Đường dẫn truy cập

Kenya: Thai phụ trở lại với phương pháp sanh con nhờ cô mụ


Cô mụ Mama Atoti mát-xa bụng cho một thai phụ bằng Arimis, một loại dầu phổ biến được các nông dân bôi vào tay trước khi vắt sữa bò, ngày 18 tháng 6 năm 2016.
Cô mụ Mama Atoti mát-xa bụng cho một thai phụ bằng Arimis, một loại dầu phổ biến được các nông dân bôi vào tay trước khi vắt sữa bò, ngày 18 tháng 6 năm 2016.

Chính phủ Kenya áp dụng quy định chăm sóc y tế miễn phí cho sản phụ từ năm 2013. Mục đích của chính sách này là bảo toàn mạng sống của thai phụ bằng cách khuyến khích các bà mẹ sinh con trong bệnh viện. Tuy nhiên, một số bà mẹ cho biết không hài lòng với chất lượng chăm sóc y tế miễn phí tại bệnh viện và họ trở lại với phương thức trước kia là tìm tới các cô mụ đỡ đẻ.

Theo bộ Y tế Kenya, vào năm 2013, nước này có tỷ lệ tử vong nơi thai phụ cao nhất thế giới, cứ 100 ngàn ca sinh nở thì có tới 488 bà mẹ tử vong.

Những nguyên nhân thường gặp nhất tại Kenya là huyết áp cao và xuất huyết. Chăm sóc sức khỏe trước khi sanh và sanh con tại những cơ sở y tế được trang bị đầy đủ là điều trọng yếu để đảo ngược chiều hướng này.

Cho nên, Kenya cung cấp chăm sóc sức khỏe tiền sản miễn phí và sinh con miễn phí tại các bệnh viện công trên toàn quốc.

Bà Jacinta Omoro có 3 đứa con. Bà nói bà suýt chết khi sanh đứa thứ hai tại nhà riêng trong khu ổ chuột Kinera, thủ đô Nairobi.

Bà Omoro chia sẻ:

“Khi sanh đứa con đầu, tôi đến một cô mụ. Mọi chuyện tốt đẹp. Đứa thứ hai, tôi cũng đến cô mụ đó. Tôi sanh được nhưng bị xuất huyết nhiều. Tới đứa thứ ba, tôi quyết định đến bệnh viện và các dưỡng đường. Khi đến bệnh viện, tôi thấy có sự khác biệt rất lớn. Tôi thành thật nghĩ rằng sanh tại bệnh viện là an toàn nhất.”

Tuy nhiên không phải bà mẹ nào cũng có cùng trải nghiệm như thế.

Trong số 4 phụ nữ hiện diện tại một ngôi nhà ở Kibera có Mama Atoti, một cô mụ trong vùng. Bà đã đỡ đẻ cho 3 người kia, nhưng đó là chuyện trước năm 2013.

Hiện nay, bà Benta Amolo lại mang thai lần nữa và trở lại đây.

Bà Amolo nói với bà Atoti là bác sĩ gởi bà đi scan để xác định vị trí thai nhi và bà lo lắng vì bà sắp tới ngày sanh.

Hai người phụ nữ còn lại gật gù tán đồng và chia sẻ chuyện của họ. Một bà nói bà đã sanh an toàn tại một bệnh viện vào năm 2014, nhưng các bác sĩ tại đây làm bà sợ hãi.

Bà Benta Amolo nói bác sĩ bảo bà lần này chuẩn bị tinh thần sanh mổ vì thai nhi nằm ngược, cho nên bà đến nhờ cô mụ Mama Atoti.

Gian phòng im lặng khi bà Atoti yêu cầu bà Amolo nằm xuống giường.

Sau đó bà Atoti đặt tay trên bụng bà Amolo để đẩy thai nhi quay đầu xuống, gọi là phương pháp xoay thai ECV.

Phương pháp này được xem là nguy hiểm. Tại một số quốc gia, phương pháp này chỉ được thực hiện trong bệnh viện và bác sĩ phải theo dõi thai nhi phòng trường hợp dây rốn bị xoắn có thể làm nguy hại đến thai nhi tức thì.

Bác sĩ tại Kenya không thực hiện phương pháp này. Khi thai nhi nằm ngược, họ lên lịch cho bà mẹ sinh mổ, nghĩa là phẫu thuật lấy thai nhi ra khỏi bụng mẹ khi tròn ngày sanh, vì họ cho rằng phương pháp này an toàn hơn.

Bác sĩ sản khoa Andrew Toro nói ông biết một số phụ nữ cảm thấy thoải mái hơn khi sanh với các cô mụ.

Ông cho biết:

“Một số người đến bệnh viện có lẽ gặp phải những y bác sĩ cau có hoặc vì không hiểu nhau hoặc vì mệt mỏi về thể chất hay tinh thần, cho nên chúng tôi cũng đang nỗ lực huấn luyện các nhân viên của mình phải dịu dàng và lịch sự vì đôi khi y bác sĩ có thể làm cho bệnh viện mang tiếng xấu vì chăm sóc sức khỏe không tốt bởi quan hệ nhân sự yếu kém.”

Bộ Y tế Kenya cho biết từ khi áp dụng chăm sóc y tế miễn phí cho thai phụ vào năm 2013, các bệnh viện công báo cáo số ca sanh nở tại bệnh viện tăng 50%.

Câu hỏi đặt ra là các bệnh viện công có sẵn sàng đáp ứng với tỷ lệ tăng đó hay chưa?

Phúc trình chiến lược 4 năm của Bộ Y tế công bố năm 2014 cho thấy câu trả lời là chưa. Phúc trình nêu lên sự cấp thiết phải cung ứng đủ y bác sĩ tại các bệnh viện công trước năm 2030.

Các phụ nữ tới cô mụ Mama Atoti nói họ thích lối chăm sóc của bà. Bà Atoti cho biết đã hành nghề 36 năm và đã đỡ đẻ cho hơn 3.000 trẻ.

Bà Atoti nói các cô mụ vỗ về và chăm sóc thai phụ trong và sau khi sanh, giúp phụ nữ sanh con bằng cả thiên chức của họ. Bà nói đó là lý do các thai phụ lại tìm đến bà trong những lần mang thai tiếp theo.

Tuy nhiên cũng có những tình huống khẩn cấp. Bà đã gặp phải những trường hợp thai phụ được đưa tới giữa đêm bị xuất huyết trầm trọng, và bà phải chuyển họ tới ngay bệnh viện gần đó.

Bà cũng chuyển các thai phụ bị nhiễm HIV đến bệnh viện để sanh con, nhưng bà thừa nhận rằng không phải ai cũng tiết lộ tình trạng sức khỏe của mình và đó là một rủi ro thường gặp.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG