Đường dẫn truy cập

Mặt trận Dân tộc ở Pháp được Nga tài trợ


Lãnh tụ của đảng Mặt trận Dân tộc, bà Marine Le Pen, thừa nhận đảng bà đã vay 11 triệu đô la từ First Czech-Russian Bank, một ngân hàng do Nga làm chủ.
Lãnh tụ của đảng Mặt trận Dân tộc, bà Marine Le Pen, thừa nhận đảng bà đã vay 11 triệu đô la từ First Czech-Russian Bank, một ngân hàng do Nga làm chủ.

Đảng Mặt trận Dân tộc, thuộc phe cực hữu ở Pháp, thừa nhận đã được một ngân hàng do Nga kiểm soát cho vay nhiều triệu đô la. Theo tường thuật của thông tín viên Henry Ridgwell của đài VOA ở London, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy sự liên hệ giữa điện Kremlin với các tổ chức chính trị cực hữu ở Âu châu.

Chính phủ Pháp đã đình hoãn vô thời hạn việc giao cho Nga hai chiến hạm. Trong một thông cáo đưa ra hôm thứ Ba, văn phòng của Tổng thống Pháp nói rằng tình hình ở Ukraine không cho phép giao hai chiến hạm chở máy bay trực thăng lớp Mistrall.

Tuy nhiên, Mặt trận Dân tộc của Pháp, là đảng mà các cuộc thăm dò cho thấy là đảng được ưa chuộng nhất nước, đã ra sức vận động để hợp đồng về chiến hạm này được thực hiện.

Ông Gauthier Bouchet, nghị viên thuộc đảng Mặt trận Dân tộc ở thành phố cảng Saint Nazaire, nơi sản xuất hai chiến hạm đó, đã phát biểu như sau với đài VOA hồi tháng trước.

Ông Bouchet nói: "Lập trường của chúng tôi là bảo vệ công nghiệp của chúng tôi, bảo vệ cho quyền của chúng tôi là mua bán với tất cả những nước mà chúng tôi muốn."

Những cuộc mít tinh của Mặt trận Dân tộc tại các thành phố ở Pháp đã thu hút hàng vạn người tham dự và các cuộc thăm dò cho thấy đây là đảng được ưa chuộng nhất. Lãnh tụ của đảng, bà Marine Le Pen, là người thường xuyên đến thăm Moskova. Hôm thứ Ba, bà thừa nhận đảng bà đã vay 11 triệu đô la từ First Czech-Russian Bank, một ngân hàng do Nga làm chủ.

Ông Neil Barnett, một chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách ở London, cho biết chiến lược của Kremlin là ủng hộ cho các đảng cực hữu và có chủ trương chống lại Liên hiệp Âu châu.

Ông Barnett cho biết: "Mục tiêu là chia rẽ các nước Âu châu, chia rẽ các chính phủ Âu châu. Họ muốn tạo chia rẽ bên trong Liên hiệp Âu châu, nhưng đồng thời họ cũng muốn chia rẽ Âu châu với Hoa Kỳ. Việc có được những thế lực chính trị quá khích có khả năng thành lập chính phủ ở những nước lớn trong Liên hiệp Âu châu là một sự đóng góp quan trọng cho mục tiêu đó."

Hồi đầu tháng này, phiến quân đòi ly khai thân Nga đã tổ chức những cuộc bầu cử tại những khu vực ở miền đông Ukraine. Các nước Tây phương xem những cuộc bầu cử đó là bất hợp pháp. Nhưng nhiều đảng cực đoan ở Âu châu đã nhận lời mời để đến nơi làm quan sát viên bầu cử.

Về việc này ông Barnett cho biết như sau: "Dựa trên những danh sách quan sát viên bầu cử, chúng ta có thể nhận ra là những người mà Nga đã từng đưa tới bán đảo Crimea và sau đó là tới Donetsk và Luhansk cách nay vài tuần là những người thuộc những phong trào hữu khuynh ở Âu châu, những người công khai bày tỏ cảm tình đối với Nga."

Trong số các đảng đó có đảng Jobbik.

Trong cuộc bầu cử hồi tháng tư ở Hungary, đảng cực hữu này đã chiếm 20% phiếu. Đây là đảng hô hào cho việc xây trại tập trung để giam người Roma và là đảng cho rằng người Do Thái tạo ra một mối nguy hiểm cho an ninh quốc gia.

Ông Barnett cho biết còn có mặt trong những danh sách đó là đảng Forza Italia ở Ý, đảng Ataka ở Bulgarie, đảng Cộng Sản Hy Lạp và nhiều đảng khác. Theo ông Barnett, có phần chắc là một số các đảng đó nhận được tài trợ của Nga.

Ông Barnett nói: "Đây thật ra là một vấn đề tình báo. Và do đó các khoản tiền thường được cung cấp một cách lén lút thông qua một bên thứ ba."

Những tố cáo này xuất hiện trong lúc quan hệ giữa Moskova với Âu châu bị xuống cấp rất nhiều vì vụ khủng hoảng Ukraine.

Hôm thứ Hai, Bộ trưởng tài chánh Nga cho biết các biện pháp chế tài của Tây phương, cộng với vấn đề giá dầu sút giảm, khiến cho Nga bị mất đi 140 tỉ đô la mỗi năm.

Theo ông Nicholas Redman của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang lợi dụng sự khó khăn về kinh tế để khích động tình cảm bài xích Tây phương.

Ông Redman nhận định rằng: "Bài Mỹ là một việc được dành cho tất cả mọi nguồn lực. Một số người thuộc phe đối lập giờ đây có rủi ro bị liệt vào hàng ngũ những kẻ phản bội tổ quốc. Xã hội Nga hiện nay có thể nói đang ở trong tình trạng chiến tranh giả tạo. Tình hình chính trị giờ đây được chuẩn bị cho một thời kỳ khó khăn kinh tế kéo dài nhiều năm."

Các nhà phân tích cho rằng trong lúc cuộc chiến kinh tế gia tăng cường độ, Nga đang tìm cách lợi dụng sự bất ổn chính trị ở Âu châu để phục vụ cho các mục tiêu của mình.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG