Đường dẫn truy cập

Khủng hoảng ở Thổ Nhĩ Kỳ làm lu mờ chuyến đi Châu Âu của ông Erdogan


Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Chuyến đi Brussels của Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan được mô tả là một bước quan trọng để Thổ Nhĩ Kỳ tiến tới mục tiêu gia nhập Liên hiệp Châu Âu. Nhưng chuyến đi này đang bị lu mờ bởi một vụ khủng hoảng chính trị ngày càng nghiêm trọng, phát sinh từ cuộc điều tra tham nhũng kéo dài cả tháng nay mà ông Erdogan mô tả là một cuộc đảo chánh tư pháp được nước ngoài hậu thuẫn. Các công tố viên đã bắt giữ mấy mươi đồng minh của ông Erdogan và truy tố 20 người về tội rửa tiền, nhận hối lộ và vi phạm các luật lệ vềqui hoạch đất đai. Từ Istanbul, thông tín viên Dorian Jones của đài VOA gởi về bài tường thuật chi tiết sau đây.

Chuyến viếng thăm đầu tiên trong vòng 5 năm của ông Erdogan tới thủ đô của Liên hiệp Châu Âu vốn có mục đích đưa ra những tín hiệu về một đà tiến mới trong các mối quan hệ sau khi Liên hiệp Châu Âu hồi tháng 11 đồng ý thực hiện lại cuộc đàm phán về vấn đề gia nhập sau 3 năm bị ngưng trệ.

Nhưng nhà bình luận Kadri Gursel của tờ Milliyet ở Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo rằng ông Erdogan có thể đối mặt với một chuyến công du có nhiều khó khăn sau khi ông thực hiện điều mà nhiều người gọi là một vụ thanh trừng trong hàng ngũ cảnh sát và ngành tư pháp.

"Ông ấy tới đó như một vị thủ tướng mà tính chính đáng đã bị sứt mẻ. Ông ấy đang bị mọi người chăm chú theo dõi từng li từng tí. Ông ấy đang bị chỉ trích dữ dội vì vụ can thiệp vào ngành tư pháp. Có một sự quan tâm rất lớn vì Thổ Nhĩ Kỳ đang mất đi tính chất của một nhà nước pháp trị."

Theo lịch trình đã được ấn định, ông Erdogan sẽ họp với các thành viên cấp cao của Ủy hội Châu Âu và Nghị viện Châu Âu. Ủy hội Châu Âu đã bày tỏ sự lo ngại là những đề nghị cải cách pháp lý của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ có thể đe dọa tới nguyên tắc tam quyền phân lập, một đòi hỏi chủ yếu để gia nhập Liên hiệp Châu Âu. Ông Erdogan đã bác bỏ mối quan tâm đó.

"Không ai có quyền đưa ra một thông cáo về quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ về cải cách tư pháp. Tôi xin lỗi quí vị, nhưng tôi không chấp nhận những thông cáo như vậy. Chúng tôi là những người biết đọc biết viết."

Nhà khoa học chính trị của Diễn đàn Chính sách Istanbul, ông Cengiz Aktar, nói rằng phản ứng của ông Erdogan đối với sự chỉ trích của Liên hiệp Châu Âu có thể ảnh hưởng tới những mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Liên hiệp Châu Âu trong tương lai.

"Sự nồng ấm trở lại của các mối quan hệ trong năm ngoái đã chấm dứt một cách đột ngột trong ngày hôm nay. Quả banh bây giờ đang ở trên sân của ông thủ tướng. Ông ấy sẽ quyết định có nhượng bộ hay không, hay là ông ấy vẫn cứ làm tới. Nếu cứ làm tới thì sẽ có một vụ khủng hoảng nghiêm trọng với Liên hiệp Châu Âu, vì điều đó có nghĩa là Thổ Nhĩ Kỳ đang tụt hậu chứ không còn tiến bộ nữa."

Các nhà quan sát cho rằng vì sự ủng hộ của công chúng ở Thổ Nhĩ Kỳ đối với mục tiêu gia nhập Liên hiệp Châu Âu đang ở mức thấp kỷ lục, cho nên một vụ đối đầu với Brussels có thể làm nức lòng những người ủng hộ ông Erdogan. Đây là một yếu tố quan trọng cần phải suy xét vì những cuộc bầu cử cấp địa phương sẽ diễn ra vào tháng 3 và tiếp theo đó là cuộc bầu cử tổng thống vào mùa hè năm nay và bầu cử quốc hội vào năm tới.

Nhưng nhà bình luận Gursel cảnh báo rằng ông Erdogan sẽ phải trả một cái giá rất đắt nếu xảy ra một vụ đối đầu với Liên hiệp Châu Âu.

"Nếu ông thủ tướng lợi dụng sự bài xích Liên hiệp Châu Âu để làm hài lòng những người ủng hộ ông thì điều đó chắc chắn sẽ làm cho hình ảnh và sự chính danh của Thổ Nhĩ Kỳ bị hủy hoại hoàn toàn. Và điều đó sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế của đất nước. Thổ Nhĩ Kỳ phải ổn định, phải có thể tiên đoán được."

Vụ bất ổn chính trị hiện nay đã gây thiệt hại nặng nề cho các thị trường tài chánh của Thổ Nhĩ Kỳ, với tỉ giá của đồng lira xuống thấp tới mức kỷ lục. Các nhà quan sát cảnh báo rằng một vụ khủng hoảng ngoại giao với Liên hiệp Châu Âu sẽ làm mất tin tưởng của các nhà đầu tư quốc tế đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG