Đường dẫn truy cập

LHQ kêu gọi đóng góp 500 triệu đô la viện trợ cho Iraq


Các giới chức Liên Hiệp Quốc đi thăm những người bị thất tán đến từ các khu vực xung quanh Ramadi, Iraq.
Các giới chức Liên Hiệp Quốc đi thăm những người bị thất tán đến từ các khu vực xung quanh Ramadi, Iraq.

Các giới chức Liên Hiệp Quốc nói những chương trình hiện nay tại Iraq đang cạn tiền giữa lúc có thêm nhiều người Iraq phải rời bỏ nhà cửa và cần được giúp đỡ.

Liên Hiệp Quốc đang hỗ trợ cho 8 triệu người cần được giúp đỡ tại Iraq, trong đó có 3 triệu người lánh nạn trong nước.

Bà Lise Grande, điều hợp viên nhân đạo của Liên Hiệp Quốc tại Iraq, nói:

“Nếu chúng tôi không đưa tiền vào ngay bây giờ, nếu chúng tôi không nhận được nguồn tài chánh, tất cả các chương trình tại Iraq sẽ bị đóng cửa trong những tuần lễ hay những tháng tới”.

Các giới chức Liên Hiệp Quốc dự đoán con số những người tản cư sẽ gia tăng trong những tháng tới, hậu quả của các cuộc giao tranh hiện nay để đẩy lui các phiến quân Nhà nước Hồi Giáo.

Bà Grande nói tiếp:

“Có thể vào cuối năm 2015 sẽ có khoảng 10 triệu người Iraq cần được trợ giúp. Đây là con số dự trù chúng tôi đang dựa vào để làm việc.”

Nhiều người trong số những người không tản cư không thể tự nuôi sống.

Bà Grande cho biết:

“Trong vài tháng qua, chính phủ Iraq đã mất đi 40% tổng số ngân sách vì giá dầu tuột dốc”.

Quân đội Iraq đã mở một cuộc tấn công để chiếm lại tỉnh Anbar ở miền tây hiện nằm trong tay Nhà nước Hồi Giáo còn được gọi là Daesh. Các phần tử nổi dậy phản ứng bằng 3 cuộc đánh bom tự sát ngày hôm qua vào một căn cứ quân sự tại Anbar, làm hơn 40 binh sĩ thiệt mạng. Một liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo đang yễm trợ cho các nỗ lực của Iraq nhằm đẩy lùi các phần tử hiếu chiến và chiếm lại Ramadi, tỉnh lị của Anbar.

Tướng John Allen, đặc sứ Mỹ trong Liên minh toàn cầu chống lại Nhà nước Hồi Giáo, nói:

“Có nhiều đơn vị thuộc lực lượng an ninh Iraq hiện đang tiến đến Ramadi. Do đó, đây không giống như Mosul, nơi bị thất thủ và vẫn nằm trong tay Daesh trong hơn một năm nay. Quân đội Iraq sẽ chiếm lại được Ramadi”.

Cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Iraq là hậu quả của những xung đột sắc tộc và phe phái, và trầm trọng thêm bởi cuộc nổi dậy của các phần tử Hồi Giáo cực đoan trong năm qua.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG