Đường dẫn truy cập

Các đám đông ở Thổ Nhĩ Kỳ hoan hô ông Erdogan sau khi đảo chính thất bại


Lực lượng an ninh trung thành với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bảo vệ trụ sở Bộ Tổng tham mưu ở Ankara, 17 tháng 7 năm 2016.
Lực lượng an ninh trung thành với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bảo vệ trụ sở Bộ Tổng tham mưu ở Ankara, 17 tháng 7 năm 2016.

Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục bắt giữ các thẩm phán và các sỹ quan quân đội có liên quan đến âm mưu đảo chính, tạm giam ít nhất 52 quân nhân hôm 17/7.

Nhà chức trách cho biết gần 3.000 binh sỹ và sỹ quan tham gia cuộc đảo chính hôm 15/7đã bị bắt giữ. Những người bị giam giữ bao gồm tư lệnh Quân đoàn Bộ binh số 3, Tướng Erdal Ozturk, người có thể đối mặt với tội phản quốc.

Các quan chức quân đội cấp cao khác đã bay tới nước láng giềng Hy Lạp bằng máy bay trực thăng và xin tị nạn chính trị. Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ nói một vài người trong số những người chạy trốn được cho là nằm trong số những kiến trúc sư của cuộc đảo chính.

Hàng ngàn người Thổ Nhĩ Kỳ đã đứng kín Quảng trường Kizilat của Ankara, trung tâm thành phố Istanbul và thành phố ven biển Izmir đêm 16/7 để hô vang lời ủng hộ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và chính phủ của ông sau cuộc đảo chính thất bại của một số người trong giới quân sự.

Tin tức về số người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ trong cuộc đảo chính rất khác nhau, nhưng số liệu mới nhất vào tối 16/7 là 265 người chết, trong đó có nhiều dân thường. Tình hình vẫn căng thẳng ở Istanbul, Ankara và một số thành phố cấp tỉnh khác, và đã có tin vẫn còn các vụ bạo lực lẻ tẻ. Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin có các vụ đụng độ dữ dội tại một doanh trại quân đội lớn bên ngoài Ankara, được cho là một thành trì của những kẻ âm mưu đảo chính.

Tổng thống Erdogan đã cáo buộc một giáo sĩ Hồi giáo lưu vong, người từng là một trong những đồng minh thân cận của ông, chính là người lập ra âm mưu, hôm 16/7 đã yêu cầu dẫn độ ông ta từ Mỹ. Vị lãnh tụ Hồi giáo 75 tuổi, Fethullah Gulen, đã sống ở Mỹ từ lâu trước khi ông Erdogan lên nắm quyền, đã lên án cuộc đảo chính và phủ nhận ông có bất cứ liên quan gì với cuộc nổi dậy của quân đội.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan hôm 17/7. Trong một tuyên bố của điện Kremlin, ông Putin "chúc sự ổn định và trật tự hiến định mạnh mẽ được khôi phục nhanh chóng " ở Thổ Nhĩ Kỳ. Điện Kremlin cho biết hai nhà lãnh đạo cũng khẳng định có kế hoạch gặp nhau "trong tương lai gần nhất". Truyền thông nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ sẽ gặp nhau trong tuần đầu tiên của tháng 8.

Một phát ngôn viên của Mỹ ở Washington cho biết Ngoại trưởng John Kerry đã nói chuyện với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hôm 16/7. Ông Kerry nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ cần tôn trọng pháp quyền và các quyền công dân khi nước này điều tra những người đã tham gia vào âm mưu đảo chính.

Ông Kerry tái khẳng định sự ủng hộ của Washington đối với chính phủ được bầu lên một cách dân chủ ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng phát ngôn viên của Ngoại trưởng Mỹ cho biết ông cũng đã nói với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ của ông rằng "những ám chỉ hay tuyên bố công khai về bất kỳ vai trò của Mỹ trong cuộc đảo chính thất bại đều hoàn toàn sai và có hại cho quan hệ song phương".

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã ban hành một tuyên bố cảnh báo người Mỹ chớ nên đi đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhà chức trách ở Thổ Nhĩ Kỳ cho biết 2.745 thẩm phán đã bị đình chỉ do cuộc đảo chính – vì hầu hết nếu không nói là tất cả số họ có mối liên hệ với ông Gulen. Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cũng đưa tin đã có 140 lệnh bắt giữ được ban hành đối với các thành viên của Tòa án tối cao Thổ Nhĩ Kỳ.

Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng cửa không phận đối với máy bay quân sự sau cuộc đảo chính và cắt điện của căn cứ không quân Incirlik của NATO, nơi có nhiều máy bay chiến đấu của Mỹ tham gia các hoạt động chiến đấu chống chiến binh Nhà nước Hồi giáo ở Syria. Matthew Bryza, trước đây là một nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ và hiện đang sống ở Thổ Nhĩ Kỳ, nói điều này dường như là một chiến thuật gây áp lực nhằm buộc Mỹ để giao nộp ông Gulen.

Hồi đầu ngày 16/7, ông Kerry nói bất kỳ yêu cầu nào của Thổ Nhĩ Kỳ về việc dẫn độ ông Gulen đều sẽ được xem xét trên cơ sở có bất cứ bằng chứng rõ ràng nào về hành vi sai trái của ông Gulen mà Thổ Nhĩ Kỳ có thể cung cấp.

Ông Gulen đã đến Mỹ vào năm 1999 để chạy trốn sự sách nhiễu của chính phủ thế tục trước đây ở Thổ Nhĩ Kỳ bị quân đội chi phối. Khi đó ông này và ông Erdogan là đồng minh thân cận. Nhưng họ đã bị chia rẽ cách đây vài năm, sau khi nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ trở thành tổng thống và bị chỉ trích ngày càng tăng vì các chính sách độc tài của ông.

Ông Gulen nói với các phóng viên hôm 16/7 tại nơi ông đang sống hiện nay ở miền đông Pennsylvania rằng đã đi khỏi Thổ Nhĩ Kỳ từ rất lâu và ông không còn biết có những ai ủng hộ ông ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, ông nói thêm, ông không hề biết những tín đồ của ông đóng vai trò gì trong cuộc đảo chính.

Giới chức tình báo và quân sự phương Tây đang theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến ở Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên NATO, cũng là một đồng minh quan trọng của Mỹ trong cuộc chiến chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo. Thổ Nhĩ Kỳ cũng ủng hộ những thành phần được coi là các phiến quân đối lập ôn hòa ở Syria tìm cách lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad.

Vài ngày trước cuộc đảo chính ở Istanbul và Ankara, Giám đốc CIA John Brennan nói với các phóng viên là đã có những bất đồng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, không chỉ về vấn đề Syria, nơi mà Mỹ đã nhiều lần kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ phải làm nhiều hơn nữa để trấn áp phiến quân IS.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG