Đường dẫn truy cập

Tai nạn dầu loang và hệ sinh thái ở Louisiana


Tai nạn dầu loang và hệ sinh thái ở Louisiana
Tai nạn dầu loang và hệ sinh thái ở Louisiana

Vụ nổ đã làm cho giàn khoan dầu Deepwater Horizon chìm trong vùng Vịnh Mexico tiếp tục làm rò rỉ một lượng lớn dầu thô, ước lượng lên tới 5000 thùng mỗi ngày, giết chết nhiều động vật hoang dã và gây ô nhiễm cho vùng duyên hải bang Louisiana. Trong Mục Khoa học và Đời sống tuần này, mời quý thính giả cùng Thông tín viên Jeff Swicord của đài VOA đi tham quan hệ thống sinh thái dọc theo vùng duyên hải Louisiana để tìm hiểu quy mô của tai nạn dầu loang, mà một số chuyên gia tin là đã trở thành một thảm họa sinh thái có tác động lâu dài, đe dọa sự sống của nhiều loài động vật hoang dã, và sinh kế của người dân trong vùng.

Vùng duyên hải Louisiana là một hệ thống phức tạp gồm những con sông, vịnh, vùng đầm lầy và nhánh sông, là môi trường đa dạng và phong phú, nơi sinh sống của nhiều loài động vật và thực vật.

Cách bờ biển phía đông Luoisiana nhiều dặm, một số đảo nhô lên khỏi mặt nước là những vật cản duy nhất giữa những vùng ngập mặn ngoài khơi Louisiana, môi trường sinh sống của nhiều động vật hoang dã, và thảm dầu loang đang ngày càng lan rộng hơn nữa dọc theo Vịnh Mexico.

Các hòn đảo cao không đến 30 cm trên mặt biển là nơi các loài chim như bồ nông, hải âu, và các loài chim biển khác chọn làm tổ. Oâng Matt Rota, một nhà môi trường học làm việc cho Hệ thống Phục hồi Vùng Vịnh, nói nếu dầu tràn gây ra vết dầu loang tiếp tục lan rộng và tiến vào bờ, thì đây sẽ là một nguy cơ cho toàn vùng duyên hải.

Ông Rota nói:

"Các vùng ngập mặn tại bang Luoisiana là một hệ thống sinh thái kỳ diệu. Khu vực này rất phong phú, rất đa dạng, có rất nhiều loài sinh vật khác nhau, và tất cả các sinh vật ấy đều lệ thuộc vào nhau để sinh tồn."


Để tìm hiểu tác động của thảm họa dầu tràn được coi là tồi tệ nhất từ trước tới nay, thông tín viên Jeff Swicord của đài Tiếng Nói Hoa Kỳ đã thuê một chiếc tàu và đi tham quan các vùng ngập mặn ở phía Đông sông Mississipi. Hướng dẫn viên PJ Blaize đã từng câu cá trong khu vực này từ ngày còn là một cậu bé. Chiếc tàu băng qua sông, đi qua một cổng chặn nước để tạo điều kiện cho tàu qua lại. Hướng dẫn viên PJ cho biết cổng này đã được khóa lại từ sau trận bão Katrina hồi năm 2005.

Anh nói:

“Theo những gì tôi được nghe, thì Thống đốc bang Louisiana đã hạ lệnh mở khóa để tăng áp xuất đẩy nước ngọt ra ngoài biển. Nước ngọt là một đồng minh đắc lực của chúng ta để giữ dầu thô ở ngoài biển, thay vì để dầu tràn vào các khu đầm lầy trên các hòn đảo như thế này.”

Mưa lớn và lũ lụt tại các bang trên thượng nguồn sông Mississipi trong tuần qua, đang tăng áp lực xuống các vùng ở hạ nguồn. Các giới chức muốn sử dụng sức ép đó để tống nước ngọt ra ngoài Vịnh Mexico, để chận dầu loang ở ngoài khơi, không cho tràn vào bờ.

Hướng dẫn viên P.J. giải thích:

"Tất cả các khu vực ở quanh đây về cơ bản là một vùng đầm lầy nước ngọt."


Phía bên kia của cổng chận nước cho tàu bè qua lại, là những thủy lộ thiên nhiên chạy ngoằn nghèo qua vùng đầm lầy nước ngọt.

Hướng dẫn viên PJ lưu ý khách chú ý đến những cành hoa diên vĩ của bang Luoisiana. Loài hoa dại này đặc biệt chỉ có ở khu vực này, và đang trong mùa nở rộ sau cùng trong năm.

Khu đầm lầy này là nơi sinh sống của rất nhiều loài thực vật, và các động vật như cá và các loài bò sát chẳng hạn như cá sấu mõm ngắn, cũng như nhiều động vật có vú.

"Ở đây có vô số động vật. Có nhiều loài gặm nhấm, chồn, chuột xạ, chó sói, nai và heo rừng."

Ông Matt Rota nói nếu dầu loang lan rộng đến khu đầm lầy, thì rất nhiều động thực vật khó có thể sống sót.

“Nếu như dầu loang đến tận bên trong các khu ngập nước, mức độ thiệt hại sẽ rất cao. Dầu có thể vấy vào các loài cây cỏ và sẽ khiến chúng nếu không chết, thì cũng bị tác động nghiêm trọng. Thế rồi các động vật như loài có vú và cả các loài điểu cũng có thể bị dính dầu nhầy nhụa.”

Xa hơn về hướng đông, chiếc tàu tiến vào vùng nước mặn. Đây là nơi có nhiều sò hến và tôm cua. Chiếc tàu neo lại trong một vịnh nhỏ, mà ai cũng tin sẽ chứa đầy dầu loang. Thế nhưng tại đây, không thấy có vết dầu nào.

Nhà môi trường học Rota giải thích:

“Theo thời gian, dầu có thể tan rã nhờ những vi khuẩn và các vi sinh vật khác sống dưới nước, người ta đang đổ các hóa chất làm phân tán dầu trên những vết dầu loang để dầu chìm xuống đáy biển.”

Nỗi lo của giới hữu trách là dầu hỏa có thể làm ô nhiễm đáy biển trong một thời gian kéo dài nhiều thập niên, mà nơi đây lại là môi trường sinh sống của các loài sò hến và tôm cua.

Các chất ô nhiễm có thể tác động đến các loài tôm cua nhỏ, rồi từ đó gây nhiễm cho cá và các động vật có vú, thế rồi các độc chất có thể tập trung và gây hại cho các động vật dùng các vi sinh vật ấy làm lương thực.

Xa hơn nữa, chiếc tàu tiến đến khu vực nơi chim muông làm tổ trên các hòn đảo nhỏ nhô lên trên vùng biển cạn. Xa xa, mọi người còn trông thấy những vết tích của công nghiệp dầu hỏa một thời phát triển rất mạnh tại đây. Trong quá khứù, Luoisiana dường như đã tìm ra một thế cân bằng giữa phát triển công nghiệp dầu hỏa và bảo vệ môi trường sinh thái. Cái thế cân bằng ấy giờ đây đã trở nên rất mong manh, giữa lúc vết dầu loang ngày càng lan rộng, có nơi đã tràn vào đến bờ. Cho tới nay, các chuyên gia cũng như giới hữu trách vẫn chưa tìm ra được một giải pháp thực sự hữu hiệu để bịt lại chỗ rò rỉ, và dọn sạch vết dầu loang.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG