Đường dẫn truy cập

Biểu tình chống nhiều chính phủ Ả Rập tiếp tục vào ngày thứ Sáu


Dân chúng và binh sĩ Ai Cập cầu nguyện trong một cuộc biểu tình, tại quảng trường Tahrir trong thủ đô Cairo của Ai Cập, yêu cầu nhà lãnh đạo Libya Gadhafi từ chức
Dân chúng và binh sĩ Ai Cập cầu nguyện trong một cuộc biểu tình, tại quảng trường Tahrir trong thủ đô Cairo của Ai Cập, yêu cầu nhà lãnh đạo Libya Gadhafi từ chức

Những cuộc biểu tình của quần chúng tràn ngập phần lớn thế giới Ả Rập sau những buổi cầu nguyện ngày thứ Sáu và có vẻ như những phong trào chống chính phủ đang trên đà tiến tới.

Biểu tình ở Lybia

Hàng trăm ngàn người đã biểu tình trên toàn thế giới Ả Rập sau các buổi cầu nguyện ngày thứ Sáu để bày tỏ sự bất bình đối với lãnh đạo của họ.

Tại thành phố Benghazi của Libya, trung tâm của phong trào nổi dậy chống nhà lãnh đạo Moammar Gadhafi, người biểu tình hô to các khẩu hiệu đòi lật đổ chế độ của ông này.

Thành phố Benghazi và hầu hết miền đông Libya hiện nằm dưới sự kiểm soát của phe nổi dậy, cộng thêm những vùng đất ngày càng nhiều tại phía tây Libya, bên ngoài thủ đô Tripoli.

Đài truyền hình Al Arabiya loan tin hai thị trấn biển Zawiya và Misrata, nơi chứng kiến những trận xung đột dữ dội giữa những người thân và chống ông Gadhafi hôm thứ Năm, nay nằm trong tay của đối lập.

Tại thủ đô Tripoli, phần lớn vẫn nằm dưới quyền kiểm soát của chính phủ, những người chủ xướng các buổi cầu nguyện hôm thứ Sáu nói với các tín đồ không nên thách thức quyền lực của những người cai trị hay tạo nên những xung đột.

Những người chứng kiến tại chỗ cho biết tại một số nơi ở Tripoli, phe ủng hộ ông Gadhafi đã bắn vào những người biểu tình, gây nên một số thiệt hại.

Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Libya, Abdel Rahman Shalgham, một người thân tín của ông Gadhafi nói với đài truyền hình Al Arabiya là “vì người ta đã nói đến sự can thiệp quân sự của bên ngoài vào Libya, cho nên cần phải tìm một giải pháp lợi ích nhất cho quốc gia”. Ông nói tiếp, “Đã đến lúc cần phải có những quyết định can đảm”.

Tổng thống Gadhafi nói với đài truyền hình Libya hôm thứ Năm ông không có “quyền hành thực sự” mà chỉ có “quyền lực về tinh thần” giống như Nữ hoàng Anh.

Dù có xáo trộn và bạo động, một chiếc phà đã di tản được một số công dân Mỹ từ Tripoli đến đảo Malta gần đó. Tình trạng an ninh suy thoái đã khiến cho hàng ngàn người Libya và ngoại quốc rời khỏi nước này trong những ngày qua. Thời tiết xấu và sóng lớn ngăn cản một số nỗ lực di tản các người nước ngoài bằng tàu khỏi Libya.

Biểu tình ở Ai Cập

Trong khi đó, tại Ai Cập, hàng trăm ngàn người biểu tình đổ ra quảng trường Tahrir tại Cairo hôm thứ Sáu, đòi chính phủ của Thủ tướng Ahmed Shafiq phải từ chức.

Một cuộc biểu tình tương tự xảy ra vào ngày thứ Sáu trước, sau khi những tín đồ Hồi Giáo tổ chức cầu nguyện tại quảng trường.

Biểu tình ở Iraq

Những cuộc biểu tình đông đảo cũng diễn ra tại nhiều thị trấn và thành phố Iraq, gồm cả Baghdad, thành phố cảng Basra ở miền nam và các thị trấn Samara, Tikrit, Baquba và Ramadi của người Hồi Giáo Sunni.

Tại thị trấn Mosul ở miền bắc và vùng ngoại ô, hàng chục người bị thương sau khi những người biểu tình đụng độ với lực lượng an ninh.

Những vụ đụng độ năng nề nhất xảy ra tại Baghdad nơi hàng ngàn người biểu tình tập trung tại quảng trường Tahrir của thành phố trong ngày được gọi là “ngày thịnh nộ”.

Đài truyền hình Al Arabiya loan báo hàng trăm người biểu tình phá vỡ hàng rào cảnh sát để tham gia biểu tình.

Biểu tình ở Yemen

Hàng ngàn người biểu tình cũng đổ ra đường tại hầu hết các tỉnh của Yemen vào hôm thứ Sáu để yêu cầu Tổng thống Ali Abdullah Saleh từ chức.

Những cuộc biểu tình hằng ngày bắt đầu vào ngày 16 tháng Hai ngày càng lớn mạnh, dù rằng có lời hứa cải tổ chính trị của Tổng thống Saleh.

Tổng thống Saleh cai trị Yemen kể từ năm 1978 và hứa sẽ không tái ứng cử khi nhiệm kỳ của ông chấm dứt vào năm 2013.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG