Đường dẫn truy cập

Khảo sát: IS không được ủng hộ trong thế giới Hồi giáo


Người phụ nữ Hồi giáo thả chim bồ câu - biểu tượng hòa bình - trong cuộc tuần hành chống IS ở Jakarta, Indonesia, ngày 5/9/2014.
Người phụ nữ Hồi giáo thả chim bồ câu - biểu tượng hòa bình - trong cuộc tuần hành chống IS ở Jakarta, Indonesia, ngày 5/9/2014.

Đa số người Hồi giáo dường như có những quan điểm hết sức tiêu cực về Nhà nước Hồi giáo, theo kết quả một cuộc khảo sát mới đây.

Cuộc khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện tại 11 quốc gia nơi có dân số theo Hồi giáo đáng kể, kể cả nhiều nước Trung Đông và châu Phi.

Trong bản tóm lược kết quả cuộc khảo sát được thực hiện vào mùa Xuân, Trung tâm Pew nói: "Trong tất cả các quốc gia được khảo sát, không một nước nào đạt tỷ lệ cao hơn 15% người có thiện cảm đối với Nhà nước Hồi giáo".

Vẫn theo Pew, trong một nhóm nước đa dạng, bao gồm Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Nigeria, Burkina Faso, Malaysia và Senegal, "cứ 10 người thì có 6 người hoặc nhiều hơn, có ý kiến không tán thành Nhà nước Hồi giáo”.

Tại Li-băng, một nước giáp ranh với Syria - là cứ địa của IS - 100% những người được khảo sát bày tỏ ý kiến không tán thành các nhóm chiến binh, trong đó có 99% có ý kiến “rất chống đối”.

Trong thành phần người Palestine, các số liệu cho thấy là Nhà nước Hồi giáo không tạo được bao nhiêu tiếng vang.

"97% người Israel và 94% người Jordani cực lực chống đối IS... kể cả 91% người gốc Ả Rập ở Israel", Pew cho biết trong một thông báo. "Và 84% tại các vùng lãnh thổ Palestine có cái nhìn tiêu cực về Nhà nước Hồi giáo, cả ở Dải Gaza (92%) lẫn vùng Bờ Tây (79%)".

Ảnh chiến binh IS được nhóm Nhà nước Hồi giáo đăng tải ngày 27/4/2014.
Ảnh chiến binh IS được nhóm Nhà nước Hồi giáo đăng tải ngày 27/4/2014.

Tại các quốc gia nằm xa các cứ địa của Nhà nước Hồi giáo, các con số khảo sát cho thấy phản ứng ít rõ rệt hơn.

Tại Nigeria, thái độ đối với IS có những khác biệt lớn do yếu tố "tôn giáo". 71% Kitô hữu Nigeria có quan điểm không tán thành IS, trong khi 61% tín đồ Hồi giáo bày tỏ ý kiến không tán thành.

Tại Malaysia, 67% người Hồi giáo có ý kiến khong tán đồng Nhà nước Hồi giáo, cũng như 65% Phật tử Malaysia.

Pakistan là nước có các số liệu không tán thành thấp nhất, 28% có ý kiến không tán đồng IS trong khi 62% không có ý kiến rõ ràng.

Kể từ sau các cuộc tấn công Paris, nhiều nhà lãnh đạo Hồi giáo và học giả đã công khai tái khẳng định rằng IS là không phải là Hồi giáo.

Trong một thông điệp chia buồn gửi đến nạn nhân của các cuộc tấn công do IS thực hiện ở Paris, ông Nihad Awad, giám đốc điều hành của Hội đồng về Quan hệ Mỹ - Hồi giáo nhận định: “Nhà nước Hồi giáo không phải là Hồi giáo, không phải là một nhà nước, họ đi ngược lại với những giá trị Hồi giáo... họ là những kẻ sát nhân tàn bạo, không có tính chính đáng".

Liên minh quốc tế các học giả Hồi giáo Qatar tuyên bố trong một thông báo: "Liên minh cực lực lên án các vụ tấn công ở Paris và coi đó là một tội ác, liên minh khẳng định những hành vi xấu xa đó không được chấp nhận bởi tôn giáo, đạo đức hay lương tâm".

Khoảng 50 học giả về tôn giáo ở Pakistan bác bỏ triết lý Nhà nước Hồi giáo bằng cách công bố một sắc lệnh tôn giáo và mô tả các cuộc tấn công ở Paris là Haram - tức là bất hợp pháp theo luật Hồi giáo.

Ông Zafar Iqbal , một học giả Hồi giáo tại Chicago, nói với VOA rằng tất cả 52 quốc gia Hồi giáo phải tiến lên để đóng một vai trò tích cực chống nhóm Nhà nước Hồi giáo.

Tổ chức Hợp tác Hồi giáo cũng kêu gọi các chính phủ và tổ chức quốc tế hãy "sát cánh và tham gia một hành động chung cụ thể để chống lại tai họa khủng bố đã trở thành kẻ thù chung của nhân loại".

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG