Đường dẫn truy cập

Phái bộ giám sát cựu chiến binh Maoist của LHQ sắp kết thúc sứ mạng


Bà Karin Landgren, trưởng phái đoàn công tác của Liên Hiệp Quốc tại Nepal trong một cuộc họp báo ở Kathmandu, ngày 10/1/2011
Bà Karin Landgren, trưởng phái đoàn công tác của Liên Hiệp Quốc tại Nepal trong một cuộc họp báo ở Kathmandu, ngày 10/1/2011

Tại Nepal, chưa rõ ai sẽ thanh sát hàng ngàn cựu chiến binh Maoist vào lúc một phái bộ hòa bình của Liên hiệp quốc tại quốc gia Nam Á này sắp kết thúc sứ mạng vào cuối tuần. Theo tường thuật của thông tín viên VOA Anjana Pasricha, tiến trình hòa bình Nepal vẫn bế tắc, 4 năm sau khi chấm dứt cuộc nội chiến đưa phe Maoist vào dòng chính chính trị.

Một trong các sứ mạng chính của phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại Nepal là theo dõi khoảng 20.000 cựu chiến binh Maoist bị giữ trong các trại sau khi phiến quân chấm dứt cuộc nổi dậy và tham gia tiến trình hòa bình năm 2006. Vũ khí của họ bị giữ trong các hòm kim loại có khóa.

Sau 4 năm, vào lúc phái bộ Liên Hiệp Quốc chuẩn bị ra đi vào ngày thứ bẩy tuần này, các chính đảng đang tranh giành quyền lực đã không thể quyết định về tương lại của các chiến binh này.

Phe Maoist muốn họ được động viên vào quân đội, nhưng nhiều chính đảng phản đối.

Phe Maoist đã cảnh báo rằng tiến trình hòa bình có thể bị sụp đổ, nếu các thanh sát viên Liên Hiệp Quốc ra đi. Họ nói họ không muốn các cựu chiến binh của mình và vũ khí bị đặt dưới quyền kiểm soát của một ủy ban do chính phủ điều hành. Nhưng lời yêu cầu của họ đòi gia hạn sứ mạng hòa bình đã bị chính phủ lâm thời từ chối.

Hôm qua, các giới chức thuộc phái bộ Liên Hiệp Quốc kêu gọi chính phủ và phe Maoist đồng ý về một cơ chế mới để theo dõi các chiến binh và vũ khí của họ.

Chủ biên nhật báo Nepali Times, ông Kunda Dixit, tỏ vẻ lạc quan rằng sẽ tìm ra được một giải pháp nào đó trong những ngày sắp tới.

Ông Dixit cho biết: “Sẽ không có một sự đảo lộn nào lớn lao cả. Cá nhân tôi nghĩ rằng chính phe Maoist có thể sẽ đi đến một hình thức dung hòa nào đó.”

Phái bộ Liên Hiệp Quốc đã được gia hạn nhiều lần. Nhưng các giới chức Liên Hiệp Quốc từng nói rằng không có lý do gì để giữ cho sứ mạng kéo dài vô tận mà không đạt được tiến bộ nào về các vấn đề chính trị chủ chốt.

Tiến trình hòa bình đã khựng lại cách đây gần 2 năm vì những bất đồng nổi lên giữa phe Maoist và các đối thủ chính trị của họ về việc hòa nhập các chiến binh vào quân đội và những vấn đề khác.

Kể từ khí đó, đấu tranh chính trị nội bộ giữa các đảng lớn đã trở nên mãnh liệt hơn, giữa tình trạng tranh giành quyền kiểm soát chính phủ sắp tới. Nepal đã không có một chính phủ từ 6 tháng nay, và 16 mưu toan chọn một vị thủ tướng mới đã thất bại. Quốc hội sẽ lại tìm cách giải quyết vấn đề vào ngày mai. Tuy nhiên, theo dự kiến, vòng này cũng sẽ không đi đến kết quả nào.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG