Đường dẫn truy cập

Các nhà vận động cho quyền của trẻ em đoạt giải Nobel Hoà bình


Hai khôi nguyên giải Nobel Hòa bình năm 2014 là nhà hoạt động cho quyền trẻ em người Ấn Độ, ông Kailash Satyarthi, trái, và nhà hoạt động giành quyền giáo dục cho trẻ em gái ở Pakistan, cô Malala Yousafzai.
Hai khôi nguyên giải Nobel Hòa bình năm 2014 là nhà hoạt động cho quyền trẻ em người Ấn Độ, ông Kailash Satyarthi, trái, và nhà hoạt động giành quyền giáo dục cho trẻ em gái ở Pakistan, cô Malala Yousafzai.

Giải Nobel Hoà bình năm 2014 đã được trao cho hai nhà hoạt động cho quyền của trẻ em: Một người ở Pakistan là cô Malala Yousafzai, 17 tuổi, và người còn lại là nhà hoạt động lâu năm của Ấn Độ, ông Kailash Satyarthi.

Ở tuổi 17, cô Malala Yousafzai là người trẻ tuổi nhất đoạt giải Nobel Hoà bình. Nhưng cuộc vận động của cô đòi cho các em gái được đi học ở Pakistan trước đó đã khiến cô trở thành “người phát ngôn hàng đầu” cho quyền đi học của các em gái, theo lởi phát biểu hôm thứ Sáu của Chủ tịch Ủy ban Nobel Thorbjoern Jagland.

Nhà hoạt động Yousafzai rời đi sau bài phát biểu ở thư viện Birmingham tại Birmingham, miền trung Anh quốc England, 10/10/2014.
Nhà hoạt động Yousafzai rời đi sau bài phát biểu ở thư viện Birmingham tại Birmingham, miền trung Anh quốc England, 10/10/2014.

Ông nói: “Bất chấp tuổi còn trẻ nhưng cô Malala Yousafzai đã tranh đấu từ nhiều năm nay cho quyền của các em gái được hưởng một nền giáo dục, và đã chứng tỏ qua gương của cô rằng trẻ em và thanh niên có thể góp phần cải thiện tình trạng của chính mình.”

Vì sự tranh đấu của cô mà Yousafzai đã bị các tay súng Taliban bắn vào đầu hồi năm 2012, trong khi đi xe buýt đến trường ở thung lũng SWAT. Cô sống sót sau vụ tấn công và nay sinh sống ở Anh Quốc.

Cô chia giải Nobel Hoà bình với ông Kailash Satyarthi, người đã vận động từ mấy chục năm để ủng hộ cho quyền của trẻ em ở Ấn Độ. Ông sáng lập Phong trào Cứu Trẻ em, đã giải phóng cho hàng chục ngàn em khỏi tình trạng làm nô lệ.

Ông Satyarthi nói giải thưởng này là một vinh dự cho trẻ em trên toàn cầu, và cho những người đã tranh đấu cho quyền của các em.

Ông nói: “Không phải vinh dự dành riêng cho tôi, mà nó dành cho tất cả mọi người đang tranh đấu chống lại nạn nô lệ trẻ em trên khắp thế giới.”

Cô Yousafzai và ông Satyarthi sẽ được mời đến dự lễ trao giải thưởng tại Oslo, Na Uy vào tháng 12, nơi họ sẽ được trao một huân chương và số tiền thưởng trên 1 triệu đôla.

Trong bài phát biểu hôm thứ Sáu, Chủ tịch Ủy ban Nobel nói giải thưởng chung này mang tính biểu tượng bởi lẽ điều quan trọng là “một người theo Ấn giáo và một người theo Hồi giáo, một người Ấn Độ và một người Pakistan, cùng tham gia trong cuộc tranh đấu chung ủng hộ giáo dục và chống chủ nghĩa cực đoan.”

Ông Mustafa Qadri là một nhà khảo cứu của Hội Ân xá Quốc tế ở Pakistan. Ông nói điều có ý nghĩa là Ủy ban Nobel đã trao giải thưởng năm nay cho hai nhà vận động về quyền trẻ em xuất xứ từ hai lân quốc Ấn Độ và Pakistan.

Khôi nguyên giải Hòa bình 2014, nhà hoạt động Kailash Satyarthi nói chuyện với báo chí ở New Delhi 10/10/2014.
Khôi nguyên giải Hòa bình 2014, nhà hoạt động Kailash Satyarthi nói chuyện với báo chí ở New Delhi 10/10/2014.

Ông Qadri phân tích: “Khi chúng ta đang nói chuyện, thì các vụ xung đột biên giới giữa Ấn Độ và Pakistan đang diễn ra ở Kashmir. Chúng ta biết rằng trong các khối dân ở Ấn Độ và Pakistan, có một số những khối lớn lao động trẻ em và trẻ em hành nghề mại dâm. Chúng ta biết ở Pakistan, những người quảng bá quyền giáo dục cho các em trai và các em gái, đặc biệt là các em gái, bị nhắm làm mục tiêu một cách tàn bạo.

Diễn ra vào một thời điểm mà thế giới dường như đầy rẫy các xung đột, ông nói đây là một thông điệp hy vọng từ Ủy ban Nobel nói rằng cây bút mạnh hơn là thanh kiếm.

Ông Qadri nói: “Cảm tưởng cá nhân của tôi là ủy ban Nobel muốn gửi đi một thông điệp, ấy là để nói rằng cả Ấn Độ và Pakistan có cùng một số phận, hai nước cùng có những thách thức, cùng có các nhà hoạt động giống nhau tranh đấu cho một tương lai tốt đẹp hơn cho trẻ em của các nước này và thực sự bây giờ là lúc hàn gắn các sứt mẻ giữa hai nước này và nhận thức rằng hai nước cùng có những thách thức và những rủi ro chung về quyền lợi.”

Năm ngoái, giải Nobel Hòa bình được trao cho Tổ chức Cấm Vũ khí Hoá học OPCW về công trình ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hoá học ở Syria.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG