Đường dẫn truy cập

Lãnh đạo Campuchia hoan nghênh viện trợ 600 triệu USD của Trung Quốc


Thủ tướng Campuchia Hun Sen (trái) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Quốc Cường tại một buổi lễ ký kết ở Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 22/1.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen (trái) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Quốc Cường tại một buổi lễ ký kết ở Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 22/1.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen, hiện đang đi thăm Trung Quốc, hôm 22/1 nói rằng Bắc Kinh sẽ viện trợ cho nước ông gần 600 triệu USD trong khuôn khổ của một quỹ hỗ trợ 3 năm.

Ông Hun Sen thông báo về khoản viện trợ từ đồng minh chính trị và kinh tế quan trọng nhất của Campuchia trên một trang Facebook trước khi có bất cứ thông báo chính thức nào từ Bắc Kinh. Nhà lãnh đạo Campuchia nói Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người ông gặp hôm 21/1, đưa ra cam kết này.

Theo ông Hun Sen, hai nước cũng đồng ý tăng cường thương mại hai chiều lên 10 tỷ USD vào năm 2023 và ông Tập hứa mua 400.000 tấn gạo của Campuchia trong năm 2019 cũng như thúc giục các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Campuchia. Thương mại hai chiều giữa hai nước đạt 6 tỷ USD vào năm 2017.

Ông Hun Sen và ông Tập đồng ý tiếp tục mối quan hệ và sự hợp tác của họ trên mọi lĩnh vực. Theo ông Hun Sen, ông Tập “nói mối quan hệ giữa Trung Quốc và Campuchia rất là quan trọng, nếu so sánh với các nước khác.”

Hai bên đi đến các thỏa thuận trong bối cảnh các nước phương Tây đang đe dọa áp đặt các chế tài kinh tế lên Campuchia vì chính quyền của ông Hun Sen đàn áp các quyền dân chủ và tiến hành cuộc tổng bầu cử vào năm ngoái một cách không tự do và không công bằng. Liên minh châu Âu, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Campuchia, đang chuẩn bị rút lại quyền tiếp cận đặc biệt miễn thuế dành cho hầu hết các loại mặt hàng của Campuchia. EU quyết định hành động sau khi Đảng Nhân dân Campuchia của ông Hun Sen chiếm được toàn bộ 125 ghế trong cuộc bầu cử năm ngoái sau đảng đối lập có uy tín duy nhất bị giải tán theo quyết định của Tòa án Tối cao Campuchia.

Ông Hun Sen, người nắm quyền hơn 3 thập kỷ qua, phụ thuộc nặng nề vào tài trợ của phương Tây để giúp nước ông phục hồi sau nhiều năm chiến tranh và bất ổn, nhưng vẫn khăng khăng rằng các nguyên tắc dân chủ và dân quyền được tuân thủ. Việc tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đông Nam Á và việc nước này cung cấp một lượng lớn viện trợ và đầu tư cho Campuchia đã khiến cho ông Hun Sen coi nhẹ sự chỉ trích của phương Tây. Phần lớn cơ sở hạ tầng của Campuchia trong những năm gần đây đã được tài trợ bởi chính phủ và các công ty Trung Quốc. Trung Quốc cũng đồng ý xóa nợ và cấp cho Campuchia cơ chế miễn thuế đối với hàng trăm mặt hàng.

Đầu tư và công nhân Trung Quốc đã đổ vào Đông Nam Á như một phần của sáng kiến phát triển cơ sở hạ tầng “Vành đai và Con đường” của ông Tập. Đổi lại, Campuchia đã đứng về phía Bắc Kinh trong lĩnh vực ngoại giao tại khu vực, đặc biệt liên quan đến các yêu sách của Trung Quốc trên hầu hết Biển Đông.

Trung Quốc là đồng minh thân cận của Campuchia từ những năm 1970, khi nước này ủng hộ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ từ 1975 tới 1979 của nhà độc tài Pol Pot khiến gần 2 triệu người Campuchia bị sát hại.

Hun Sen, 66 tuổi, đã kết hợp giữa mưu mẹo và vũ trang mạnh mẽ để cai trị Campuchia. Ông đã tuyên bố trước cuộc bầu cử vào năm ngoái rằng ông dự định sẽ nắm quyền hai nhiệm kỳ nữa.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG