Đường dẫn truy cập

Nga muốn tăng cường hợp tác với Tây phương sau thoả thuận hạt nhân Iran


Tổng thống Nga Vladimir Putin tại một cuộc họp nội các ở điện Kremlin. Sự hợp tác giữa Nga và Tây phương phần lớn đã bị gián đoạn sau khi Moscow bị chế tài hồi năm ngoái vì sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine và hỗ trợ cho phe đòi ly khai ở miền đông Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại một cuộc họp nội các ở điện Kremlin. Sự hợp tác giữa Nga và Tây phương phần lớn đã bị gián đoạn sau khi Moscow bị chế tài hồi năm ngoái vì sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine và hỗ trợ cho phe đòi ly khai ở miền đông Ukraine.

Nga bày tỏ sự hoan nghênh đối với thoả thuận hạt nhân Iran và hô hào cho việc hợp tác thêm nữa giữa Moscow với Tây phương để giải quyết những vấn đề gai góc khác. Theo tường thuật của thông tín viên Daniel Schearf của đài VOA tại Moscow, thoả thuận hạt nhân Iran có thể gia tăng sự hợp tác ở Trung Đông nhưng những sự bất đồng giữa đôi bên đối với hai vấn đề Syria và Ukraine có phần chắc sẽ tiếp tục.

Giới hữu trách Nga trong thời gian gần đây đã không tiếc lời ca tụng thành tựu của thoả thuận hạt nhân Iran đạt được hồi đầu tháng này, thậm chí còn nhiều hơn các giới chức chính phủ Mỹ.

Trong lúc hiệp định gây tranh cãi này gặp phải những sự chỉ trích của những người chống đối, những người nói rằng cơ chế kiểm tra trong thoả thuận này quá đỗi yếu kém, Điện Kremlin chỉ nhấn mạnh tới sự thành công.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng hiệp định này làm mạnh thêm những nỗ lực ngăn chận nạn phổ biến vũ khí hạt nhân và có một ảnh hưởng tích cực đối với an ninh và ổn định của vùng Trung Đông.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama thừa nhận là thành quả này không thể đạt được nếu không có sự hợp tác của Moscow, đồng minh chính của chế độ Assad ở Syria.

Ông Nokolay Kozhanov, một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Carnegie ở Moscow, nhận định như sau.

"Trong 3 năm nay, bất chấp mọi vấn đề trong cuộc đối thoại Nga-Mỹ và những mối quan hệ của Nga với Tây phương, phía Nga đã chứng tỏ quyết tâm theo đuổi mục tiêu giải quyết vấn đề hạt nhân Iran."

5 nước hội viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc – Nga, Mỹ, Anh, Pháp, và Trung Quốc, cộng với nước Đức đã ký kết thoả thuận này với Iran để ngăn chận các tham vọng vũ khí hạt nhân của Tehran.

Ngoại trưởng Lavrov nói rằng sự hợp tác về vấn đề hạt nhân Iran có thể được dùng để giải quyết các vấn đề khác.

Ông Andrey Baklitsky, một nhà phân tích chính sách hạt nhân của Trung tâm PIR ở Moscow, cho rằng thoả thuận hạt nhân Iran có thể làm hồi sinh sự hợp tác về các vấn đề như chống khủng bố và Trung Đông.

"Những vấn đề mà cách tiếp cận của Nga và Tây phương khác nhau sẽ không bị ảnh hưởng nhiều như vậy. Đối với vấn đề Ukraine, rõ ràng là Nga và Tây phương có những cách tiếp cận khác nhau khá nhiều. Nhất là khi nói tới vấn đề bán đảo Crimea, tôi không nghĩ là sẽ có sự hoà giải thật sự vào thời điểm này."

Sự hợp tác giữa Nga và Tây phương phần lớn đã bị gián đoạn sau khi Moscow bị chế tài hồi năm ngoái vì sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine và hỗ trợ cho phe đòi ly khai ở miền đông.

Ngoại trưởng Lavrov của Nga trích lời Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói rằng việc giải quyết vấn đề hạt nhân Iran sẽ loại bỏ nhu cầu thiết lập hệ thống phòng thủ phi đạn của Mỹ ở Châu Âu.

Washington cho rằng chương trình phi đạn đạn đạo của Iran làm cho Mỹ phải thiết lập hệ thống phòng thủ ở Châu Âu, nhưng Moscow e rằng kế hoạch đó có mục đích bao vây nước Nga.

Tuy nhiên, việc kiểm tra phi đạn đạn đạo của Iran không nằm trong thoả thuận hạt nhân và chương trình phòng thủ phi đạn ở Châu Âu chưa hoàn tất.

Một số nhà phân tích chính trị nói rằng Hoa Kỳ nên từ bỏ chương trình này để tránh gây căng thẳng không cần thiết với Nga. Nhưng những người khác thì cho rằng vì không có sự bảo đảm chắc chắn nào về phi đạn của Iran và thoả thuận hạt nhân chỉ mới được ký kết cho nên Hoa Kỳ cần xúc tiến kế hoạch thiết lập hệ thống phòng thủ phi đạn ở Châu Âu.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG