Đường dẫn truy cập

Cuộc sống người già ở Campuchia ngày càng vất vả


Không có trung tâm cho người già tại Campuchia. Các chuyên gia muốn chính phủ cung cấp dịch vụ y tế cho người già và thực hiện chương trình hưu trí cho toàn thể dân chúng.
Không có trung tâm cho người già tại Campuchia. Các chuyên gia muốn chính phủ cung cấp dịch vụ y tế cho người già và thực hiện chương trình hưu trí cho toàn thể dân chúng.

Giống như nhiều nước đang phát triển khác, xã hội nông nghiệp ở Campuchia đang thay đổi một cách nhanh chóng với hai động lực chính là đô thị hóa và đà sút giảm của sinh suất. Theo tường thuật của thông tín viên Robert Carmichael của đài VOA ở Phnom Penh, trong lúc những người trẻ tuổi rủ nhau đến thành thị kiếm sống, những người già cả tiếp tục ở lại trong vùng nông thôn, nơi họ nhận được rất ít sự hỗ trợ.

Bà Sok Soeun, năm nay 73 tuổi, đã rời làng để đến ở trong chùa Saravan ở Phnom Penh khi chồng bà qua đời cách nay 12 năm.

Ngôi chùa này có 20 người cao niên, hầu hết là phụ nữ, đến ở và phụ giúp các vị sư trong những công việc hàng ngày.

Để đáp lại, những người đến lễ chùa thường cho tiền để các cụ già mua lương thực và thuốc men.

Tuy các cựu công chức và các cựu chiến binh nhận được lương hưu, hơn 80% trong số 850.000 người cao niên ở Campuchia không có một công việc chính thức và do đó không có tiền hưu trí.

Giống như bà Sok Soeun, nhiều người già ở đây là người mất vợ hoặc mất chồng và cuộc sống của họ rất đỗi vất vả. Bà Sok Soeun cho biết như sau về tình cảnh của bà.

"Cách hai hay ba tháng thì mấy đứa con của tôi tụi nó tới đây thăm tôi một lần. Tụi nó cho tôi chừng 20 hay 30 đô la. Lúc nhiều, lúc ít … vì tụi nó cũng nghèo. Nhưng tôi phải chịu vậy. Số phần của tôi nó như vậy. Tôi ở chùa này được 12 hay 13 năm rồi. Gần đây tôi thường bị bệnh hơn, nên bây giờ tôi không thể tham gia những buổi lễ ở chùa."

Các chuyên gia muốn chính phủ cung cấp dịch vụ y tế cho người già và thực hiện chương trình hưu trí cho toàn thể dân chúng.

Bà Annie Nut, cố vấn của tổ chức bất vụ lợi HelpAge Cambodia, nói rằng những sự giúp đỡ như vậy là vô cùng cần thiết vì trách nhiệm của nhiều người già mỗi lúc một nhiều.

"Khi quí vị dời chỗ ở tới thành phố hoặc tới một nước khác, nhất là khi quí vị là công nhân hay là người lao động không có tay nghề, thì quí vị rất khó mang theo con cái của mình vì những dịch vụ cho trẻ em rất đắt và chuyện thuê nhà cũng vô cùng khó khăn. Và vì thế mà những người già phải chăm sóc cho những đứa cháu của họ trong lúc họ cũng phải coi sóc nhà cửa và chăm lo cho mùa màng các thứ."

Tổ chức HelpAge, với sự hỗ trợ của chính phủ, đã thành lập 400 đoàn thể cấp làng để chăm sóc cho những người gìa trong cộng đồng.

Đảng Cứu quốc Campuchia, thuộc phe đối lập, đã đề nghị phát tiền hưu 10 đô la mỗi tháng và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí cho người già.

Đại biểu quốc hội Mu Sochua, người từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Phụ nữ, nói rằng giúp đỡ cho người già là một nghĩa vụ đạo đức.

"Như tôi đã nói, văn hóa của chúng tôi quý trọng người già. Chúng tôi kính trọng họ, và để bù đắp cho những gì mà họ đã phải trải qua dưới chế độ Pol Pot và đã sống sót, thì điều tối thiểu mà chính phủ trong tương lai của Đảng Cứu quốc có thể làm, điều tối thiểu mà chúng ta có thể làm là cung cấp cho họ gói hỗ trợ tối thiểu đó, bắt đầu với tiền khoản tiền hưu 10 đôla mỗi tháng."

Các nhà quan sát cho rằng đây là một vấn đề cấp bách, bởi vì một sự bùng phát dân số xảy ra khi chế độ Khmer Đỏ sụp đổ - cộng với việc sinh suất hạ giảm, đã đưa tới tình trạng là Campuchia sẽ có hơn 4 triệu người già vào năm 2050, cao hơn 5 lần số người già hiện nay.

XS
SM
MD
LG