Đường dẫn truy cập

Lãnh đạo Hong Kong cảnh báo nước ngoài chớ can thiệp


Những người biểu tình mang theo cờ Mỹ trong 1 cuộc tuần hành bên ngoài Lãnh sự quán Mỹ ở Hong Kong hôm 8/9. Trưởng đặc khu Carie Lam cảnh báo các quốc gia bên ngoài chớ can thiệp vào nội bộ của Hong Kong.
Những người biểu tình mang theo cờ Mỹ trong 1 cuộc tuần hành bên ngoài Lãnh sự quán Mỹ ở Hong Kong hôm 8/9. Trưởng đặc khu Carie Lam cảnh báo các quốc gia bên ngoài chớ can thiệp vào nội bộ của Hong Kong.

Người đứng đầu Hong Kong hôm 10/9 nói sự can thiệp của các chính phủ nước ngoài vào các vấn đề nội bộ của Hong Kong là điều rất đáng tiếc, và cảnh báo rằng leo thang bạo lực không thể giải quyết các vấn đề xã hội ở trung tâm tài chính của châu Á.

Bà Carrie Lam, trưởng đặc khu Hong Kong được Bắc Kinh hậu thuẫn, phát biểu sau những vụ đụng độ có lúc bạo động tại thuộc địa cũ của Anh cuối tuần qua. Cảnh sát bắn hơi cay trong những vụ xô xát với người biểu tình, có người đập vỡ cửa sổ và nổi lửa trên đường phố.

“Việc các quốc hội nước ngoài can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Đặc khu hành chính Hong Kong dưới bất kỳ hình thức nào là điều hoàn toàn không phù hợp, và chúng tôi sẽ không cho phép Hoa Kỳ trở thành một bên có liên quan trong các vấn đề của Đặc khu Hong Kong.” bà Lam tuyên bố, và nhắc nhở về quy chế của Hong Kong là một đặc khu hành chính thuộc Trung Quốc.

Trong một cuộc biểu tình trước lãnh sự quán Mỹ hôm 8/9, hàng ngàn người biểu tình, một số người vẫy cờ Mỹ, kêu gọi sự giúp đỡ mang lại dân chủ cho Hong Kong.

Những người biểu tình kêu gọi Quốc hội Mỹ hãy thông qua luật yêu cầu Washington đưa ra đánh giá hàng năm về việc liệu Hong Kong có được tự trị đúng mức từ Trung Quốc đại lục hay không để có thể duy trì các lợi ích kinh tế và thương mại đặc biệt của Mỹ.

Hong Kong được trao trả lại cho Bắc Kinh vào năm 1997 dưới chính sách “một quốc gia, hai chế độ,” trong đó đảm bảo các quyền tự do mà người dân đại lục không được hưởng.

Nhưng nhiều người dân Hong Kong lo sợ Bắc Kinh đang dần làm sói mòn quyền tự trị đó.

Trung Quốc phủ nhận việc can thiệp vào thành phố này và các quan chức Trung Quốc tố cáo các lực lượng bên ngoài là tìm cách phương hại tới Bắc Kinh bằng cách tạo ra hỗn loạn ở Hong Kong. Họ cảnh báo các quốc gia bên ngoài chớ có can thiệp vào điều mà họ cho là một vấn đề nội bộ.

Các cuộc biểu tình ban đầu ôn hòa sau đã biến thành các cuộc đụng độ giữa cảnh sát chống bạo động của nhà cầm quyền với các nhà hoạt động, khiến nhiều bị thương và khoảng 1.300 người bị bắt giữ.

Các cuộc biểu tình đã gây thiệt hại cho nền kinh tế địa phương, đẩy Hong Kong đến bên bờ vực của một cuộc suy thoái đầu tiên trong một thập kỷ qua. Lượng khách du lịch tới Hong Kong đã giảm gần 40% trong tháng 8 so với một năm trước đó vì khách du lịch muốn tránh xa thành phố này.

Hôm 9/9, Trung Quốc bày tỏ sự tức giận sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas gặp nhà hoạt động nổi tiếng Hong Kong Joshua Wong, và nhắc lại rằng không một nước ngoài nào có quyền can thiệp vào nội tình của Trung Quốc.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis hôm 9/9 nói rằng các cuộc biểu tình chống chính phủ không phải là vấn đề nội bộ của Trung Quốc, và Mỹ ít nhất nên cung cấp sự hỗ trợ về mặt tinh thần cho những người biểu tình.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG