Đường dẫn truy cập

TT Nam Triều Tiên tỏ dấu hiệu thay đổi lập trường về miền Bắc


Tổng thống Nam Triều Tiên Lee Myung-bak nói rằng một chủ trương quân sự cứng rắn không thôi sẽ không xoa dịu được căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên
Tổng thống Nam Triều Tiên Lee Myung-bak nói rằng một chủ trương quân sự cứng rắn không thôi sẽ không xoa dịu được căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên

Tổng thống Nam Triều Tiên đang tỏ dấu cho thấy ông đang thay đổi lập trường về các cuộc đàm phán với Bắc Triều Tiên. Thông tín viên đài VOA Steve Herman từ Seoul gửi về bài tường trình chi tiết sau đây.

Ngày hôm nay, Tổng thống Nam Triều Tiên Lee Myung-bak đã bày tỏ ý muốn đối thoại với Bình Nhưỡng và nói rằng một chủ trương quân sự cứng rắn không thôi sẽ không xoa dịu được căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Ông Lee cũng nói rằng các cuộc đàm phán để giải giới chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên cần phải được khởi động lại trong năm mới.

Tổng thống Nam Triều Tiên nói rằng việc đạt được tiến bộ trong việc thuyết phục Bình Nhưỡng chấm dứt tham vọng hạt nhân vào năm tới trước khi họ đạt mục tiêu trở thành một quốc gia “thịnh vượng, mạnh mẽ và hùng cường” vào năm 2012, là điều vô cùng quan trọng.

Kể từ khi Bắc Triều Tiên pháo kích vào một hòn đảo của Nam Triều Tiên hồi tháng trước, các nhận định công khai của ông Lee đã tập trung vào việc ngăn chặn các vụ gây hấn trong tương lai bằng việc chuẩn bị sẵn sàng cho quân đội và kêu gọi đoàn kết quốc gia. Quân đội Nam Triều Tiên đã thực hiện hàng loạt các cuộc tập trận nhắm mục đích chứng tỏ quyết tâm của họ.

Ông Choi Jin-wook là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Hợp tác giữa Nam và Bắc Triều Tiên tại Viện Thống nhất Quốc gia ở Seoul.

Ông Choi nói: “Giờ là lúc chúng ta cần thảo luận về vấn đề hạt nhân tại các cuộc đàm phán 6 bên. Vì vậy tôi nghĩ rằng điều này phụ thuộc vào sự hợp tác chặt chẽ giữa Washington và Seoul cùng với Nhật Bản.”

Trung Quốc đã hối thúc các bên khẩn cấp nối lại các cuộc đàm phán đã bị ngưng trệ sau vụ pháo kích vào đảo Yeonpyeong. Tuy nhiên, Seoul, Tokyo và Washington đã tỏ ra vô cùng dè dặt, và nói rằng Bình Nhưỡng không nên được tưởng thưởng vì hành động gây chiến của họ.

Các cuộc hội đàm, trong đó có cả sự tham dự của Nga, nhằm buộc bình Nhưỡng chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân của nước họ để đổi lại các lợi ích về kinh tế và ngoại giao.

Các cuộc đàm phán bắt đầu từ năm 2003 và đổ vỡ vào năm 2008. Kể từ đó, Bắc Triều Tiên đã thực hiện các cuộc thử nghiệm hạt nhân và phi đạn. Trước đó trong năm nay, Bắc Triều Tiên đã bị qui trách nhiệm cho một vụ tấn công bằng ngư lôi vào một tàu hải quân Nam Triều Tiên ở Hoàng Hải. Bình Nhưỡng đã bác bỏ mọi can dự vào vụ việc này.

Căng thẳng đã càng leo thang vì vụ pháo kích ở đảo Yeonpyeong, đã làm 4 người Nam Triều Tiên thiệt mạng. Bình Nhưỡng nói rằng họ bị Nam Triều Tiên khiêu khích bằng một cuộc tập trận bắn đạn thật vào vùng biển gần biên giới trên biển mà miền Bắc không công nhận.

Nhiều phân tích gia khu vực nói rằng miền Bắc nghèo khó đang bước vào một giai đoạn vô cùng quan trọng trước năm 2012, là năm kỷ niệm 100 năm ngày sinh lãnh tụ đầu tiên của nước này, ông Kim Il Sung. Con trai của ông Sung, ông Kim Jong Il, hiện đang cầm quyền, và cháu trai của ông dự kiến sẽ là nhân vật thứ ba trong gia đình này sẽ lên nắm quyền.

Cháu trai của ông Kim Il Sung, Kim Jong Un, đã được bổ nhiệm làm một vị tướng lĩnh quân đội, mặc dù không hề có kinh nghiệm quân sự. Một số chuyên gia về Bắc Triều Tiên cho rằng có thể Kim Jong Un tìm cách đánh bóng tên tuổi của mình trong nước với các vụ tấn công miền Nam, giống như người cha đã từng làm cách đây 3 thập niên.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG