Đường dẫn truy cập

Lao động trẻ em ở Campuchia vẫn đáng quan tâm


Một bé gái Campuchia đang làm việc tại một xưởng làm gạch ở làng Chheuteal, tỉnh Kandal, cách thủ đô Phnom Penh 27 cây số.
Một bé gái Campuchia đang làm việc tại một xưởng làm gạch ở làng Chheuteal, tỉnh Kandal, cách thủ đô Phnom Penh 27 cây số.

Ở vùng ngoại vi phía nam thủ đô Campuchia, một nhà máy xập xệ sản xuất hàng chục ngàn viên gạch mỗi tháng. Những hàng gạch vừa nung nằm chờ người mua dưới tấm mái tôn trong khi lò nung dài 50 mét tỏa ra một hơi nóng nặng nề vào lúc một mẻ gạch mới đang được nung.

Những viên gạch này là sản phẩm của nhiều giờ lao động của 10 công nhân, trong số đó có bà Chrup 46 tuổi và đứa con gái Pheap. Đây là công việc duy nhất đối với bà Chrup, bắt đầu làm việc tại một nhà máy gạch vào năm 1979 từ lúc 11 tuổi.

Pheap bắt đầu làm việc ở đây lúc 14 tuổi. Đó là một chuyện bất hợp pháp, nhưng không có gì là lạ. Các luật lệ chống lao động trẻ em bị nhiều người làm ngơ ở những nơi như thế này và hoàn cảnh gia đình khiến đám trẻ không có lựa chọn nào khác.

Pheap đã gắng theo học ở trường được 2 năm, em nói với giọng nhỏ nhẹ: “Làm việc ở đây giúp mẹ em nuôi sống gia đình, nếu không thì bà không kiếm đủ. Nó cũng giúp em phụ đỡ cho các em nhỏ của em”.

Chồng bà Chrup, một cựu quân nhân, đau yếu quá nên không làm việc được. Vì thế, khoản tiền mà bà và đứa con gái kiếm được – áng chừng 80 đôla cho 8 giờ làm việc, 7 ngày 1 tuần – là khoản sống còn để nuôi ông, một đứa con gái 10 tuổi và một con trai sơ sinh.

Hàng ngàn người làm việc “dưới các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất”

Hoàn cảnh của em Pheap là thông thường ở Campuchia, nơi ước tính có 430.000 người dưới 18 tuổi đi làm. Nhiều người buộc phải bỏ học để giúp đỡ gia đình. Chừng 220.000 em đi làm trong những điều kiện mà Tổ chức Lao động Quốc tế xếp loại là “những hình thức lao động trẻ em tệ hại nhất”, gồm nông nghiệp, làm muối, làm việc nhà, đánh cá và làm gạch.

Ông Veng Heang, đứng đầu Bộ Lao động Trẻ em, nêu ra rằng con số trẻ em làm việc đã giảm sút đáng kể từ khoảng 755.000 vào năm 1999. Chính phủ nhắm mục tiêu cắt giảm một nửa số này trong vòng một năm, xuống còn 365.000.

Nhắm mục tiêu vào các khu vực như nông nghiệp và ngư nghiệp, nơi hàng ngàn trẻ em làm việc, đã có hiệu quả. Thống kê về số trẻ em làm việc trong nông nghiệp đã giảm từ 72% năm 2001 xuống còn 53%. Nhìn về phía trước, việc bảo đảm giới trẻ tiếp tục ở lại trường sẽ là diều cấp thiết.

Ông Heang nói: “Không chỉ trong năm 2015, mà sau năm 2015, chúng ta phải cố gắng rất thận trọng về phẩm chất giáo dục và nhất là về nguồn thu nhập của giới nghèo. Đó là chủ đề chính của chúng ta”.

Các chương trình làm việc tử tế cũng sẽ góp phần vào thành quả, cũng như sự thay đổi hành vi và thực thi luật pháp, mặc dầu việc thực thi luật pháp là công việc dễ dàng hơn đối với chủ nhân so với phụ huynh, là những người như bà Chrup, thường không có mấy chọn lựa. Trong những tình huống ấy, theo ông Heang, một giải pháp tốt hơn là trợ giúp phụ huynh kiếm tiền nhiều hơn.

Các nỗ lực của chính phủ đã được sự hỗ trợ của World Vision, một tổ chức phi lợi nhuận đang điều hành một dự án 4 năm gọi là EXCEL, được sự tài trợ của Bộ Lao động Hoa Kỳ.

Bà Imelda Ochavillo, giám đốc dự án EXECEL của World Vision ở Campuchia, nói mục tiêu là giúp 28.000 trẻ em hoặc xa lánh công việc bóc lột trong nông nghiệp, ngư nghiệp và giúp việc nhà, hoặc ngăn chúng nhận những công việc đó ngay từ đầu. Sau 2 năm, EXCEL đã giúp được gần 20.000 trẻ em.

Bà Ochavillo nói: “Một khi chúng tôi tìm ra được các mục tiêu gia đình được gán là “có rủi ro” chúng tôi cung cấp các dịch vụ giáo dục trực tiếp cho trẻ em – cho dù chúng đang có rủi ro hoặc đã tham gia vào lao động trẻ em. Dịch vụ đó có thể là giáo dục chính thức hoặc không chính thức hay huấn nghiệp. Bà cho biết thêm là các hộ gia đình cũng nhận được sự trợ giúp về nguồn sinh hoạt.

Bớt đi làm, đi học nhiều hơn

Theo bà, lao động trẻ em thường không phải là một vấn đề đáng kể với trẻ dưới 12 tuổi, đa số ở lại trong làng và đi học.

Bà nói: “Nhưng khi bắt đầu bước vào tuổi 12 và lên tới 17 tuổi thì đó là lúc bắt đầu có vấn đề lao động trẻ em, mặc dầu các thái độ đối với tập tục này đang được cải thiện, nhưng vẫn cần phải có thêm các biện pháp khác”.

Bà nói tiếp: “Nếu muốn giảm thiểu tình trạng này một cách đáng kể, chúng ta phải có những biện pháp can thiệp rất toàn diện, bao gồm việc giảm nghèo liên tục, cung cấp các nguồn thu nhập, việc làm tử tế cho giới trẻ và phải tiếp cận được giáo dục”.

Trở lại nhà máy, em Pheap mơ có được một việc làm trong xưởng may nơi em có thể kiếm gấp đôi số tiền làm được ở lò gạch. Bà Chrup cũng mong ước thêm cho con gái. Sau ba thập niên lao động cực nhọc, bà biết nghề này không có mấy tương lai.

Trong lúc chồng đang uống bia tại căn lều dựng lên ngay nơi làm việc, bà Chrup nói: "Tôi không muốn con tôi phải làm việc mãi tại một nhà máy gạch. Tôi đã làm việc như thế cả đời rồi và tôi không muốn cháu lại đi vào con đường ấy. Nếu cháu làm được ở một nơi nào khác thì cháu có thể xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn".

Nhưng một tương lai tốt đẹp hơn cho gia đình bà dường như là điều khó đạt được, không những chỉ vì em Pheap không biết cách nộp đơn xin làm việc ở xưởng dệt may. Trong khi đó, trường học ở địa phương không cho em gái của Pheap đăng ký vì lý do các gia đình làm việc ở các lò gạch là tạm thời. Sự nghèo khó và thiếu cơ hội có nghĩa là có phần chắc là một ngày nào đó, đứa con nhỏ lại cùng với mẹ và chị gái tham gia việc sản xuất hàng ngàn viên gạch mỗi tháng.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG