Đường dẫn truy cập

Lực lượng của Pháp giải thoát con tin người Hà Lan ở Mali


Ông Sjaak Rijke (giữa) bước xuống chiếc phi cơ trực thăng của lực lượng đặc biết Pháp sau khi được giải thoát và đưa về một căn cứ quân sự của Pháp ở Mali. 6/4/15
Ông Sjaak Rijke (giữa) bước xuống chiếc phi cơ trực thăng của lực lượng đặc biết Pháp sau khi được giải thoát và đưa về một căn cứ quân sự của Pháp ở Mali. 6/4/15

Lực lượng đặc nhiệm của Pháp đã giải thoát một con tin người Hà Lan tại Mali, hơn ba năm sau khi ông ta bị những chiến binh Hồi giáo bắt cóc.

Quân đội Pháp cho biết Sjaak Rijke được giải thoát trong một cuộc đột kích trước bình minh hôm thứ Hai ở phía bắc của đất nước, và được đưa tới một địa điểm an toàn ở Mali.

Tổng thống Pháp François Hollande cho biết lực lượng đặc nhiệm của Pháp đã không hay biết về vị trí của con tin khi họ đột kích một trại cực đoan.

"Đó là một bất ngờ đối với chúng tôi, cho lực lượng của chúng tôi, có thể giải thoát được con tin này vì chúng tôi không có bất kỳ thông tin về sự hiện diện của con tin này," ông Hollande nói.

Các quan chức quân sự của Pháp nói hai tay súng bị hạ sát trong cuộc đột kích này và hai người khác bị bắt.

Ông Rijke, một người soát vé tàu 54 tuổi, đã bị giam cầm ở Timbuktu vào tháng 11 năm 2011 khi đang đi nghỉ cùng với vợ. Tháng 11 năm ngoái, nhóm Hồi giáo al-Qaeda ở khu vực Maghreb Hồi giáo đã đăng một đoạn video cho thấy hình ảnh của ông.

Ông Rijke bị bắt cùng với hai người đàn ông khác, một người Nam Phi và một người Thụy Điển. Không có tin gì về số phận của những con tin đó.

Bộ trưởng Ngoại giao Hà Lan Bert Koenders nói ông Rijke đang trong tình trạng sức khỏe tốt và đang được điều trị y tế.

"Thật là một tin tức phi thường cho Sjaak và gia đình của ông ấy," Bộ trưởng Koenders nói. "Tôi vui mừng và cảm kích là giai đoạn bất định và đau khổ khủng khiếp này đã chấm dứt."

Pháp đã giúp giành lại quyền kiểm soát lãnh thổ phía bắc của Mali từ tay phiến quân ly khai và những chiến binh có liên hệ tới al Qaida. Pháp vẫn còn có khoảng 3.000 binh sĩ ở đây.

Khu vực này vẫn bị ảnh hưởng bởi bạo lực, nhưng thủ đô Bamako ở phía nam đã khá yên bình.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG