Đường dẫn truy cập

Malala Yousafzai trở về quê Pakistan, sau 6 năm ở Anh


Khôi nguyên Giải Nobel Hòa bình Malala Yousafzai, bên trái, và cha mẹ cô chụp ảnh với Thủ Tướng Pakistan Shahid Khaqan Abbasi, thứ nhì từ trái, ở Islamabad, Pakistan, ngày thứ Năm 29/3/2018. (Press Information Department via AP)
Khôi nguyên Giải Nobel Hòa bình Malala Yousafzai, bên trái, và cha mẹ cô chụp ảnh với Thủ Tướng Pakistan Shahid Khaqan Abbasi, thứ nhì từ trái, ở Islamabad, Pakistan, ngày thứ Năm 29/3/2018. (Press Information Department via AP)

Khôi nguyên giải Nobel Malala Yousafzai trở về Pakistan, quê hương của cô hôm thứ Năm 29/3, 6 năm sau khi bị các phần tử chủ chiến Hồi giáo bắn trọng thương tại Thung lũng Swat vì đã cổ vũ cho giáo dục nữ giới.

Malala, năm nay 20 tuổi, đã hội kiến Thủ Tướng Pakistan Shahid Khaqan Abbasi vài giờ đồng hồ sau khi đáp xuống phi trường Islamabad.

Phát biểu trước những khách mời tới dự cuộc hội kiến đặc biệt tổ chức tại văn phòng Thủ Tướng, có sự góp mặt của các quan chức cấp cao, Bộ trưởng nội các, các nhà lập pháp và hoạt động xã hội dân sự và học sinh, Malala nói: “Tôi vẫn sao không tin tề tựuđược là điều này đang diễn ra”.

“Đây là ngày hạnh phúc nhất của đời tôi, khi được trở về đất nước, đứng trên mảnh đất quê hương sau hơn 5 năm rưỡi xa nhà”
Malala Yousafzai, Khôi nguyên Giải Nobel Hòa bình

Trong một bài diễn văn được các đài truyền hình phát trực tiếp, Malala nói cô đã mơ được trở về Pakistan và đặt chân trên mảnh đất quê hương.

“Đây là ngày hạnh phúc nhất của đời tôi, khi được trở về đất nước, đứng trên mảnh đất quê hương sau hơn 5 năm rưỡi xa nhà”, Malala nói trước khi nỗi xúc động dâng trào đến rơi lệ. “Bất cứ lúc nào khi đang di chuyển trên máy bay, xe hơi tôi được ngắm nhìn những thành phố như London, New York và được yêu cầu hãy tưởng tượng mình đang đi du lịch ở Islamabad, hãy tưởng tượng em đang ở Karachi. Nhưng đó không phải là sự thực. Ngày hôm nay, được thấy mình đang ở đây. Tôi thật vô cùng hạnh phúc.”

Tư liệu - Bị bắn vào đầu, Malala Yousufzai đang được đưa lên máy bay trực thăng bay tới Peshawar điều trị . Ảnh chụp tại Thung lũng Swat, Pakistan, ngày 9/10/2012.
Tư liệu - Bị bắn vào đầu, Malala Yousufzai đang được đưa lên máy bay trực thăng bay tới Peshawar điều trị . Ảnh chụp tại Thung lũng Swat, Pakistan, ngày 9/10/2012.

Malala đang trên đường từ trường về nhà vào tháng 10, 2012 thì nhiều tay súng mang mặt nạ chặn cô lại và nổ súng bắn ngay vào đầu cô bé, lúc đó mới 14 tuổi.

Cô bị chấn thương nhiều nơi trên đầu và sau khi được cứu cấp tại một bệnh viện quân đội, được đưa lên máy bay sang Anh để giải phẫu.

Nhóm Taliban ở Pakistan, một nhóm đã bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, tuyên bố nhận trách nhiệm đã lên kế hoạch cho cuộc tấn công và thề sẽ tiếp tục nhắm tấn công Malala. Nhóm này bênh vực hành động của họ, và tố cáo Malala là cổ vũ cho nền văn hóa tây phương.

Từ đó, Malala sống ở Anh và theo học tại trường đại học Oxford. Cô là đồng sáng lập viên của Quỹ Malala chuyên giúp trẻ em gái được tiếp tục theo đuổi học vấn ở cấp trung học tại những nước nơi xung đột đang diễn ra như: Syria, Kenya, Nigeria, Jordan và Pakistan.

Quỹ Malala vận động để tất cả các trẻ gái được quyền hưởng một nền giáo dục tốt đẹp, với 12 năm học miễn phí, và được đi học an toàn. Malala đã bắt đầu lên tiếng vận động cho giáo dục nữ giới từ khi mới lên 11 tuổi tại quê của cô, một nơi về phần lớn rất bảo thủ.

Malala nói tuy bây giờ cô mới 20 tuổi, nhưng đã trải qua quá nhiều thử thách, cô nói thêm rằng cô chưa hề nghĩ tới chuyện rời bỏ Pakistan.

“Từ lớn lên tại Thung lũng Swat xinh đẹp, chứng kiến phong trào cực đoan và khủng bố từ năm 2007 tới 2009, thấy phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội chúng ta phải chịu đựng biết bao nhiêu là khó khăn, và cách làm thế nào để chúng ta có thể đương đầu với những thách thức đó”, cô giải thích, “thế rồi khi tôi bị tấn công, phải rời đất nước ra đi. Mọi sự như tự động diễn ra, như thể chúng ta không thể kiểm soát được bất cứ điều gì.”

Những người chỉ trích Malala, phần lớn là những thành phần cực đoan ở Pakistan, nói rằng vụ Malala bị nổ súng vào đầu là cảnh dàn dựng của các thế lực phương Tây đang đẩy mạnh chiến dịch nhằm bêu xấu Pakistan.

Trong bài diễn văn của cô hôm thứ Năm, nhà hoạt động trẻ tuổi nhấn mạnh sự cần thiết phải giáo dục trẻ gái Pakistan, nói rằng tổ chức của cô đã chi ra hơn 6 triệu đôla vào nỗ lực giáo dục các bé gái.

Malala kêu gọi người dân Pakistan hãy cùng cô thực hiện sứ mạng trao quyền cho phụ nữ về mặt kinh tế, vì một “tương lai tốt đẹp hơn” cho đất nước của cô.

Malala Yousafzai đến trại tị nạn Dadaab, ở biên giới giữa Somalia và Kenya, ngày 12/7/2016, để vận động cho quyền được giáo dục của nữ giới
Malala Yousafzai đến trại tị nạn Dadaab, ở biên giới giữa Somalia và Kenya, ngày 12/7/2016, để vận động cho quyền được giáo dục của nữ giới

Thủ Tướng Abbasi nói ông vô cùng vui mừng được đón tiếp về nước một anh thư của Pakistan, người đã nhờ các nỗ lực của mình mà trở nên nổi danh và được cả thế giới ngưỡng mộ. Ông nói:

“Cô là công dân nổi tiếng nhất trong lịch sử của Pakistan. Thế giới đã vinh danh cô và Pakistan cũng sẽ làm như vậy… Đây là quê hương của cô. Cô không còn là một công dân bình thường và bảo đảm an toàn cho cô giờ là nhiệm vụ của chúng tôi.”

Thủ Tướng Pakistan nói rằng phong trào khủng bố lên tới cao điểm ở Pakistan vào năm 2012 khi Malala trở thành một nạn nhân của nó, rồi rời Pakistan. Nhưng ông nói thêm rằng các lực lượng an ninh Pakistan, từ dạo đó, đã trực diện với thách thức trước mắt.

Ông Abbasi nói:

“Chúng ta đã chiến đấu trong một cuộc chiến đầy khó khăn trong đó 6,500 binh sĩ, 25,000 cảnh sát, lực lượng bán quân sự và dân sự chấp nhận hy sinh vì chính nghĩa.”

Ông nói thêm rằng những sự hy sinh của ấy trong khuôn khổ các hoạt động chống khủng bố vẫn đang tiếp diễn ở Pakistan, đã vãn hồi hòa bình ở trong nước và diệt trừ khủng bố.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG