Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ chưa đả thông về yêu cầu của Ankara muốn Washington dẫn độ Fethullah Gulen, một giáo sĩ Hồi giáo bị Thổ Nhĩ Kỳ quy trách nhiệm thực hiện âm mưu đảo chính quân sự dù nhân vật này đã sống lưu vong tại Hoa Kỳ suốt 17 năm qua.
Hoa Kỳ vẫn đang do dự về yêu cầu này.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 18/7 nói với Thổ Nhĩ Kỳ rằng Mỹ cần “chứng cứ xác đáng đáp ứng các tiêu chuẩn về giám sát hiện có tại nhiều quốc gia" trước khi có thể cân nhắc việc dẫn độ giáo sĩ Gulen, 75 tuổi, đang sống ẩn dật ở vùng núi Poconos, bang Pennsylvania.
Phát biểu tại Brussels, ông Kerry cho biết ông đã nói với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu rằng “phải đảm bảo là bất cứ yêu cầu nào gửi chúng tôi, hãy gửi bằng chứng, chớ gửi những lời cáo buộc.”
Nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm Hoa Kỳ, có hiệp ước với các chính phủ khác về việc dẫn độ những cá nhân bị tố cáo tội ác tại nước ngoài, nhưng chỉ trong trường hợp có bằng chứng cụ thể về tội phạm.
Giáo sĩ Gulen phủ nhận không liên hệ gì tới cuộc đảo chính bất thành hồi thứ sáu tuần trước. Ông nói: “Có khả năng đây có thể là một cuộc đảo chính dàn dựng”, một cái cớ để đàn áp các tín đồ của ông tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim vẫn cương quyết rằng giáo sĩ Gulen có liên can. Ông Yildirim nói: “Chúng tôi sẽ cảm thấy thất vọng nếu những người bạn Mỹ yêu cầu chúng tôi trưng bằng chứng trong khi các thành viên của tổ chức giết người ấy đang cố gắng tiêu diệt một chính phủ dân cử theo chỉ thị của nhân vật này.” “Lúc này đây, tình hữu nghị giữa hai nước thậm chí có thể bị nghi ngờ.”
Giáo sĩ Gulen định cư ở Saylorsburg, Pennsylvania, trên đất của Trung tâm Tu đạo và Thờ phượng Golden Generation, một cơ sở Hồi giáo do những người Mỹ gốc Thổ Nhĩ Kỳ thành lập. Triết lý của ông pha trộn hình thức thần bí của đạo Hồi với sự vận động cho dân chủ, giáo dục, khoa học và đối thoại liên tôn. Phong trào do ông khởi xướng đang vận hành hàng chục trường học thuê mướn tại Mỹ.
Dù cách xa Thổ Nhĩ Kỳ 8.000 cây số, ông vẫn có ảnh hưởng đáng kể tại Thổ Nhĩ Kỳ, với các ủng hộ viên trong ngành truyền thông, cảnh sát, và tư pháp.
Giáo sĩ Gulen và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan từng là đồng minh trước khi quay lưng với nhau liên quan tới các cuộc điều tra tham nhũng hồi năm 2013 ở Thổ Nhĩ Kỳ, mà qua đó nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ quy trách nhiệm cho ông Gulen.
Giáo sĩ lưu vong Gulen cũng chỉ trích chế độ cai trị ngày càng độc tài của Tổng thống Erdogan, trong khi nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành một chiến dịch quy mô chống lại phong trào của giáo sĩ Gulen tại Thổ Nhĩ Kỳ, thanh trừng công chức, tịch biên các doanh nghiệp và đóng cửa một số cơ quan truyền thông.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tố cáo 103 tướng lãnh đang bị bắt giữ hiện nay liên can đến âm mưu đảo chính của những người mà nhà chức trách nói là thuộc Tổ chức Khủng bố Fethullahci, tổ chức tự xưng là do giáo sĩ Gulen lãnh đạo.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1