Đường dẫn truy cập

Nepal sắp mở tuyến đường với Trung Quốc


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (thứ 2-bên phải) gặp Thủ tướng Nepal Khadga Prasad Sharma Oli (thứ 2-bên trái) tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 21 tháng 3 2016.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (thứ 2-bên phải) gặp Thủ tướng Nepal Khadga Prasad Sharma Oli (thứ 2-bên trái) tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 21 tháng 3 2016.

Thủ tướng Nepal K. P. Sharma Oli dường như sắp ghi dấu ấn lịch sử trong chuyến thăm Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 20/3 và kết thúc vào Chủ Nhật này.

Thủ tướng đã ký kết một số thỏa thuận nhằm giảm sự phụ thuộc kinh tế của Nepal vào Ấn Độ kéo dài nhiều thế kỷ, trong đó có kế hoạch mở tuyến đường sắt từ Trung Quốc đi qua dãy Himalaya.

Hôm 23/3, Bắc Kinh và Kathmandu đã ký một thỏa thuận theo đó Trung Quốc sẽ cung cấp các sản phẩm dầu mỏ cho Nepal, nước vốn là phụ thuộc vào Ấn Độ về lĩnh vực này. Bắc Kinh cũng đang tìm cách giảm sự phụ thuộc của Nepal vào Ấn Độ về điện với việc lên kế hoạch về một đường truyền tải qua biên giới.

"Nepal có thể là cầu nối giữa Trung Quốc và Ấn Độ", Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói hôm 21/3, khi đóng dấu phê duyệt động thái này.

Theo các nhà phân tích, ông Tập có lý do để hài lòng về sự xoay vần các sự kiện, vì một nỗ lực trước đây nhằm thiết lập các mối liên kết mạnh mẽ với Nepal vào năm 2008 đã không thành công. Động thái này có ý nghĩa quân sự vì Cao nguyên Himalaya là một tài sản chiến lược quan trọng. Ngoài ra, quân đội Ấn Độ có mối quan hệ chặt chẽ với các lực lượng Nepal và Bắc Kinh muốn “pha loãng” điều đó, các nhà phân tích cho hay.

Ông Oli tuần trước nói rằng Nepal muốn sử dụng các cảng biển ở Trung Quốc để phục vụ ngoại thương mại của Nepal. Hiện nay, 90% ngoại thương của Nepal đi qua Ấn Độ.

"Chúng tôi đã là một đất nước khóa chặt với Ấn Độ. Giờ đây chúng tôi đang phát triển một quan hệ đối tác mạnh mẽ ở Trung Quốc, và mở ra các tuyến đường quá cảnh mới", Rajan Bhattarai, một thành viên quốc hội và là người của đảng Cộng sản Nepal Marxist Leninist Thống nhất cầm quyền, nói với đài VOA.

Đường hầm xuyên Himalaya

Tuy nhiên, nhiều người nhìn vào những động thái này với sự hoài nghi vì địa hình núi non hiểm trở của Nepal, sợi dây liên kết về văn hóa của nước này với Ấn Độ, cũng như vị trí mong manh của ông Oli trên sân khấu chính trị Nepal.

Ấn Độ nói Nepal có quyền tìm kiếm các đối tác khác; nhưng một số người tin là New Delhi có thể quan ngại về tình hình mới, vì kết nối Nepal với Trung Quốc bằng đường sắt giúp cho quân đội Trung Quốc có lợi thế khác thường so với đối thủ Ấn Độ.

"Tôi không nghĩ rằng Trung Quốc sẽ làm bất cứ điều gì ở Nepal mà có thể làm tổn thương nghiêm trọng lợi ích của Ấn Độ và ảnh hưởng đến mối quan hệ của họ với New Delhi", Pramod Jaiswal, nhà nghiên cứu kỳ cựu tại Viện Nghiên cứu Hòa bình và Xung đột ở New Delhi, nói. "Trung Quốc cần thị trường rộng lớn của Ấn Độ cho hàng hóa và ngành xây dựng cơ sở hạ tầng nhiều hơn so với mức họ cần Nepal".

Bộ Ngoại giao Trung Quốc thừa nhận rằng tuyến đường sắt xuyên biên giới vẫn đang ở giai đoạn đề xuất, và nghiên cứu khả thi chưa được thực hiện; nhưng các nhà phân tích cho rằng không nên đánh giá thấp khả năng của các kỹ sư đường sắt Trung Quốc đối với việc đưa tuyến đường sắt Tây Tạng đến biên giới Nepal. Đã có lúc các quan chức Trung Quốc đề cập đến việc làm đường hầm qua dãy Himalaya để nhanh chóng kéo dài tuyến đường sắt đến biên giới Nepal.

Các kỹ sư đường sắt Trung Quốc đã từng chứng minh sự kiên cường hiếm có khi họ làm các đường ray xuyên qua các dãy núi ở Tây Tạng.

Chủ nghĩa cơ hội chính trị?

Các hành động của thủ tướng diễn ra tiếp sau cuộc phong tỏa biên giới quy mô lớn do các lực lượng đối lập bị kích động thực hiện, chặn đứng dòng chảy hàng hóa từ Ấn Độ trong nhiều tuần cho đến khi được khôi phục lại gần đây.

Nepal đã tố cáo Ấn Độ hỗ trợ những kẻ kích động thuộc cộng đồng Madhesi - chủ yếu là người dân từ vùng đồng bằng của Nepal có liên kết chặt chẽ với Ấn Độ. Họ phản đối các điều khoản trong hiến pháp mới không trao cho họ một số quyền. Ông Oli đã buộc phải sửa đổi hiến pháp để đáp ứng yêu cầu của người Madhesi.

"Thủ tướng Nepal đang khó chịu với Ấn Độ về cuộc phong tỏa. Ông muốn mời Trung Quốc làm đối trọng với Ấn Độ ở Nepal", Jaiswal cho biết.

Còn có một lý do khác đưa ông Oli trở nên gần gũi hơn với Trung Quốc, theo các nhà phân tích. Đảng của ông không có thế đa số trong quốc hội, và phụ thuộc vào Đảng Cộng sản Nepal Maoist Thống Nhất, mà đảng này được biết là có lập trường ủng hộ Trung Quốc. "Hai đảng này từng là đối thủ của nhau. Nhiều người tin rằng Trung Quốc đã đóng vai trò trong việc đưa họ lại với nhau", Jaiswal nói.

Nằm lọt trong dãy Himalaya, thế giới biết đến Nepal chủ yếu vì nước này có Đỉnh Everest, có nơi Đức Phật ra đời ở Lumbini, và là vương quốc có gần 100% dân số là người Hindu giáp với Ấn Độ. Ý nghĩa chính trị duy nhất của nước này là giữ vai trò điểm dừng chân đầu tiên của người Tây Tạng chạy trốn từ Trung Quốc sang Ấn Độ với hy vọng nhìn thấy Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Các nhà quan sát nói họ tin rằng Trung Quốc dựa nhiều vào lực lượng quân đội và cảnh sát Nepal để ngăn chặn việc nhập cảnh của những người Tây Tạng chạy trốn, và giám sát chặt những người tị nạn Tây Tạng đã định cư ở Nepal.

"Mỗi quốc gia đều có lý do riêng khi tăng cường tình hữu nghị. Chúng tôi hiểu những vấn đề gì thì nhạy cảm và quan trọng đối với các nước láng giềng, và chúng tôi cố gắng làm những gì có thể cho họ", Rajan Bhattarai nói.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG