Đường dẫn truy cập

Nạn nhân bão ở Philippines tuyệt vọng tìm thực phẩm, nước uống


Cảnh tàn phá sau khi bão Haiyan thổi qua thành phố Tacloban ở miền trung Philippines, 10/11/13
Cảnh tàn phá sau khi bão Haiyan thổi qua thành phố Tacloban ở miền trung Philippines, 10/11/13
Những người sống sót sau cơn bão ập vào miền trung Philippines hôm thứ Sáu càng lúc càng trở nên tuyệt vọng; Họ cướp bóc các cửa hàng và các đoàn xe cứu trợ hầu tìm thức ăn và nước uống.

Giới hữu trách địa phương nói họ tin rằng có đến 10.000 cư dân đã bị thiệt mạng trên đảo Leyte và Samar ở miền trung, nơi bão Haiyan trở thành một trong những trận bão lốc mạnh nhất thế giới được ghi nhận đổ bộ xuống các đảo này. Nhiều người bị chết đắm khi các ngọn sóng giống như sóng thần quét ngang qua các cộng đồng trên đảo.

Các viên chức trên đảo Samar cho biết ít nhất 300 người được xác nhận đã tử vong, và 2000 người mất tích.

Chính phủ Philippines nói rằng số người chết, tính đến tối Chủ nhật, là 229 người, tuy nhiên họ thừa nhận con số này có phần chắc sẽ gia tăng đáng kể.

Sau khi trải qua 3 ngày không có thực phẩm, một số cư dân trong thủ phủ Tacloban của Leyte đã lùng sục các cửa hàng, và các căn nhà còn lại trong thành phố, 200 ngàn dân đã bị tàn phá này.

Những người cuớp phá này còn tấn công các xe chở hàng cứu trợ nhân đạo, tuy nhiên những người dân khác đã xếp hàng một cách trầm tĩnh trong khi binh sĩ Philippines phát vật phẩm cứu trợ.

Hàng ngàn căn nhà đã trở thành đống gạch vụn, trong khi những chiếc xe hơi bẹp dúm nằm chồng lên nhau, cây cối đổ nát và dây điện giăng mắc trên mặt đất đầy bùn.

Bão Haiyan đã tạo nên triều cường lên đến 5 mét ập vào thành phố Tacloban và khi nước rút xuống thi hài nạn nhân bị vùi dập theo. Nhà chức trách đã phải vất vả để thu hồi tử thi nạn nhân.

Thực phẩm được đặt lên ưu tiên hàng đầu

Người đứng đầu tổ chức Chữ thập đỏ ở Philippines nói tổ chức của bà đã đặt mua các túi đựng tử thi, nhưng hiện nay đang tập trung vào việc chuyển 45.000 gói thực phẩm đến cho các gia đình đang cần đến nhất. Bà nói:

“Dân chúng đã mất kiên nhẫn vì họ muốn thấy một sự trợ giúp quan trọng, vì hôm nay đã là ngày thứ ba kể từ khi bão xảy ra.”

Bà nói giải quyết cuộc khủng hoảng là một thách thức quá lớn, cho dù một số tuyến đường đi lại đã được dọn phần nào. Nhân viên cứu trợ cố tìm cách mang các tiếp tế thực phẩm và nước uống đến rất chật vật để liên lạc với nhau.

Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã đi thị sát thành phố Tacloban và các vùng bị ảnh hưởng nặng hôm Chủ nhật. Ông nói chính phủ sẽ chuyển hàng cứu trợ và trợ giúp y tế cho những người sống sót và phục hồi điện cùng các phương tiện thông tin liên lạc trong những khu vực bị cô lập.

Ngược lại với các cảnh cướp bóc chiếu trên truyền hình, trang mạng xã hội của tổng thống Philippines đăng các hình ảnh cư dân Tacloban đang chờ phẩm vật cứu trợ với dòng thuyết minh rằng họ xếp hàng một cách ‘trật tự’. Phó Tổng thống Jejomar Binay cũng đã đi thăm một hòn đảo và đã nhận định rằng trận bão này là ‘một thảm kịch quốc gia’.

Các nỗ lực cứu trợ nước ngoài

Văn phòng Phối hợp Hoạt động Nhân đạo Liên hiệp quốc ở Manila cho biết các nhân viên cứu trợ đã ‘đẩy mạnh các hoạt động cứu trợ quan trọng’ trong vùng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên họ nói ‘việc tiếp cận khu vực vẫn còn là thách thức lớn’, vì một số khu vực vẫn còn bị cắt đứt các nguồn tiếp tế.

Tổ chức Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hiệp quốc nói họ đang làm việc với chính phủ Philippines để sử dụng máy bay chở thực phẩm, các tiếp tế hậu cần và trang thiết bị thông tin liên lạc đến Cebu, một đảo nằm về hướng tây nam đảo Leyta.

Tổ chức này nói rằng sân bay ở Cebu sẽ trở thành trung tâm chính cho các chuyến không vận hàng đến Tacloban, vì sân bay trong thành phố này bị hư hại nặng đã đóng cửa đối với tất cả các chuyến bay, trừ phi cơ quân sự.

Nhóm Bác sĩ Không Biên giới cho biết họ gửi mấy mươi nhân viên y tế và các chuyên viên hậu cần đến đảo Cebu trong vài ngày tới, cùng với 200 tấn thuốc men và hàng cứu trợ. Tuy nhien nhóm này nói rằng họ chưa thể lượng định nhu cầu của những người sống sót sau trận bão vì việc đi lại các vùng bị ảnh hưởng ‘cực kỳ khó khăn’.

Hoa Kỳ đã tiếp tay trong nỗ lực cứu trợ. Trong một tuyên bố đưa ra hôm thứ Bảy, Bộ Quốc phòng nói rằng Bộ Tư lệnh đặc trách vùng Thái bình của Hoa Kỳ sẽ trợ giúp trong các công tác tìm kiếm và giải cứu cũng như hỗ trợ về máy bay.

Một đội cứu trợ từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, USAID, cũng được triển khai để tiến hành việc đánh giá thiệt hại, các điều kiện theo dõi cũng như ‘tư vấn về các nhu cầu bổ sung.’

Thách thức về điện được nêu bật

Các tỉnh bị bão ở miền trung Philippines đang đối mặt thêm với các vấn đề với việc các tháp điện thoại di động bị ngã và cúp điện ở nhiều nơi. Có những vùng, như Leyte chẳng hạn, hoàn toàn chìm trong bóng tối.

Ông Vic Loot, người đứng đầu cảnh sát quốc gia của Philippines, đã đáp phi cơ từ Manila đến Cebu hôm thứ Bảy để kiểm tra nhà của ông ở Daan Bantayan. Ông cho biết đã mất 5 giờ đồng hồ làm việc với nhân viên đáp ứng cấp cứu để dùng cưa cưa các cây cối và cột điện bị đổ chỉ để vào bên trong thị trấn.

Ông cho biết Daan Bantayan là điểm nối kết chính với hệ thống mạng lưới điện quốc gia. Ông nói:

“Đây là một điểm rất quan trọng. Và chúng ta cần các con đường ở đó để các kỹ thuật viên đến, để những người thợ sửa chửa đến … khu vực này cần được dọn dẹp.

Ông nói lưới điện trong khu vực đó cần được ưu tiên sửa chữa để có thể phục hồi điện trong vòng 30 ngày, bằng không có thể phải mất khoảng 3 tháng.

Ông nói thị trấn với 75.000 căn nhà này hầu như nhà nào cũng bị hư hại nghiê trong, kể cả nhà của ông.

Tại Vatican, trong buổi cầu nguyện hàng tuần Angelus, Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi giáo dân cầu nguyện trong yên lặng cho nạn nhân bão. Đức Thánh cho nói ngài cảm thấy gần gủi với nhân dân Philippines và kêu gọi những người lắng nghe lời ngài gửi những trợ giúp cụ thể đến cho nạn nhân. Philippines là nước có số dân theo Công giáo lớn nhất ở châu Á.

Các cơ quan khí tượng nói rằng bão Haiyan theo dự báo sẽ thổi vào miền bắc Việt Nam vào sáng sớm thứ Hai sau khi di chuyển về hướng tây bắc ngang qua Vịnh Bắc bộ.

Hôm Chủ nhật bão đã đổ các trận mưa lớn xuống miền đông đảo Hải Nam, một hòn đảo ở miền nam Trung Quốc, khiến giới hữu trách phải hủy các chuyến bay.




Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG