Đường dẫn truy cập

Mỏ vàng kinh doanh ‘dữ liệu lớn’ ở Trung Quốc


Baidu là trang mạng tìm kiếm lớn nhất tại Trung Quốc.
Baidu là trang mạng tìm kiếm lớn nhất tại Trung Quốc.

Ba đại công ty thương mại điện tử của Trung Quốc - Alibaba, Tencent và Baidu – chắc chắn có ảnh hưởng rất lớn đến thương mại của nước này vì họ đang nắm trong tay khối dữ liệu liên quan đến hành vi xã hội, như thói quen, sở thích tiêu dùng của hàng triệu người.

Sức mạnh khổng lồ này xuất phát từ kế hoạch của chính phủ phát triển ngành công nghệ “dữ liệu lớn” (big data) đang bùng phát mạnh ở Trung Quốc.

Nhiều công ty khác, trong đó có các công ty điện thoại và chuỗi cửa hàng bán lẻ, cũng cố gắng đào mỏ vàng mới phát hiện này từ những khách hàng cần thông tin về sở thích mua sắm của khách hàng tiềm năng để thiết kế các sản phẩm và điểu chỉnh chiến lược phù hợp dựa vào phân tích của luồng dữ liệu.

Ông Chiang Jeongwen, giáo sư về tiếp thị tại trường Thương mại Quốc tế châu Âu Trung Quốc, nói: “Đó [dữ liệu lớn] là một cải tiến để làm việc tốt hơn, nhưng tiếc là số phận của người tiêu dùng cũng ngày càng phụ thuộc hơn vào ba đại công ty này”.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy gần 90% trong số 731 triệu người sử dụng mạng của Trung Quốc có ít nhất một lần mua hàng trực tuyến, thường là dùng trang mạng tìm kiếm Baidu, các trang thương mại điện tử và các giao dịch của bên thứ ba qua ứng dụng điện thoại di động.

Dự báo Xu hướng

“Người mua sắm và sử dụng hệ thống thanh toán của bên thứ ba. Những thông tin đó cũng được Tencent và Alibaba thu thập. Đó là điều cực kỳ to lớn vì bây giờ họ biết cả thông tin trực tuyến lẫn thông tin ngoại tuyến của người tiêu dùng”, ông Chiang nói.

Các đại công ty này sở hữu một loạt doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực. Điều này giúp họ dễ dàng thu thập dữ liệu trực tuyến và ngoại tuyến khi khách hàng sử dụng ứng dụng điện thoại để thanh toán tại cửa hàng.

Nhân viên hỗ trợ bán hàng đứng bên dưới logo của Alipay tại một nhà ga ở Thượng Hải ngày 9/2/2015.
Nhân viên hỗ trợ bán hàng đứng bên dưới logo của Alipay tại một nhà ga ở Thượng Hải ngày 9/2/2015.

Alibaba sở hữu Alipay trong khi Tencent điều hành dịch vụ nổi tiếng WeChat, cung cấp các tùy chọn thanh toán di động. Baidu là công cụ tìm kiếm internet lớn nhất của Trung Quốc, có tầm ảnh hưởng giống như Google ở các quốc gia khác.

Shazeda Ahmed, học giả tại khoa công nghệ và kinh tế của Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator, cho biết:

“Họ đa dạng hóa các dịch vụ mà họ cung cấp. Alibaba là một trang thương mại điện tử lớn. Loại dữ liệu mà họ có xuất phát từ bất cứ thứ gì, từ những món hàng bạn mua trực tuyến cho đến các khoản thanh toán hóa đơn, đặt chỗ đi du lịch chẳng hạn, qua ứng dụng Alipay”.

Bà giải thích thêm: “Mọi người thường sử dụng cùng một nền tảng để mua sắm, vì thế dễ có cảm giác về một sức mạnh cực lớn trong trường hợp này, bởi vì bạn có thể làm tất cả mọi chuyện trên một nền tảng”.

Các đại công ty có một sức mạnh dự đoán rất lớn nhờ kho lưu trữ khổng lồ các dữ liệu lịch sử và dữ liệu thời gian thực mà họ đang thu thập từ người dùng của các dịch vụ khác nhau.

Bà Ahmed nói: “Họ có khả năng dự đoán nhu cầu sắp tới của người tiêu dùng ngay cả trước khi họ nhận thức được điều đó”.

Kinh doanh dữ liệu

Việc mở rộng dữ liệu lớn gây ra những lo ngại nghiêm trọng về sự riêng tư của hàng triệu người, vốn thường tiết lộ cả thông tin giao dịch lẫn các khía cạnh về hành vi xã hội trên mạng xã hội.

Thị trường đen ở Trung Quốc đang ngày càng mạnh lên. Những kẻ buôn bán dữ liệu cung cấp nhiều loại dữ liệu về một người, một doanh nghiệp hay một nhóm bị nhắm tới bằng cách bẻ khóa các cơ sở dữ liệu chính thức và các trang web cá nhân.

WeChat, sản phẩm của công ty Tencent, cung cấp các tùy chọn thanh toán di động.
WeChat, sản phẩm của công ty Tencent, cung cấp các tùy chọn thanh toán di động.

Tuy nhiên, các quan chức Trung Quốc khẳng định chính quyền có những biện pháp bảo vệ mạnh mẽ.

Ông Zhang Bin, một quan chức cao cấp của trung tâm dữ liệu lớn chính do chính quyền Trung Quốc thành lập ở thành phố Quý Dương, cho biết: “Một bức tường lửa rất mạnh đã được xây dựng trước khi trung tâm dữ liệu lớn được thành lập”.

Quan chức này nói thêm rằng: “Chúng tôi cũng có chính sách chặt chẽ để kiểm soát việc rò rỉ dữ liệu từ chính phủ. Vì vậy, đây là hai cách để bảo vệ thông tin không bị rò rỉ cho các công ty tư nhân để sử dụng bất hợp pháp”.

Chính phủ Trung Quốc cũng thiết lập một trung tâm trao đổi dữ liệu lớn ở Quý Dương để khuyến khích các công ty tư nhân và nhà nước hoạt động kinh doanh dữ liệu một cách minh bạch và giúp ngành này định giá các thông tin. Trung tâm đã nhận được một số lời khen ngợi từ các công ty nước ngoài đến thăm, nhưng một số câu hỏi vẫn còn bị bỏ ngỏ.

“Có một nơi hợp pháp để trao đổi dữ liệu là một ý tưởng, nhưng làm thế nào để việc trao đổi đảm bảo rằng người kiểm soát dữ liệu có thẩm quyền để bán dữ liệu và điều đó không phải vi phạm quyền riêng tư?”, Gagan Sabharwal, giám đốc của Hiệp hội các Công ty Phần mềm và Dịch vụ Quốc gia ở Ấn Độ đặt câu hỏi sau chuyến thăm trung tâm gần đây.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG