Đường dẫn truy cập

Mỹ gặp khó khăn trong việc trục xuất


Người tị nạn biểu tình phản đối trục xuất tại Tel Aviv, Israel, ngày 24/2/2018.
Người tị nạn biểu tình phản đối trục xuất tại Tel Aviv, Israel, ngày 24/2/2018.

Vào tháng 7 năm 2016, cựu Phó Giám đốc Cơ quan Thi hành Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) Daniel Ragsdale giải thích với Quốc hội Mỹ thủ tục trục xuất người nước ngoài.

“Thường thường có hai điều được đòi hỏi,” ông nói. “Một lệnh trục xuất cuối cùng của chính quyền, và một giấy thông hành do chính phủ nước ngoài cấp.”

Trong hai tài liệu này, giấy thông hành là cái khó đạt được. Đó có thể là giấy phép do quê hương gốc của người bị Mỹ trục xuất cấp hay một hộ chiếu có hiệu lực. Tuy nhiên cả hai đều cần có sự hợp tác giữa các quốc gia liên hệ. Thường thường là phải có thỏa thuận hồi hương bằng văn bản. Tuy nhiên thường việc trục xuất được thi hành trên cơ sở đặc biệt, ông Leon Fresco, một cựu viên chức di trú của Bộ Tư pháp nói.

Ông giải thích, dùng một trường hợp giả dụ theo đó một di dân bị trục xuất về Mỹ.

“Trên thực tế đây không phải là chuyện thật. Nhưng giả dụ chúng ta nỗ lực nhận một người bị trục xuất đến Mỹ. Điều chúng ta có thể làm được, nếu chúng ta không thể để một máy bay đáp xuống Hoa Kỳ, chúng ta sẽ để máy bay đó đáp xuống một nơi như Tijuana chẳng hạn và đưa người đó bằng đường bộ đến biên giới. Và đôi khi người đó được nhận tại biên giới. Và chúng ta thỉnh thoảng làm như vậy.

Ông Fresco nói thêm là nếu người bị trục xuất trở về bằng máy bay, cần phải có giấy phép của nước họ đến, nên cần phải có thỏa thuận hồi hương người bị trục xuất.

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã rút tên hơn một chục nước trong danh sách những quốc gia “ngoan cố”--là những nước từ chối nhận công dân bị Hoa Kỳ trục xuất.

Điều này có nghĩa là ngày càng có thêm các nước chịu nhận lại công dân. Và ICE nói, cùng với những cơ quan chính phủ khác, đang thúc đẩy những thỏa thuận.

“Chính phủ Mỹ, đặc biệt Bộ An ninh Nội địa với ICE và Bộ Ngoại giao, Văn phòng Các vấn đề Lãnh sự đang tiếp xúc ngoại giao với những chính phủ này để làm việc trên toàn thể tiến trình trong các quan hệ song phương,” giới chức ICE nói với Đài VOA.

Tuy nhiên thương thuyết về hồi hương có thể gặp nhiều thách thức.

Đài VOA có được những tài liệu cho thấy một phần của tiến trình gay go trong thỏa thuận trục xuất giữa Hoa Kỳ và Lào.

Hai điện tín của tòa đại sứ từ năm 2008 đến 2009, được Wikileaks công bố trước đây, mô tả những nỗ lực của các giới chức Mỹ và Lào làm việc để tiến đến một thỏa thuận hồi hương.

Tài liệu cho thấy vào tháng 2 năm 2009, ba giới chức Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao và ICE đến Vientiane, thủ đô Lào, để cứu xét các phương cách hồi hương công dân Lào.

Trong khi Bộ Ngoại giao được mời tham dự cuộc họp đặc biệt này, nhưng “ICE là cơ quan tiến hành những nỗ lực hồi hương công dân Lào,” ông Fresco nói. Tuy nhiên theo quan điểm của ông, chính Bộ Ngoại giao có ảnh hưởng mạnh “để thúc đẩy các nước làm việc này.”

Những ghi nhận của cuộc họp năm 2009 tiết lộ là Lào liên tục yêu cầu thỏa thuận trục xuất phải được thương thuyết từng trường hợp một trong khi Hoa Kỳ hy vọng là mỗi trường hợp có thể được giải quyết trong vòng 60 ngày.

Tuy nhiên, phía Lào nói xác minh công dân Lào, đặc biệt sau một thời gian vắng mặt khá lâu, có thể là một trở ngại vì tên quận và làng xã ở nông thôn thường thay đổi.

Khi giấy tờ du hành không được cấp, ICE chuyển sang một động thái khác như là gởi thơ cho tòa đại sứ các quốc gia này tại Mỹ yêu cầu hợp tác với tiến trình trục xuất và khuyến cáo đưa các quốc gia này vào danh sách các nước không nhận lại công dân của họ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG