Đường dẫn truy cập

LHQ: Chính sách về người tị nạn của Australia là 'vô nhân đạo'


Người tị nạn ngăn cản một người toan nhảy xuống từ mái nhà Trung tâm tạm giam Villawood ở Sydney trong cuộc biểu tình vì lo sợ bị trả về nước.
Người tị nạn ngăn cản một người toan nhảy xuống từ mái nhà Trung tâm tạm giam Villawood ở Sydney trong cuộc biểu tình vì lo sợ bị trả về nước.

Một bản phúc trình của Liên hiệp quốc cho biết chính sách về người tị nạn của Australia vi phạm các công ước quốc tế chống nạn tra tấn. Báo cáo viên đặc biệt Liên hiệp quốc chỉ trích gay gắt trung tâm di trú do Australia điều hành tại Papua New Guinea, nơi một người bị giam giữ tại đây bị giết vào năm ngoái. Thông tín viên đài VOA Phil Mercer tường trình từ Sydney.

Chính sách về người tị nạn của Australia đã được ông Juan Mendez, báo cáo viên đặc biệt của Liên hiệp quốc về tra tấn, nghiên cứu rất kỹ lưỡng. Phúc trình của ông chỉ trích Canberra về việc giam giữ trẻ em và không ngăn được “bạo động và căng thẳng leo thang” tại trung tâm tạm giam trên đảo Manus của Papua New Guinea.

Ông Mendez kết luận rằng quyền của những người xin tị nạn đã bị vi phạm vì sự đối xử mà ông mô tả là “tàn bạo, vô nhân đạo và làm mất phẩm giá.”

Ông Daniel Webb, thuộc Trung tâm Luật Nhân quyền, nói phúc trình làm Australia xấu hổ.

“Rõ ràng là những việc chúng ta đang làm lúc này là làm hại những người đàn ông, những người phụ nữ và những em bé tìm kiếm sự bảo vệ của chúng ta. Việc này cũng làm tổn hại đến tiếng tăm quốc tế mà chúng ta phải khó khăn mới đạt được là một quốc gia tử tế và tôn trọng nhân quyền.”

Ông Juan Mendez, báo cáo viên đặc biệt của Liên hiệp quốc về tra tấn.
Ông Juan Mendez, báo cáo viên đặc biệt của Liên hiệp quốc về tra tấn.

Phúc trình Liên hiệp quốc cũng chỉ trích chính sách hàng hải của Australia cho phép những người xin tị nạn bị “giam giữ tùy tiện trên biển, không được tiếp xúc với luật sư.”

Các giới chức di trú Australia bác bỏ ý kiến cho rằng lập trường của chính phủ nước này vi phạm các công ước quốc tế, và họ nhấn mạnh đến việc những người nhập cảnh bất hợp pháp vào Australia đã được cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau.

Ngày hôm nay, khi được hỏi về phúc trình của Liên hiệp quốc, Thủ tướng Tony Abbott bác bỏ phúc trình này. Ông nói “Australia chán ngấy vì sự thuyết giảng của Liên hiệp quốc.” Ông nói thêm chính sách của chính phủ đã làm nản lòng những người tìm cách thực hiện các cuộc hành trình nguy hiểm bằng đường biển, khiến cho số tử vong ít hơn. Ông nói chính sách này quả thực là có tính chất nhân đạo nhiều hơn so với chính sách của chính phủ trước mà ông cho là đã khuyến khích những kẻ chuyển lậu người.

Những người đến Australia bằng đường biển bất hợp pháp được chuyển đến hai trung tâm do Australia bảo trợ ở Nam Thái Bình Dương để thanh lọc.
Những người đến Australia bằng đường biển bất hợp pháp được chuyển đến hai trung tâm do Australia bảo trợ ở Nam Thái Bình Dương để thanh lọc.

Chính sách tự động giam giữ tất cả những người xin tị nạn, trong đó nhiều người đến từ các nước như Iran, Afghanistan, Pakistan và Sri Lanka, đã được Australia áp dụng từ những năm 1990. Chính sách này được sự ủng hộ của nhiều người của cả hai đảng vì họ cho rằng nhiều người xin tị nạn trên thực tế là những di dân kinh tế. Các vị bộ trưởng nói rằng những chính sách nghiêm nhặt được đa số cử tri ủng hộ. Chính phủ bảo thủ hiện thời được bầu lên với số phiếu áp đảo vào năm 2013 sau khi hứa có những hành động mạnh mẽ hơn để giảm bớt làn sóng thuyền nhân đến Australia một cách bất hợp pháp.

Những người đến Australia bằng đường biển bất hợp pháp được chuyển đến hai trung tâm do Australia bảo trợ ở Nam Thái Bình Dương để thanh lọc. Một trung tâm tại đảo Manus và trung tâm kia tại đảo quốc tí hon Nauru.

Những người bị giam giữ có thể được xem như là người tị nạn đích thực cũng không được dành cho cơ hội định cư tại Australia, theo chính sách của chính phủ. Chính sách này được áp dụng nhằm làm nản lòng những thuyền nhân để họ không thực hiện những chuyến hải hành đầy nguy hiểm.

Mỗi năm Canberra cấp khoảng 14.000 visa tái định cư, dựa theo các hiệp ước quốc tế.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG