Đường dẫn truy cập

Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ suy yếu tạo điều kiện cho vụ tai tiếng tham nhũng


Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đọc diễn văn trước đại biểu quốc hội, 14/1/14
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đọc diễn văn trước đại biểu quốc hội, 14/1/14
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đang chống chọi với các cáo buộc tham nhũng trong bối cảnh một cuộc tranh giành quyền lực đánh thẳng vào trung tâm điểm của tầng lớp chính trị ở cấp cao nhất. Các nhà phân tích cho rằng sự hiềm thù, đã khiến ba bộ trưởng nội các mất chức, đã bị châm ngòi bởi tình trạng suy thoái trong một quốc gia lâu nay vẫn được coi như một cường quốc kinh tế đang trỗi dậy trong khu vực.

Các nhà lập pháp kình chống nhau bắt đầu một cuộc ẩu đả tại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ vào hôm Chủ Nhật khi mối hiềm thù chính trị đang gia tăng.

Họ cãi cọ với nhau về một dự thảo luật cho phép chính phủ có một vai trò lớn hơn trong việc bổ nhiệm các thẩm phán và các công tố viên. Phe đối lập nói đây là một nỗ lực nhằm ém nhẹm một vụ bê bối tham nhũng.

Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan đã gán cho các cáo buộc tham nhũng là một mưu toan “đảo chánh tư pháp” và đổ lỗi cho các thế lực nước ngoài.

Phát biểu vào tháng trước, ông nói rằng cuộc tuyên truyền chống chính phủ đã được phát động. Có một băng đảng, một phe phái âm mưu chống lại chính quyền.

Hơn 10.000 người biểu tình chống tham nhũng đã xuống đường ở Ankara vào tuần rồi.

Ông Gul Berna Ozcan của trường đại học Hoàng gia Holloway ở London nói các cáo buộc nhắm tới cả những doanh nhân và chính trị gia hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Ozcan nói: “Tham nhũng đã thực sự gia tăng khi nền kinh tế mạnh hơn và thịnh vượng hơn. Phần quan trọng nhất của chỉ số tham nhũng nhà nước hiện nay có thể nói liên quan đến các vụ đấu thầu của chính phủ, các dịch vụ đô thị, quy hoạch đất, quy hoạch đô thị và tư nhân, đặc biệt là các tài sản sở hữu nhà nước trước đây”.

Vụ bê bối đã khiến cho ba bộ trưởng nội các phải từ chức. Nhiều chỉ huy cảnh sát và 350 nhân viên cảnh sát đã bị sa thải. Hàng chục người đã bị bắt.

Các nhà quan sát nói cuộc thanh trừng đang nhắm vào những người theo phong trào bảo thủ rất mạnh được biết dưới cái tên Hizmet, do một học giả Hồi giáo tại Hoa Kỳ - ông Gethullah Gulen - sáng lập.

Ông Gul Berna Ozcan nói:

“Phong trào Gulen, một hình thức của cương lĩnh đoàn kết, cũng là một phần của việc tái phân bổ kinh tế. Việc tái phân bổ thông qua tư nhân hóa, sắp xếp bất động sản đô thị… Và có thể họ đã ngày càng bị đẩy ra khỏi các tài sản lớn này”.

Mức tăng trưởng kinh tế trung bình 5,2% một năm trong suốt thập niên qua đã giúp cho Thủ tướng Erdogan chiến thắng cả 3 nhiệm kỳ. Nhưng kể từ năm 2011, sự tăng trưởng này đã bắt đầu chững lại. Ông Fadi Hakura, một nhà phân tích người Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện chính sách Chatham House nhận xét:

“Bây giờ chiếc bánh đang bị thu nhỏ lại, nhưng mỗi bên đều muốn có một phần lớn hơn của chiếc bánh bị thu nhỏ ấy, và điều này gây ra phần lớn sự hiềm thù và bất đồng giữa các thế lực bảo thủ của Thổ Nhĩ Kỳ”.

Ông Hakura nói Thổ Nhĩ Kỳ đã bị kẹt vào cái mà các nhà kinh tế gọi là bẫy thu nhập trung bình:

“Ðiều quan trọng là tăng năng suất, chất lượng nguồn nhân lực, các cơ chế nhà nước vững mạnh, tính minh bạch và pháp trị. Thổ Nhĩ Kỳ đang thiếu trầm trọng tất cả các tiêu chuẩn vừa kể”.

Các cáo cuộc tham nhũng gần đây nhất dự báo sẽ gây thêm khó khăn kinh tế. Ông Gul Berna Ozcan nói:

“Pháp trị chắc chắn đang lâm nguy nghiêm trọng. Không ai muốn đầu tư vào một đất nước mà nền tư pháp bị chính quyền kiểm soát”.

Thủ tướng Erdogan tuyên bố các cáo buộc là sai sự thật và nhắm mục đích gây trở ngại cho cố gắng ra tái tranh cử tổng thống của ông trong kỳ bầu cử được ấn định vào tháng Chín.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG