Đường dẫn truy cập

Liên minh Kinh tế Âu Á hay ‘tiểu Liên Xô’ của Putin?


(Từ phải sang) Tổng thống Nga Vladimir Putin, tổng thống Kazahkstan Nursultan Nazarbayev, và tổng thống Belarus Alexander Lukashenko bắt tay sau khi ba nước ký kết thoả thuận thành lập Liên minh Kinh tế Âu Á tại Astana, Kazakhstan, 29/5/2014.
(Từ phải sang) Tổng thống Nga Vladimir Putin, tổng thống Kazahkstan Nursultan Nazarbayev, và tổng thống Belarus Alexander Lukashenko bắt tay sau khi ba nước ký kết thoả thuận thành lập Liên minh Kinh tế Âu Á tại Astana, Kazakhstan, 29/5/2014.
Moscow ngày càng nói nhiều về "phạm vi ảnh hưởng" của nước Nga. Và hôm thứ Năm, Tổng thống Vladimir Putin đã tiến một bước quan trọng trong việc đảm bảo vị thế đó bằng cách thiết lập một thị trường chung của các quốc gia thuộc Liên Xô cũ để giúp tích hợp chính sách kinh tế.

Tiếng vỗ tay và âm nhạc tưng bừng đón chào buổi lễ ký kết thành lập liên minh kinh tế mới nhất của thế giới.

Nga, Belarus và Kazakhstan ký một thỏa thuận thành lập Liên minh Kinh tế Âu Á tại một cuộc họp ở thủ đô Astana của Kazakhstan.

Với Armenia và Kyrgyzstan sắp gia nhập vào cuối năm nay, liên minh này liên kết năm quốc gia trong số 15 nước cộng hòa cũ của Liên bang Xô Viết. Với trung tâm là Moscow, nhóm nước này được một số người gọi là "phiên bản bắt chước Xô Viết."

Nhưng dù biển người mặc complet ngồi chật kín 3.000 chỗ trong Dinh Độc lập ở Astana, phần thưởng lớn nhất của Moscow không có mặt: Ukraine.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko phá lệ và thẳng thừng ca thán rằng Ukraine đã "bỏ ngang."

Ông nói: "Tôi chắc là sớm muộn gì một ngày nào đó các nhà lãnh đạo của Ukraine sẽ hiểu được hạnh phúc của đất nước là ở đâu."

Tổng thống Nga Vladimir Putin khéo lựa lời hơn. Cả năm qua, ông đã ra sức - công khai lẫn âm thầm - đưa Ukraine vào lại phạm vi ảnh hưởng của Moscow.

Ông nói: "Sự chuyển giao những quyền hạn nhất định cho những cơ quan quốc gia của Liên minh (Kinh tế Âu Á) hoàn toàn không gây tổn hại cho chủ quyền của các quốc gia chúng ta."

Ukraine có 46 triệu dân – nhiều hơn 10 triệu so với tổng dân số của Armenia, Belarus, Kyrgyzstan và Kazakhstan gộp lại.

Ông Mark Galeotti, chuyên gia về Nga của Đại học New York, nói rằng ông Putin vẫn quyết tâm hướng Kyiv đến Moscow:

"Tôi sẽ ngạc nhiên nếu ông Putin bằng lòng chấp nhận việc Ukraine không nằm trong Liên minh Kinh tế Âu Á. Lý do đơn giản là không có Ukraine, liên minh này trông ngày càng rời rạc, chỉ hơn những mối quan hệ song phương với Nga một chút. Về mặt này sự có mặt của Ukraine là trọng yếu, và điều này lý giải vì sao Nga lại hành xử vô lối như vậy trong vụ này."

Nói tóm lại, Tổng thống Nga muốn Kyiv tìm đến Moscow, không phải Brussels.

Nhưng ở Kyiv hôm thứ Năm, Tổng thống tân cử của Ukraine, Petro Poroshenko, cho biết ông định ký một hiệp định liên kết kinh tế với Liên minh châu Âu vào giữa tháng Sáu.

Georgia và Moldova cũng định sẽ ký những hiệp định tương tự vào ngày 27 tháng 6. Ba nước cộng hòa Baltic thuộc Liên Xô cũ là Latvia, Lithuania và Estonia đã là thành viên chính thức của EU.

Suốt sáu tháng qua, phong trào biểu tình phản đối ở Ukraine đã đòi nước này đi theo con đường tiến về phía châu Âu. Cuộc nổi dậy quần chúng này đã buộc tổng thống Ukraine thân Nga Viktor Yanukovych tháo chạy khỏi Ukraine hồi tháng Hai.

Tại Moscow, nhà phân tích Masha Lipman thuộc Viện Carnegie nói rằng cuộc thập tự chinh của ông Putin để ép buộc, hay phỉnh phờ, Ukraine gia nhập Liên minh Kinh tế Âu Á là một thất sách. Bà nói:

"Đưa Ukraine vào Liên minh Âu Á giờ đã là dĩ vãng. Ukraine mà gia nhập Liên minh Âu Á thì phải trải qua một cuộc khủng hoảng chính trị ở nước này, và lại đổi hướng rời xa phương Tây hướng về Nga."

Tới cuối năm nay, Liên bang Xô Viết cũ sẽ có những ‘đường đứt gãy địa chất’ mới.

Năm nước cộng hòa sẽ vào Liên minh Âu Á của ông Putin. Sáu nước sẽ liên kết với Liên minh châu Âu. Và bốn nước sẽ không tham gia khối nào cả.
Nhưng dường như ông Putin đang chú ý lợi dụng sự thay đổi của hệ thống toàn cầu, lợi dụng việc nước Mỹ đang dần đánh mất vị thế siêu cường duy nhất, lợi dụng sự trỗi dậy của Trung Quốc, và có thể Liên minh Âu Á này là một phần của một chiến lược nào đó lớn hơn
Nhà phân tích Viện Carnegie
Bà Lipman nói Moscow có kế hoạch địa chiến lược:

"Với số thành viên như vậy, Liên minh Âu Á có vẻ nhỏ và không ấn tượng. Nhưng dường như ông Putin đang chú ý lợi dụng sự thay đổi của hệ thống toàn cầu, lợi dụng việc nước Mỹ đang dần đánh mất vị thế siêu cường duy nhất, lợi dụng sự trỗi dậy của Trung Quốc, và có thể Liên minh Âu Á này là một phần của một chiến lược nào đó lớn hơn."

Nhưng trong khi thành phần chủ trương ly khai ủng hộ Nga chiến đấu với Kyiv trên rìa phía đông của Ukraine, không phải ai cũng hài lòng về mối liên kết mới của mình. Armenia đã chứng kiến các cuộc biểu tình chống đối việc gia nhập Liên minh Âu Á.

Và vào ngày thứ Năm ở Kazakhstan, cảnh sát bắt giữ hàng chục người biểu tình tại Astana. Họ đeo khẩu trang và giơ biểu ngữ viết: "Hãy bảo vệ mình khỏi virus đế quốc của Nga."

Nhưng ở Nga, việc nước này phô bày quyền uy đang được lòng ngày càng nhiều người dân.

Hôm thứ Năm, trung tâm khảo sát VTsIOM của nhà nước công bố số liệu cho thấy 82 phần trăm số người được hỏi nghĩ rằng Nga giờ nên sử dụng "ảnh hưởng to lớn" trong các vấn đề của thế giới – tăng gần 50 phần trăm so với sáu năm trước.

Cuộc thăm dò dư luận đặt câu hỏi cho 1.600 người trên toàn nước Nga: Nga có nên giành lại vị thế siêu cường của Liên Xô không?

42 phần trăm trả lời có.

Liên minh Kinh tế Âu Á của hôm nay có thể trở thành một liên minh địa chính trị mai này.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG