Đường dẫn truy cập

‘Mỹ cho tiền dân trong dịch sẽ phản tác dụng’


Người dân Mỹ đến trụ sở Bộ Lao động để tìm kiếm sự hỗ trợ trong mùa dịch Covid-19
Người dân Mỹ đến trụ sở Bộ Lao động để tìm kiếm sự hỗ trợ trong mùa dịch Covid-19

Gói cứu trợ trị giá 2.200 tỷ đô la mà Mỹ mới thông qua để cứu nguy cho nền kinh tế trong đại dịch Covid-19 ‘không đáp ứng được quy mô của thảm họa’ và việc chuyển tiền cho người dân có thể ‘gây tác dụng ngược’ cho nền kinh tế, một kinh tế gia nói với VOA.

Dưới áp lực chưa từng thấy để nền kinh tế Mỹ khỏi sụp đổ do dịch bệnh Covid-19, chính quyền Trump và Đảng Dân chủ đối lập đã xây dựng được gói kích thích kinh tế lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

Đạo luật trị giá trên 2 nghìn tỷ đô la này lớn hơn gấp đôi quy mô của gói kích thích 830 tỷ đô la năm 2009 của Tổng thống Obama vốn được đưa ra để vực dậy đất nước thoát khỏi cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái.

Các bệnh viện sẽ nhận được ngân quỹ cần thiết để chiến đấu với dịch. Hàng triệu người Mỹ sẽ nhận được ngân phiếuvà trợ cấp thất nghiệp sẽ được mở rộng đáng kể. Biện pháp này cũng bơm hàng trăm tỷ đô la cho các doanh nghiệp và ngành nghề đang khốn đốn dưới dạng các khoản vay không lãi suất, giảm thuế và các hình thức viện trợ khẩn cấp khác.

Quy mô của gói cứu trợ cho thấy mức độ khẩn cấp của cuộc khủng hoảng. Nhưng những biện pháp có thể không đủ để ngăn chặn một cuộc suy thoái mà nhiều chuyên gia cho rằng đã diễn ra. Điều này làm tăng khả năng các nhà lập pháp sẽ phải cân nhắc thêm một gói cứu trợ nữa trong tương lai gần, nhất là nếu dịch bệnh kéo dài cho tới mùa hè. Trong trường hợp đó, gói chi tiêu khổng lồ 2.200 tỷ trở nên nhỏ nhoi, tờ Business Insider nhận định.

‘Cần cứu doanh nghiệp nhỏ’

Trao đổi với VOA, kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa ở tiểu bang California, nhận định rằng kinh tế Mỹ đang chịu tác động của ‘ba vòng xoáy’ do dịch bệnh gây ra, bao gồm việc đứt gãy chuỗi cung ứng, giảm nhu cầu (ở cả nước Mỹ và trên thế giới), và hệ thống tài chính suy sụp.

Trong hoàn cảnh đó, nhà kinh tế này cho rằng ưu tiên hàng đầu là phải ứng cứu các doanh nghiệp nhỏ, tức những doanh nghiệp thuê mướn từ 500 nhân công trở xuống.

“Làm sao phải cấp cứu các tiểu doanh nghiệp sử dụng nhiều nhân viên nhất trong nền kinh tế thì mới tạo những được những ảnh hưởng về kinh tế xã hội cho nước Mỹ,” ông nói.

“Nếu họ bị phá sản hay vỡ nợ không phải vì lý do của họ mà là vì cả xã hội bị cách ly thì phải ứng cứu,” ông nói thêm. “Người dân muốn đi làm mà không thể đi làm được nhưng các doanh nghiệp vẫn phải trả lương.”

Còn về gói cứu trợ cho người dân, trong đó 250 tỷ đô la chuyển tiền trực tiếp cho dân và 260 tỷ mở rộng chương trình trợ cấp thất nghiệp, ông Nghĩa ví von việc này là ‘lấy trực thăng rải tiền cho dân’.

“Việc gia tăng trợ cấp có thể gây phản tác dụng vì người dân có thể không làm gì cả chỉ ở nhà mà vẫn có tiền,” ông nói và cho rằng đây là yêu cầu của Đảng Dân chủ trong gói cứu trợ để ‘tạo điều kiện thuận lợi cho mục tiêu chính trị của họ’.

Ông Nghĩa cho rằng chính phủ Mỹ nên đánh tín hiệu rõ rệt với người dân rằng ‘trong hoàn cảnh bất thường hiện nay quý vị có thể có mức lợi tức tối thiểu để sống, nhưng khi nền kinh tế đã phục hồi thì quý vị phải đi kiếm việc làm.”

‘Cỗ xe chạy tốt’

Việc cứu trợ các đại tập đoàn trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi năm 2008 đã gây nhiều tai tiếng vì các tập đoàn đã sử dụng số tiền được cứu trợ để trục lợi.

Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, kỳ này Chính phủ Mỹ có quy định rõ ràng là các tập đoàn được cứu trợ ‘không được dùng tiền cứu trợ mua cổ phiếu của mình để giúp tăng giá cổ phiếu’.

Ngoài ra, Bộ Tài chính Mỹ sẽ có trách nhiệm giám sát việc thực thi dự luật cứu trợ để tránh bị các doanh nghiệp lợi dụng, ông nói thêm.

Khi được hỏi về khả năng Mỹ bị thâm hụt ngân sách với gói cứu trợ khổng lồ như vậy cộng với gói cắt giảm thuế hồi năm 2017, ông Nghĩa nói: “Nước Mỹ đã vay mượn nhiều rồi.”

“Họ đã cân nhắc về vấn đề ngân sách nhưng không thể không làm gì. Cần phải làm cái gì đó để trấn an thị trường tài chính,” ông giải thích.

Về tác dụng của gói cứu trợ này đối với chi tiêu của người tiêu dùng, vốn là động lực chính giúp cho kinh tế Mỹ tăng trưởng, ông Nghĩa lưu ý là các chỉ số lòng tin người tiêu dùng mới được công bố ‘cho thấy người tiêu dùng Mỹ vẫn còn lạc quan bất chấp thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh’.

“Nước Mỹ là cỗ xe kinh tế chạy rất tốt, đùng một cái gặp chuyện bị khựng lại, nhưng nó vẫn có căn bản, cỗ máy của nó vẫn tốt hơn cỗ xe của các nước khác,” ông ví von. “Qua giai đoạn dịch bệnh hiện nay, kinh tế nước Mỹ vẫn bùng lên rất mạnh.”

Trả lời câu hỏi về khả năng suy thoái của Mỹ, ông cho rằng kinh tế Mỹ ‘đã đi vào suy trầm’, tức ‘recession’ – tăng trưởng chậm lại trong hai quý liên tiếp.

“Từ giờ đến ba tháng nữa nếu Mỹ và các nước châu Âu không giải quyết được dịch bệnh thì kinh tế sẽ đi vào suy thoái (depression, tức tăng trưởng âm),” ông cảnh báo.

Ông dự báo Mỹ sẽ sớm tung ra tiếp một gói cứu trợ ngàn tỷ nữa và lần này sẽ tập trung vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng – điều mà Đảng Dân chủ lâu nay vẫn yêu cầu.

Ông cho rằng gói cứu trợ tiếp theo này ‘sẽ có tác dụng trấn an tâm lý để các doanh nghiệp bớt sợ và tung ra làm việc trở lại’.

‘Không đủ’

Tình trạng khẩn cấp về y tế do virus corona gây ra đã khiến các nhà hàng, quán bar, khách sạn và các doanh nghiệp mua bán khác phải đóng cửa. Khu vực này là động lực của 70% nền kinh tế Hoa Kỳ thông qua chi tiêu của người tiêu dùng.

Trên tờ Business Insider, ông Jared Bernstein, kinh tế trưởng của cựu Phó Tổng thống Joe Biden, ví von: “Nếu chúng ta so sánh cuộc khủng hoảng như một cái hố trên mặt đất, thì gói cứu trợ này không đem đủ đất để lấp đầy hố".

Douglas Holtz-Eakin, chủ tịch Diễn đàn Hành động Hoa Kỳ và là cựu giám đốc Văn phòng Ngân sách của Quốc hội trong chính quyền George W. Bush, nhận định rằng ‘mọi doanh nghiệp Mỹ đều gặp nguy hiểm’ do đại dịch và Mỹ có thể phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái vào những năm 1930.

“Những gì chúng ta đang nhìn là điều mà các kinh tế gia gọi là dừng đột ngột. Có nghĩa là một cú sốc ào ạt tác động vào thu nhập của các hộ gia đình và doanh thu của các công ty," Bernstein nói trên tờ Business Insider.

Kết quả là sa thải tăng vọt - 3,3 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp vào tuần trước - con số này có khả năng cao hơn nhiều do hệ thống Mỹ thường không tính những người làm việc hợp đồng hay những người làm việc tự do như chạy taxi hay Uber.

Trong bối cảnh hỗn loạn đó, gói cứu trợ ‘tung nhiều tiền ra khắp các hướng vì khó nhắm mục tiêu kịp thời,’ theo bà Diane Lim, cựu kinh tế gia tại Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng.

Các doanh nghiệp có 500 nhân viên trở xuống sẽ được tiếp cận các khoản vay không lãi suất để giữ người lao động trong hai tháng và chi trả các chi phí cố định như tiền thuê nhà. Các khoản vay này có thể được xóa nếu nhân viên của họ không bị cho nghỉ việc, mặc dù các doanh nghiệp này có thể phải hoàn trả các khoản hỗ trợ nếu họ không đáp ứng được các cam kết.

‘Hỗ trợ sự sống’

Holtz-Eakin nói: “Tính năng chính là bỏ tiền vào kinh doanh. Nó cho phép các doanh nghiệp sống sót sau đại dịch và sau dịch thì chúng tôi sẽ thấy những cơ sở của nền kinh tế vẫn nguyên vẹn”.

Các yếu tố của gói cứu trợ doanh nghiệp đã gây ra phản ứng dữ dội đáng kể của các nghị sỹ cấp tiến. Dân biểu Dân chủ Alexandria Ocasio-Cortez của New York đã công kích Đảng Cộng hòa về việc họ muốn viện trợ khẩn cấp cho các đại tập đoàn để giúp họ không bị phá sản.

Chỉ riêng việc cứu trợ này đã chiếm 500 tỷ đô la trong gói cứu trợ. Chính phủ sẽ bơm khoảng 60 tỷ đô la vào ngành hàng không, động thái bị những người chỉ trích cho là cứu trợ cho các công ty có hưởng lợi nhuận khổng lồ trong nhiều năm.

Holtz-Eakin đã phản bác lập luận này. Ông nói rằng số tiền này giống như việc có thiết bị ‘hỗ trợ sự sống’ cho các tập đoàn này.

“Không có bằng chứng về sai phạm trong quản lý, sản phẩm tệ, cách làm kém,” ông nói. “Đây là những công ty hết sức lành mạnh, có trách nhiệm với đội ngũ nhân viên và họ đã bị dịch bệnh ảnh hưởng.”

Nhiều tiểu bang dự kiến sẽ suy sụp về kinh tế với sự gia tăng của những người xin trợ cấp thất nghiệp và doanh thu thuế giảm do hoạt động kinh doanh xuống thấp.

“Các tiểu bang không thể chịu được thâm hụt ngân sách,” Bernstein nói và cho biết thêm, “Họ phụ thuộc vào chính phủ liên bang vào thời điểm thế này.”

Thống đốc New York, ông Andrew Cuomo, đã nói rằng 3,5 tỷ đô la được phân bổ cho tiểu bang ông ‘chỉ là muối bỏ bể’.

VOA Express

XS
SM
MD
LG