Đường dẫn truy cập

Phiên tòa xử Khmer Đỏ khơi lại vết thương cũ


Những người sống sót của chế độ Khmer Đỏ Chum Mey (trái) và Bou Meng cầu nguyện tại địa điểm 'Cánh đồng chết' ở ngoại ô Phnom Penh, ngày 25/6/2011
Những người sống sót của chế độ Khmer Đỏ Chum Mey (trái) và Bou Meng cầu nguyện tại địa điểm 'Cánh đồng chết' ở ngoại ô Phnom Penh, ngày 25/6/2011

Phiên tòa được Liên Hiệp Quốc hỗ trợ, xét xử các cựu thủ lãnh Khmer Đỏ ở Campuchia nhắm mục đích đem lại một mức độ công lý nào đó sau mấy chục năm không bị trừng phạt vì những tội ác gây ra trong cuộc cách mạng đẫm máu. Đối với các nạn nhân, phiên tòa này khơi lại những vết thương đau đớn, nhưng cũng đem lại niềm hy vọng hàn gắn. Từ Phnom Penh, thông tín viên VOA Daniel Schearf ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Kup Aishah là một người Hồi giáo gốc Cham, đang giở các trang in chữ lớn của cuốn Kinh Koran.

Đầu chùm chiếc khăn truyền thống mầu xanh nước biển xậm, bà nhớ lại chuyện bà đã có cuốn kinh này như thế nào kể từ lúc 12 tuổi.

Trong thời kỳ cai trị đẫm máu của Khmer Đỏ hồi thập niên 1970, khi tôn giáo bị cấm chỉ, bà đã bọc cuốn kinh bằng plastic, đào một cái hố trong sân nhà và dấu đi.

Kup Aishah cho biết bà đã bị nhắm làm mục tiêu vì niềm tin của bà và bị buộc phải ăn thịt chó và thịt heo. Bà chỉ dám đào cuốn kinh Koran lên sau khi chế độ Khmer Đỏ cáo chung.

Bà cho biết bà cảm thấy rất khó khăn khi phải nói về những phần tử cộng sản cực đoan bởi vì trong khi say sưa theo đuổi việc thiết lập một chế độ nông dân không tưởng, họ đã giết hại gần hết gia đình bà.

Bà hỏi rằng nếu gia đình của các thủ lãnh Khmer Đỏ kia bị giết hại thì họ có đau khổ hay không. Chẳng lẽ họ không có gia đình?

Bà Kup Aishah đang dự phiên tòa tại Phnom Penh đã được chờ đợi lâu nay, xét xử tội ác chiến tranh 4 cựu thủ lãnh Khmer Đỏ cấp cao đã đề ra các chính sách mà bà, cũng như nhiều người khác, cho là đã chỉ huy việc sát hại tới 2 triệu người dân Campuchia.

Các thủ lãnh đó là Khieu Samphan, lúc đó là quốc trưởng, Ieng Sary, vợ ông ta làm Bộ trưởng Ngoại giao, Ieng Thirith, nguyên bộ trưởng bộ Xã hội, và Nuon Chea, còn có biệt danh là “anh Hai” vì vị trí chỉ huy đứng hàng thứ nhì sau thủ lãnh Khmer Đỏ Pol Pot.

Các bị can này nói họ vô tội đối với tất cả các cáo trạng và chính Thủ tướng Hun Sen, cũng là một cựu thành viên của Khmer Đỏ, đã nói rằng phiên tòa này là phiên xử lần thứ nhì, cũng nên là phiên tòa cuối cùng.

Ông Seng Theary là chủ tịch Hội các Nạn nhân Khmer Đỏ tại Campuchia. Bên ngoài tòa án hôm qua, ông Seng nói tòa án được Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn – qua việc không muốn xử thêm các vụ mới nữa – đang khuất phục trước áp lực của chính phủ Campuchia.

Ông Theary nói: “Đây mới thực là điều ghê tởm không thể chấp nhận được. Liên Hiệp Quốc đã vi phạm một cách cơ bản chính các nguyên tắc về tiêu chuẩn quốc tế của tổ chức, nguyên tắc về sự độc lập của ngành tư pháp. Chúng tôi không trông đợi nhiều vào các giới chức Campuchia, nhưng trông đợi nhiều hơn vào Liên Hiệp Quốc.”

Nhiều nhân viên người nước ngoài tại tòa án hồi tháng 6 đã từ nhiệm vì vụ xung đột này. Các giới chức tòa án không nhận là đã có sự can thiệp chính trị.

Vào ngày đầu của phiên tòa hôm qua, hàng trăm người đã xếp hàng để theo dõi các diễn tiến, trong đó có bà Kup Aishah.

Cho dù có thêm thủ lãnh nào bị đưa ra tòa nữa hay không thì rõ ràng là hàng ngàn thành viên Khmer Đỏ cấp thấp hơn chịu trách nhiệm về những vụ sát hại cũng sẽ không bao giờ bị đưa ra xét xử.

Nhưng giới chỉ trích đồng ý rằng nhìn thấy bất kỳ thủ lãnh Khmer Đỏ nào ở tòa sau nhiều năm như thế cũng vẫn là một bước tiến trong việc giúp hàn gắn các nạn nhân.

Đối với bà Kup Aishah, bà nói rằng sẽ chỉ có công lý nếu các bị can này bị xét là có tội và sống nốt quãng đời còn lại trong tù.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG