Đường dẫn truy cập

Mỹ thúc ép Campuchia giải thích lý do từ chối đề nghị giúp sửa chữa căn cứ


Hải quân Campuchia trong buổi lễ tiếp nhận tàu tuần tra do Trung Quốc tặng tại căn cứ hải quân Ream, tỉnh Sihanouk Ville, vào ngày 7/11/2007.
Hải quân Campuchia trong buổi lễ tiếp nhận tàu tuần tra do Trung Quốc tặng tại căn cứ hải quân Ream, tỉnh Sihanouk Ville, vào ngày 7/11/2007.

Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ yêu cầu Campuchia giải thích lý do vì sao nước này đột nhiên từ chối lời đề nghị sửa chữa một căn cứ hải quân, và nói rằng quyết định này làm dấy lên suy đoán về khả năng hiện diện quân sự của Trung Quốc tại đó.

Một bức thư gửi cho Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia, mà hãng tin Reuters xem được, cho thấy mối quan ngại của Washington về sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Đông Nam Á, nơi Trung Quốc đang ngày càng tỏ ra quyết đoán với yêu sách chủ quyền trong khu vực tranh chấp Biển Đông.

Bức thư của ông Joseph Felter, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ phụ trách Nam và Đông Nam Á, yêu cầu cung cấp thêm thông tin về quyết định từ chối Mỹ giúp đỡ sửa chữa một cơ sở đào tạo và kho tàu tại căn cứ Hải quân Ream.

“Thư thông báo ngày 6 tháng 6 năm 2019 đã được chính phủ Hoa Kỳ đọc và đang gây ra suy đoán rằng việc thay đổi chính sách đột ngột này có thể cho thấy kế hoạch thay đổi lớn hơn tại căn cứ Hải quân Ream, đặc biệt là những kế hoạch liên quan đến việc đặt các thiết bị quân sự của Trung Quốc”, lá thư có đoạn, theo Reuters.

Tùy viên quân sự Mỹ tại Phnom Penh, Michael Stelzig, xác nhận bức thư được gửi cho Tướng Tea Banh vào ngày 24/6.

Đại sứ quán Hoa Kỳ không bình luận gì thêm với Reuters.

Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Campuchia cho Reuters biết, Campuchia không từ chối tiền của Mỹ, nhưng muốn chi tiêu nó vào việc khác.

“Có lẽ, tại Ream sẽ có một số thay đổi trong tương lai”, Reuters dẫn lời phát ngôn viên Chhum Socheat nói, và cho biết không thể đưa ra chi tiết về những thay đổi này. Khi được hỏi liệu chúng có liên quan đến quân đội Trung Quốc hay không, ông trả lời rằng không.

Đồng minh thân thiết của TQ

Campuchia là một trong những đồng minh thân thiết nhất của Trung Quốc tại Đông Nam Á. Nước này đã nhận được hàng tỷ đôla viện trợ của Trung Quốc cũng như hậu thuẫn chính trị cho Thủ tướng độc tài Hun Sen dù vấp phải những chỉ trích của phương Tây.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Phnom Penh không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters về bức thư hay bất kỳ kế hoạch nào cho các lực lượng Trung Quốc tại căn cứ hải quân Ream.

Trung Quốc hiện đang điều hành một căn cứ quân sự ở nước ngoài, tại Djibouti ở vùng Sừng châu Phi, và đã nhiều lần bác bỏ suy đoán cho rằng họ có kế hoạch mở thêm tại các nước khác.

Ông Felter đã đến thăm căn cứ Ream vào tháng 1 và cho biết ông đã đề nghị hỗ trợ sửa chữa các cơ sở do Hoa Kỳ tài trợ vào tháng 4, sau khi nhận được yêu cầu xin giúp đỡ của Campuchia. Ông Felter cho biết, đề nghị này sau đó đã bị từ chối.

Ream, căn cứ hải quân lớn nhất Campuchia, nằm về phía đông nam của thành phố cảng Sihanoukville, trung tâm của đặc khu kinh tế do Trung Quốc điều hành với sự bùng nổ sòng bạc của Trung Quốc.

Hồi năm ngoái, Thủ tướng Hun Sen nói sẽ không bao giờ có một căn cứ quân sự nước ngoài ở Campuchia, sau khi có tin tức cho rằng Trung Quốc đang vận động hành lang cho một căn cứ hải quân ở tỉnh Koh Kong, phía tây bắc Sihanoukville.

Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence cũng đã viết thư cho Thủ tướng Hun Sen hồi năm ngoái để bày tỏ mối quan ngại về sự hiện diện quân sự hoặc căn cứ quân sự nước ngoài ở Campuchia, là điều mà Hiến pháp Campuchia cấm.

Campuchia đã cảnh giác với sự cạnh tranh siêu cường kể từ khi nước này bị tàn phá bởi cuộc chiến giữa các lực lượng ủy nhiệm của Trung Quốc và Mỹ trong những năm 1970, mà đỉnh điểm là nạn diệt chủng Khmer Đỏ.

Nhưng Campuchia đã ủng hộ Bắc Kinh trong các cuộc đàm phán với các nước Đông Nam Á về vấn đề Biển Đông, nơi Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan đều có tuyên bố chủ quyền chồng chéo.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG