Đường dẫn truy cập

Mỹ thêm 8 nước vào danh sách những nước buôn người tồi tệ nhất


Các nữ sinh trong chiến dịch nhận thức chống nạn buôn người ở Kolkata, India, ngày 15 tháng 2 năm 2015.
Các nữ sinh trong chiến dịch nhận thức chống nạn buôn người ở Kolkata, India, ngày 15 tháng 2 năm 2015.

Các tay tuyển dụng đến thành phố của cô Angela ở Syria mời mọc làm việc có trả lương trong những nhà hàng ở Lebanon. Cô nhận lời để rời khỏi quê hương bị chiến tranh tàn phá để rồi nhận ra mình bị buôn bán tình dục cùng với hàng chục cô gái khác. Họ bị nhốt trong những khách sạn và đôi khi bị ép phải tiếp tới 20 khách mỗi ngày. Những kẻ buôn người cũng cưỡng hiếp và tra tấn các cô cho tới khi các cô chịu phục tùng. Angela cuối cùng trốn thoát được nhờ sự giúp đỡ của cảnh sát.

Trường hợp của Angela là một trong những câu chuyện được nêu lên trong Báo cáo về Tình trạng Buôn người 2016 của Bộ Ngoại Mỹ, trong đó nêu bật các vấn đề như tình trạng nô lệ mới, sử dụng lính trẻ em, cưỡng bức hôn nhân, và nạn phục dịch trong nhà. Bản báo cáo cũng công bố những nỗ lực của những chính phủ từ 188 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, kể cả Mỹ, nhằm chống lại nạn buôn người.

Trong báo cáo năm nay, tám nước bị thêm vào danh sách đen những quốc gia bị coi là những nước vi phạm trầm trọng nhất về tình trạng buôn người, được gọi là Danh sách Bậc 3. Những quốc gia mới được bổ sung bao gồm hai nước thuộc Liên bang Xô Viết cũ là Uzbekistan và Turkmenistan cùng với những nền dân chủ non trẻ như Myanmar, Haiti, Djibouti, Papua New Guinea, Sudan và Suriname. Bị xếp vào Danh sách Bậc 3 có thể kích hoạt những chế tài hạn chế tiếp cận viện trợ của Mỹ và quốc tế.

Bộ Ngoại giao Mỹ nói bất chấp những nỗ lực liên tục chống buôn người, hàng triệu người đang bị trói buộc bởi "sự cưỡng bức về tinh thần, thể xác và tài chính" và bởi sự thao túng của những kẻ buôn người "khai thác những điểm yếu của họ để kiếm tiền."

"Hơn 20 triệu người là nạn nhân của tình trạng nô lệ mới ngày nay , tất cả 20 triệu con người... họ có tên, họ có hoặc đã từng có gia đình," Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói và ông gọi nạn buôn người là một ngành công nghiệp thu về hàng tỉ đôla mỗi năm.

Cân nhắc về chính trị

Ông Kerry cho biết những cân nhắc chính trị không ảnh hưởng tới việc xác định thứ hạng các nước, dù tuyên bố này vấp phải một số chỉ trích.

Dù tiếp tục những nỗ lực bảo vệ và truy tố là điều thiết yếu, những chiến lược phòng chống buôn người xứng đáng có được nguồn lực tương xứng, theo bản báo cáo. Phúc trình kêu gọi những chính phủ trên toàn thế giới làm việc với xã hội dân sự để ngăn chặn nạn buôn người.

Báo cáo nói thêm ngoài những khổ sở vì bàn tay của những kẻ buôn người, các nạn nhân còn phải khổ sở vì sự đối đãi của các chính phủ, trong đó có các hệ thống tư pháp hình sự mà lẽ ra phải bảo vệ cho họ.

Theo lời Ngoại trưởng Kerry, mục đích của việc công bố bản báo cáo không phải là để trách mắng hay để nêu tên bêu xấu mà là để khuyến khích thay đổi theo chiều hướng tốt hơn.

Vinh danh các cá nhân

Chín người đàn ông và phụ nữ được vinh danh vì những nỗ lực không mệt mỏi với những tác động lâu dài trong cuộc chiến chống lại tình trạng nô lệ mới.

Trong số này có hai nhà hoạt động chống buôn người Biram Abeid và Brahim Ramdhane từ Mauritania, nơi nạn nô lệ tới năm 1981 mới bị đặt ra ngoài vòng luật pháp. Abeid và Ramdhane đều là con cái của những nô lệ, và họ đã quyết định tập trung sự nghiệp vào công tác chống lại tình trạng bất công ở Mauritania.

Oluremi Banwo Kehinde là nhà hoạt động chống buôn người ở Nga. Bất chấp những đe dọa cho tính mạng, ông Kehinde làm việc không mệt mỏi hỗ trợ và bảo vệ những nạn nhân bị buôn bán tình dục người Nigeria và người Châu Phi.

VOA Express

XS
SM
MD
LG