Đường dẫn truy cập

Khí hậu biến đổi 'có thực, và do con người gây ra'


Khói bốc lên từ nhà máy trong tỉnh Chonburi của Thái Lan
Khói bốc lên từ nhà máy trong tỉnh Chonburi của Thái Lan
2013 nằm trong số những năm nóng nhất từ trước đến giờ, Thông tín viên VOA Roseanne Skirble tường thuật rằng nguyên do là mức tích tụ các loại khí có hiệu ứng nhà kính được ghi nhận là cao nhất.

2013 là một năm nữa của hiện tượng khí hậu nguy hiểm. Năm bắt đầu bằng nhiệt độ nóng sôi sục ở Australia. Chuyên viên về khí hậu Joel Lisonbee của đài khí tượng ở Alice Spings, Australia cho biết:

“Phi trường Alice Springs đã chứng kiến những ngày liên tục trên 42 độ bách phân nhiều hơn so với mọi thời điểm trong năm. Tính đến nay, kể cả ngày hôm nay, chúng ta đã có 9 ngày liên tiếp.”

Năm được đánh dấu trên khắp thế giới bằng những vụ cháy rừng và lụt lội khủng khiếp, nạn hạn hán liên tục và một trong những trận bão lớn nhất từ trước tới giờ ở Philippin, gây thiệt mạng cho 6.000 người và khiến hơn 4 triệu người mất hết nhà cửa.

Trong khi nghiên cứu cho thấy một bầu không khí ấm nóng hơn khiến cho thời tiết tệ hại hơn, ông Richard Kerr, một cây viết kỳ cựu cho Tạp chí Khoa học, nói không có sự kiện thời tiết nào có thể liên kết với tình trạng biến đổi khí hậu:

“Ngoài những đợt nóng và độ mưa lớn, các trận mưa lớn, các cơn bão tuyết, các nhà khoa học đang thận trọng hơn về việc tìm ra mối liên hệ giữa những cơn bão hay những cơn lốc xoáy với tình trạng tăng nhiệt toàn cầu.”

Nhưng các nhà khoa học hàng đầu đã nói một cách dứt khoát trong bản phúc trình đánh giá hồi tháng 9 của Hội đồng Liên chính về Biến đổi Khí hậu, còn gọi tắt là IPCC. Trong bản phúc trình này, họ khẳng định với sự đồng thanh tin tưởng rằng tăng nhiệt toàn cầu là có thực và lỗi chủ yếu là do con người gây ra.

Bản phúc trình nêu ra một sự chậm lại trong tốc độ tăng nhiệt, một lập luận mà những người phủ nhận biến đổi khí hậu thường sử dụng để hỗ trợ cho khẳng định rằng nhiệt độ toàn cầu cao hơn là một phần trong sự dao động khí hậu tự nhiên.

Nhưng ông Kerr nói phúc trình IPCC kết luận rằng nhiệt độ thặng dư đang ngấm vào đại dương sâu chứ không phải vào bầu khí quyển:

“Có một kết luận vững chắc không phải là đặc biệt bất thường, và nó không có nghĩa là không còn tình trạng tăng nhiệt toàn cầu nữa .. và không có dấu hiệu trong đại dương cho thấy sự tăng nhiệt đã chậm lại.”

Thông báo kết quả của hội đồng tại Stockholm, Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới Michel Jarraud nhấn mạnh đến mối đe dọa đó:

“Nó có tác dụng như một lời cảnh tỉnh khác rằng các sinh hoạt của chúng ta ngày nay sẽ có ảnh hưởng sâu xa đến xã hội, không những đối với chúng ta, và đối với nhiều thế hệ sau này nữa.”

Lời cảnh tỉnh đó được đưa ra ngay trước khi diễn ra các cuộc đàm phán thường niên của Liên Hiệp Quốc tại Vacshava, nơi các đại biểu của 192 quốc gia họp để đặt ra nền tảng cho một hiệp ước mới về khí hậu để thay thế hiệp ước đã hết hạn vào năm 2012.

Chuyên gia về chính sách của Trung tâm Giải pháp Khí hậu và Năng lượng Elliot Diringer nói tuy không có tác dụng bao nhiêu trong việc khai triển một kế hoạch nhằm giảm thiểu việc thải khí toàn cầu, cuộc họp ở Vacshava đêm lại một gợi ý về nội dung của một hiệp ước mới sẽ ra sao.

Ông coi thỏa thuận này là một thỏa thuận kết hợp bởi chính trị trong nước nhiều hơn là bởi các quyết định được thực hiện qua các cuộc thương nghị trên sân khấu toàn cầu. Ông nói:

“Thay vì thế, lần này các nước sẽ định ra các con số riêng của mình. Và tôi nghĩ đây là một sự thừa nhận quan trọng rằng trên thực tế nỗ lực cần phải phát xuất từ dưới lên, rằng thỏa thuận phải phản ánh ý chí chính trị nẩy sinh ở cấp bậc quốc gia, cũng như các chính sách đang hình thành ở cấp bậc quốc gia.”

Ông Diringer nêu ra một số dấu hiệu tích cực: các nỗ lực trao đổi khí thải ở Trung Quốc, luật mới về khí hậu ở Mexico và Kế hoạch Hành động về Khí hậu của Hoa Kỳ do Tổng thống Obama loan báo hồi tháng 6.

Ông Diringer ca ngợi các hành động này là một hiệp ước toàn cầu đang hình thành:

“Chắc chắn các quốc gia, các thành phố, các tiểu bang không cần phải chờ đợi thỏa thuận quốc tế, mà không nên chờ đợi thỏa thuận này. Tôi nghĩ thay vì thế, các nỗ lực của họ cần phải được quy tụ lại và hòa nhập vào thỏa thuận quốc tế và chỉ khi chúng ta nhìn thấy tiến bộ ở cấp độ địa phương và quốc gia thì chúng ta mới có thể đi đến một thoả thuận quốc tế vững mạnh.”

Ông Diringer nói thêm rằng giải pháp cho tình trạng biến đổi khí hậu phải phát xuất từ mọi cấp bậc chính phủ, công chúng và các khu vực tư nhân và từng người một trong chúng ta trong tư cách là các cá nhân.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG