt chúng, và thuốc có thể ngăn không cho virus lây lan.
Nhưng tới nay phương pháp này vẫn chưa hữu hiệu.
Một lý do mà ông Siliciano và đồng nghiệp nêu ra trên chuyên san Nature là: virus ra khỏi nơi ẩn náu có hình thù khác với virus gây bệnh.
Bậc thầy ngụy trang
HIV là bậc thầy về ngụy trang, giống như một điệp viên tìm cách tránh bị phát hiện. Điệp viên có thể đổi áo khoác và màu tóc của họ, lui vào ẩn mình cho đến khi tình hình không còn nguy hiểm.
Tương tự như vậy, HIV không ngừng đột biến để tránh bị hệ miễn dịch phát hiện. Đó là nơi thuốc có tác dụng. Nếu virus đánh lừa được những thợ săn virus, được gọi là tế bào T diệt virus, thuốc kháng virus vẫn có thể giết chết nó. Ngoại trừ virus đã biến đổi ẩn nấp trong những tế bào T ghi nhớ.
Nghiên cứu mới phát hiện rằng khi virus ra khỏi nơi ẩn nấp, gần như tất cả đều đã đột biến - vẫn khoác lên mình lớp vỏ ngụy trang mà hầu hết các tế bào T diệt virus không nhận ra.
Hầu hết, nhưng không phải tất cả, và đó là điểm mấu chốt.
"Những tế bào khác thấy được những phần khác chưa đột biến của virus. Những tế bào đó vẫn có thể hoạt động hữu hiệu," ông Siliciano nói. Những tế bào đó không có nhiều, và "chúng phải được kích thích đúng cách, nhưng một khi chúng được kích thích, chúng có thể nhận diện và tiêu diệt những tế bào bị nhiễm virus."
Đưa vào tầm ngắm
Giống như huấn luyện những người săn gián điệp phát hiện giày của điệp viên, ông Siliciano cho nhóm nhỏ những tế bào T diệt virus này tiếp xúc một mẩu virus chưa biến đổi. Việc này kích thích chúng tìm và tiêu diệt hầu hết những tế bào T ghi nhớ bị nhiễm virus.
Đó là tin tốt, nhưng vẫn còn quá sớm để ăn mừng, ông Siliciano dè dặt nói. "Liệu nó có tiêu diệt đủ virus để bệnh nhân dứt điều trị và liệu virus có tái phát hay không, chúng tôi không biết được."
Bác sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm đồng ý. Ông nói dù nghiên cứu cho thấy một hướng chữa trị đầy hứa hẹn để tăng cường khả năng của cơ thể kiềm chế sự lây nhiễm. "Tôi nghĩ còn quá sớm để cho rằng đây là một bước tiến quan trọng trong việc chữa trị, vì tìm ra được phương cách chữa trị HIV sẽ rất phức tạp, thậm chí có thể không thể nào đạt được," ông nói.
Tuy vậy, theo nhà nghiên cứu virus David Margolis tại Đại học North Carolina ở Chapel Hill, người không tham gia vào nghiên cứu nói trên, đây là một đánh giá sáng sủa hơn so với một nghiên cứu mà ông Siliciano đăng vài năm trước.
"Nghiên cứu trước vẽ ra một bức tranh ảm đạm, như thể sẽ rất khó hoặc không thể nào loại bỏ tế bào nhiễm virus tiềm tàng," ông Margolis nói. Ông nói nghiên cứu mới "cho thấy có vẻ dễ tìm ra những cách mà qua đó chúng ta có thể định lại mục tiêu cho phản ứng miễn dịch nhằm tiêu diệt virus."
Ông Siliciano cho biết các nhà nghiên cứu có thể phát triển một loại vắc-xin kích thích những tế bào T diệt virus. Bệnh nhân đang dùng thuốc kháng virus sẽ được tiêm vắc-xin và sau đó cho một loại thuốc để đánh thức virus đang ngủ.
Một nửa trận chiến
Nhưng tất cả mọi người đồng ý là có những trở ngại to lớn cần vượt qua trước khi các nhà khoa học có thể bàn tới phương cách chữa trị HIV.
"Một nửa trận chiến là tiêu diệt những tế bào nhiễm virus một khi virus lộ diện," ông Siliciano nói. "Có lẽ phần khó khăn hơn là làm cho virus lộ diện. Chúng tôi vẫn đang tìm cách làm được việc này."
Chẩn đoán HIV sớm cũng có thể là một yếu tố.
Nghiên cứu ghi nhận rằng khi bệnh nhân bắt đầu điều trị trong vòng một vài tuần sau khi nhiễm virus, hầu như không có virus lẩn trốn nào đột biến thành một dạng thức không thể nhận ra.
Đối với bệnh nhân, ông nói "loại bỏ những tế bào nhiễm virus một khi đảo ngược trạng thái tiềm ẩn có lẽ dễ hơn."
"Vì một số lý do, rõ ràng bệnh nhân bắt đầu điều trị càng sớm thì càng tốt," ông lưu ý.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1
Việt Nam, Trung Quốc ký 10 thỏa thuận trong chuyến thăm của Thủ tướng Lý Cường
2Bộ trưởng quốc phòng Philippines nghi ngờ ý định của TQ về bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông
3Tổng thống Biden tới Florida khảo sát thiệt hại do bão Milton gây ra
4Mỹ sẽ điều hệ thống chống phi đạn và binh sĩ tới Israel
VOA có ứng dụng mới
Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.
Tải ứng dụng VOA trên App Store và Google Play!