Đường dẫn truy cập

Mỹ rút TPP, Việt Nam sẽ lệ thuộc TQ nhiều hơn


Mỹ rút TPP, Việt Nam sẽ lệ thuộc TQ nhiều hơn
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:50 0:00

Chính quyền của tân Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã tuyên bố một chiến lược thương mại nhằm bảo vệ việc làm cho người Mỹ, mà khởi đầu là rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Tuyên bố này được Nhà Trắng đưa ra ngay sau lễ nhậm chức của ông Trump hôm thứ Sáu, 20/1, nêu rõ chiến lược thương mại của tân chính phủ: “Chiến lược này bắt đầu bằng việc rút khỏi TPP và đảm bảo rằng bất kỳ thỏa thuận thương mại nào mới cũng vì lợi ích của người lao động Mỹ.”

Luật sư Lê Công Định ở Sài Gòn cho VOA biết “Quyết định rút khỏi TPP ảnh hưởng rất lớn đến Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng cho TPP, họ đào tạo cán bộ chuẩn bị cho hiệp định quan trọng này. Bây giờ tất cả phải dừng lại hết.”

Luật sư Định cho biết Việt Nam sẽ phải mất thêm thời gian nữa để thương thuyết cho các hiệp định song phương để thay thế TPP và “với chính sách thương mại cứng rắn của Tổng thống Trump, thì điều kiện thương mại sẽ ngặt nghèo hơn đối với Việt Nam trong tương lai.”

Luật sư Định cũng cho biết ngay khi ông Trump sắp nhậm chức, Việt Nam đã dự báo rằng Mỹ sẽ rút khỏi TPP, và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhanh chóng sang Trung Quốc mưu tìm sự hỗ trợ:

“Chính quyền đã ngay lập tức có một cuộc thương thuyết với Trung Quốc. Nhiều khả năng sẽ sớm ký một hiệp định thương mại song phương với Trung Quốc. Rõ ràng việc rút khỏi TPP của Mỹ làm cho nền kinh tế Việt Nam lệ thuộc vào Trung Quốc sẽ nặng nề hơn. Chúng ta biết rằng lệ thuộc vào kinh tế sẽ lệ thuộc về chính trị.”

Ngoài ra, Luật sư Định nói rằng cơ hội có được công đoàn độc lập ở tuyến cơ sở và quyền lập hội của người dân theo như cam kết của Việt Nam trong TPP càng thêm mong manh:

“Việc rút khỏi TPP của chính phủ Hoa Kỳ khiến cho cơ hội mà người dân Việt Nam, người lao động Việt Nam có thể có được tổ chức công đoàn độc lập hoặc tổ chức xã hội dân sự càng xa vời hơn. Chỉ có những hiệp định thương mại có lợi cho Việt Nam như TPP thì mới có khả năng gắn chặt các chế tài nghiêm khắc, nếu Việt Nam vi phạm quyền lập hội và công đoàn độc lập.”

Tuyên bố của Tòa Bạch Ốc nói: “Những thỏa thuận cứng rắn và bình đẳng về thương mại có thể được dùng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ và đưa hàng triệu việc làm trở lại với nước Mỹ… Thông qua việc đạt được những thỏa thuận thương mại bình đẳng nhưng cứng rắn, chúng ta có thể đưa việc làm trở lại cho nước Mỹ, giúp tăng lương, bảo vệ ngành sản xuất của Mỹ”.

Luật sư Định dự báo rằng các quyền lập hội và công đoàn độc lập ở những nước bên ngoài Hoa Kỳ, trong đó có Việt Nam, có nhiều khả năng sẽ không được chính quyền của ông Trump đặt ưu tiên vì các chính sách của ông Trump cho thấy mọi hiệp định thương mại “phải bảo vệ người lao động trong nước Mỹ.”

Trong khi đó, theo luật sư Định, quyền tự do lập hội và quyền lập công đoàn độc lập là hai quyền then chốt, nhưng bây giờ nếu không có TPP thì Việt Nam sẽ sẵn sàng gạt bỏ hai quyền này. Trong tương lai, việc tranh đấu giành lấy quyền tự do lập hội và quyền lập công đoàn độc lập sẽ thêm khó khăn, luật sự Định nói:

“Sắp tới đây chúng ta sẽ rất khó khăn để tranh đấu cho hai quyền này được thực thi trên thực tế. Rõ ràng là như vậy. Hơn nữa chính phủ Việt Nam hiện nay không bị sự ràng buộc cụ thể từ chính phủ Hoa Kỳ, ngoại trừ hiệp định song phương BTA đã ký rất lâu và WTO nhưng hai hiệp định này thì rất lỏng lẻo, không tác động nhiều lắm đến quyền cơ bản của người lao động, và quyền lập hội như TPP. Vì vậy tôi cho rằng năm nay sẽ là một năm rất khó khăn của phong trào tranh đấu, bởi vì họ hoàn toàn có thể cứng rắn hơn để làm vừa lòng chính phủ Trung Quốc trong những cuộc biểu tình có thể có của người dân trong việc chống lại chính sách gây hấn của Trung Quốc.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG