Đường dẫn truy cập

Mỹ chống kế hoạch củng cố Tổ chức Y tế Thế giới


Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus.

Mỹ, nhà tài trợ lớn nhất của Tổ chức Y tế Thế giới, đang chống lại những đề nghị biến cơ quan này trở nên độc lập hơn, bốn giới chức liên quan đến các cuộc thảo luận cho hay, gây nên những nghi ngờ về sự ủng hộ dài hạn của chính quyền Biden đối với cơ quan Liên hiệp quốc này.

Đề nghị do nhóm công tác về tài chánh bền vững của WHO đưa ra, sẽ gia tăng sự đóng góp hàng năm của các nước thành viên, theo một tài liệu của WHO công bố trên mạng đề ngày 4/1.

Kế hoạch này nằm trong khuôn khổ một tiến trình cải tổ rộng rãi hơn được kích hoạt bởi đại dịch COVID-19, nhấn mạnh đến những hạn chế về quyền hạn của WHO can thiệp sớm vào một cuộc khủng hoảng.

Tuy nhiên chính phủ Mỹ chống lại cải tổ vì quan ngại về khả năng của WHO đối đầu với những đe dọa trong tương lai, kể cả từ Trung Quốc, các giới chức Mỹ nói với Reuters.

Thay vào đó Mỹ thúc đẩy việc thành lập một quỹ riêng, do các nhà tài trợ trực tiếp kiểm soát, dùng để tài trợ phòng ngừa và kiểm soát những tình trạng khẩn cấp y tế.

Bốn quan chức châu Âu liên quan đến các cuộc thảo luận, không nêu danh vì không được phép nói với truyền thông, xác nhận sự chống đối của Mỹ. Chính phủ Mỹ chưa có bình luận ngay.

Đề nghị của WHO kêu gọi sự đóng góp bắt buộc của các nước thành viên tăng dần dần từ năm 2024 để có thể chiếm một nửa ngân sách chủ chốt 2 tỉ đô la trước năm 2028, so với mức chưa tới 20% hiện nay.

Ngân sách chính của WHO nhằm chống đại dịch và củng cố hệ thống chăm sóc sức khỏe trên toàn thế giới. WHO cũng quyên góp thêm một tỉ đô la hàng năm để ngăn chặn những thách thức toàn cầu cụ thể như các bệnh nhiệt đới và cúm.

Các nước ủng hộ nói sự trông cậy hiện nay vào tài trợ tự nguyện của các nước thành viên và các tổ chức từ thiện như Quỹ Bill và Melinda Gates buộc WHO phải chú trọng đến ưu tiên do các nhà tài trợ đặt ra, và như vậy khó có thể chỉ trích các thành viên khi có sai lầm xảy ra.

Chủ nghĩa hoài nghi dài hạn

Chính WHO nói rằng “chỉ có các nguồn quỹ uyển chuyển và tiên đoán được mới có thể giúp WHO thi hành hoàn toàn những ưu tiên của các nước thành viên.”

Các nhà tài trợ hàng đầu EU trong đó có Đức, ủng hộ kế hoạch này, cùng với hầu hết các nước châu Phi, Nam Á, Nam Mỹ và các nước Ả Rập, ba viên chức châu Âu cho biết.

Đề nghị sẽ được thảo luận tại một cuộc họp của hội đồng quản trị WHO trong tuần tới, nhưng những chia rẽ có nghĩa là sẽ không có thỏa thuận nào cả, ba viên chức nói.

WHO xác nhận là hiện không có đồng thuận giữa các nước thành viên và nói những cuộc thảo luận có thể tiếp tục cho tới cuộc họp thường niên vào tháng 5 của Đại hội đồng Y tế Thế giới, cơ quan quyết định hàng đầu của WHO.

Các nhà tài trợ châu Âu đặc biệt thiên về việc tăng thêm quyền lực hơn là làm suy yếu các tổ chức đa phương trong đó có WHO.

Một giới chức châu Âu nói kế hoạch của Mỹ “gây nghi ngờ trong nhiều nước,” và nói việc thành lập một cơ chế mới do các nước tài trợ kiểm soát chứ không phải là WHO sẽ làm yếu khả năng của WHO chống đại dịch tương lai.

Washington lâu nay thỉnh thoảng chỉ trích WHO.

Cựu Tổng thống Donald Trump rút khỏi WHO sau khi cáo buộc WHO bênh vực Trung Quốc về những trì hoãn trong việc chia sẻ thông tin khi COVID-19 xuất hiện tại nước này vào năm 2019.

Chính quyền ông Biden tái gia nhập WHO sau khi nhậm chức, nhưng các giới chức nói với Reuters họ nghĩ là WHO cần cải tổ mạnh mẽ, và nêu lên những quan ngại về việc quản lý, cơ cấu và khả năng đối đầu với những đe dọa gia tăng, không phải chỉ từ Trung Quốc.

Một trong những giới chức châu Âu nói những nước lớn khác, kể cả Nhật và Brazil, cũng dè dặt về đề nghị cải tổ của WHO.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG