Đường dẫn truy cập

Mỹ hợp tác với Việt Nam về cung ứng chip khi tìm cách giảm lệ thuộc Trung Quốc


Tổng thống Joe Biden phát biểu bên lề sắc lệnh hành pháp của Nhà Trắng về việc giải quyết tình trạng thiếu hụt chip bán dẫn toàn cầu hồi tháng 2/2021.
Tổng thống Joe Biden phát biểu bên lề sắc lệnh hành pháp của Nhà Trắng về việc giải quyết tình trạng thiếu hụt chip bán dẫn toàn cầu hồi tháng 2/2021.

Mỹ và Việt Nam vừa bước vào một quan hệ đối tác mới để khám phá cơ hội chuỗi cung ứng chất bán dẫn trong lúc Washington đang tìm cách đầu tư hàng tỷ đô la để đa dạng hóa chuỗi cung ứng điện tử nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 11/9 nói rằng họ đang hợp tác với Chính phủ Việt Nam để “khám phá các cơ hội phát triển và đa dạng hóa hệ sinh thái chất bán dẫn toàn cầu” trong khuôn khổ Quỹ Đổi mới và An ninh Công nghệ Quốc tế (ITSI), được thành lập theo Đạo luật CHIPS 2022.

Thông báo về hợp tác mới này được đưa ra ngay khi Tổng thống Mỹ Joe Biden hoàn tất chuyến thăm Hà Nội, nơi ông và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra tuyên bố lịch sử nâng cấp quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam lên đối tác chiến lược toàn diện.

Trong cuộc họp báo chung với ông Trọng tại Hà Nội hôm 10/9, Tổng thống Biden nói rằng Mỹ và Việt Nam “đang tăng cường hợp tác trong các ngành công nghệ quan trọng và mới nổi, đặc biệt là xung quanh việc xây dựng chuỗi cung ứng chất bán dẫn linh hoạt hơn.”

Chất bán dẫn là một lĩnh vực cạnh tranh gay gắt mới giữa Mỹ và Trung Quốc. Mỹ vào tháng 10 năm ngoái đã áp đặt các biện pháp kiểm soát sâu rộng đối với việc xuất khẩu chất bán dẫn tiên tiến và thiết bị sản xuất chất bán dẫn sang Trung Quốc giữa lúc căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung ngày càng tăng cao.

Mỹ xem Việt Nam là đối tác triển vọng trong việc đảm bảo chuỗi cung ứng chất bán dẫn đa dạng và linh hoạt, theo thông cáo của văn phòng người phát ngôn Bộ Ngoại giao ở Washington đưa ra cho báo chí hôm 11/9. Thông cáo còn cho biết mối quan hệ hợp tác này bắt đầu bằng việc xem xét hệ sinh thái bán dẫn hiện tại, khung pháp lý cũng như nhu cầu về cơ sở hạ tầng và lực lượng lao động của Việt Nam.

Đạo luật CHIPS 2022, được Tổng thống Biden ký vào tháng 8 năm ngoái. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Đạo luật này tạo ra Quỹ ITSI, cung cấp cho Bộ 500 triệu USD, bắt đầu từ năm nay, để thúc đẩy phát triển và áp dụng các mạng viễn thông an toàn và đáng tin cậy cũng như đảm bảo chất bán dẫn an ninh và đa dạng hóa chuỗi cung ứng thông qua các chương trình và sáng kiến mới với các đồng minh và đối tác của Mỹ.

Sự hợp tác với chính phủ Việt Nam, theo Bộ Ngoại giao Mỹ, sẽ giúp tạo ra một môi trường linh hoạt hơn về Chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu an toàn và bền vững.

Hợp tác về công nghệ được xem là một trong những đột phá mới của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện mà Mỹ và Việt Nam vừa ký kết trong chuyến thăm Hà Nội của ông Biden.

Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Mỹ-Việt mà Nhà Trắng đưa ra hôm 11/9 nói rằng “Hoa Kỳ ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam với tư cách là nước đóng vai trò lớn trong ngành bán dẫn”. Hai nhà lãnh đạo cam kết trong tuyên bố chung việc “hỗ trợ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn của Việt Nam và cùng hợp tác tích cực để nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.”

Để đạt được mục tiêu này, Mỹ và Việt Nam đã công bố khởi động các sáng kiến phát triển lực lượng lao động bán dẫn – được hỗ trợ bởi nguồn tài chính ban đầu trị giá 2 triệu USD từ chính phủ Hoa Kỳ, cùng với sự hỗ trợ của chính phủ Việt Nam và khu vực tư nhân trong tương lai, theo tuyên bố chung.

Vẫn theo tuyên bố này, Mỹ khẳng định cam kết tăng cường hỗ trợ cho Việt Nam trong việc đào tạo và phát triển lực lượng lao động công nghệ cao.

Việt Nam nằm trong số 3 quốc gia hàng đầu ở châu Á xuất khẩu chip sang Mỹ, sau Maylaysia và Đài Loan. Thống kê vào tháng 2 của Cục Thống kê Dân số Hoa Kỳ cho thấy doanh thu chip từ Việt Nam nhập khẩu vào thị trường Mỹ tăng gần 75%, từ hơn 321 triệu USD trong tháng 2/2022 lên hơn 562 triệu USD sau một năm. Chip nhập từ Việt Nam chiếm 11,6% thị phần ở Mỹ. Theo đánh giá của Bloomberg lúc đó, con số ấn tượng này đưa Việt Nam cùng một số khu vực ở châu Á vào nhóm những thị trường tăng trưởng mạnh nhất trong lĩnh vực này.

Trong số các thỏa thuận trị giá hàng tỷ đô la được công bố hôm 11/9 khi Tổng thống Biden có ngày làm việc cuối cùng ở Hà Nội, có việc xây dựng các trung tâm thiết kế bán dẫn của các tập đoàn Synopsys và Marvell có trụ sở tại California của Mỹ ở TPHCM. Nhà Trắng cho biết rằng một nhà máy Amkor trị giá 1,6 tỷ USD gần Hà Nội đã được công bố trước đó nhằm lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm chip sẽ bắt đầu hoạt động vào tháng 10. Hiện nhà máy lắp ráp và thử nghiệp chip lớn nhất của Intel được đặt tại TPHCM với tổng đầu tư lên đến 1,5 tỷ USD.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG