Đường dẫn truy cập

Kế hoạch di tản phiến quân Nhà nước Hồi Giáo bị đình chỉ


Kế hoạch di tản bị trì hoãn sau khi ông Zahran Alloush (giữa) bị giết hôm qua.
Kế hoạch di tản bị trì hoãn sau khi ông Zahran Alloush (giữa) bị giết hôm qua.

Các quan sát viên và các nguồn tin an ninh cho biết một kế hoạch do Liên Hiệp Quốc làm trung gian để di tản hàng ngàn chiến binh thánh chiến bị vây hãm gần thủ đô Syria đã bị hoãn lại, tiếp sau vụ hạ sát vào ngày thứ Sáu một lãnh tụ phiến quân chống chính phủ, người đảm bảo một cuộc di chuyển an toàn cho các phần tử hiếu chiến.

Việc di tản khoảng 4.000 phần tử cực đoan Nhà nước Hồi Giáo và gia đình từ phía nam Damacus dự trù diễn ra vào sáng ngày thứ Bảy. Tuy nhiên tổ chức Đài Quan sát Nhân quyền Syria có trụ sở tại Anh nói thỏa thuận này bị hoãn lại chỉ vài giờ sau khi lãnh tụ phiến quân Zahran Alloush bị giết trong một cuộc không kích vào ngày thứ Sáu gần Damacus.

Các quan sát viên nói ông Alloush chuẩn bị đảm bảo cho các phần tử cực đoan được di chuyển an toàn từ Damacus đến thành phố Raqqa, một cứ địa của Nhà nước Hồi Giáo, trong khuôn khổ một kế hoạch của Liên Hiệp Quốc nhằm chấm dứt 5 năm nội chiến tàn phá Syria.

Thúc đẩy hòa bình của Liên Hiệp Quốc được mở rộng

Ngày thứ Bảy chi tiết về cái chết của ông Alloush vẫn chưa rõ rệt dù có tin tức là các lực lượng quân sự của chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad đã giết ông Alloush trong một cuộc không kích.

Thỏa thuận di tản là thỏa thuận đầu tiên giữa chính phủ Assad và Nhà nước Hồi Giáo, và cuối ngày thứ Bảy vẫn chưa rõ việc di tản có được tiến hành sau này hay không.

Liên Hiệp Quốc chưa đưa ra bình luận về sự kiện mới đây. Tuy nhiên các nhà thương thuyết Liên Hiệp Quốc và các chính phủ nước ngoài trong những tháng gần đây đã gia tăng các nỗ lực làm trung gian một loạt các cuộc ngưng bắn địa phương và những thỏa thuận di chuyển an toàn để ngưng các cuộc giao tranh.

Hơn 250.000 đã thiệt mạng trong cuộc xung đột và hơn 4 triệu người khác đã phải rời khỏi Syria kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu vào năm 2011.

Trong một thỏa thuận hiếm hoi, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đồng thanh chấp thuận một nghị quyết vào ngày 18 tháng 12 vừa qua ủng hộ một lộ đồ quốc tế về hòa bình Syria.

Vào ngày thứ Bảy, nhà điều giải Liên Hiệp Quốc Staffan de Mistura nói mục đích của ông là triệu tập các cuộc hòa đàm vào ngày 25 tháng 2 tại Geneva. Ông nói những cuộc thảo luận này sẽ bao gồm “rộng rãi các phe phái đối lập và những tổ chức khác tại Syria” và việc này đòi hỏi “sự hợp tác hoàn toàn” của tất cả các bên trong cuộc xung đột.

Tuyên bố cũng nói những sự kiện đang tiếp diễn trên thực tế “không nên được cho phép làm chệch hướng” những sáng kiến hòa bình.

Zahran Alloush

Ông Alloush là một trong các cấp chỉ huy phiến quân có thế lực nhất tìm cách lật đổ chính phủ Assad. Ông chỉ huy hàng ngàn chiến binh kiểm soát nhiều phần đất rộng lớn ở Đông Ghouta và Douma, phía đông Damascus.

Giữa những năm 40 tuổi, ông Alloush học luật Hồi Giáo tại Ảrập Xê-út và được ra khỏi một nhà tù Syria vào năm 2011 trong một đợt ân xá và sau đó gia nhập phe nổi dậy chống chính phủ.

Nhóm của ông bảo vệ một khu vực thường xuyên bị chính phủ oanh kích. Để giáng trả lại lực lượng của ông pháo kích nhiều loạt súng cối vào những khu vực tại Damacus, giết chết một số thường dân.

Tuy nhiên sự trung thành của ông vào một nhóm nào vẫn chưa rõ. Trong khi chống lại sự cai trị của ông Assad, ông cũng đưa ra những tuyên bố dường như có cảm tình với Jabhat al-Nusra, một chi nhánh của Al-Qaida tại Syria và cố lãnh tụ Al-Qaida Osama bin Laden.

Đạo quân Hồi Giáo

Tuy nhiên trong một cuộc phỏng vấn mới đây của The Daily Beast, một trang mạng của Mỹ về tin tức và quan điểm, ông Alloush tách biệt khỏi Jabhat al-Nusra, và nói rằng ông chỉ ủng hộ ông Abu Maria al-Qahtani, một trong những cố vấn về luật Hồi Giáo Sharia của al-Nusra. Ông nói: “Chúng tôi thấy ông Qahtani chứng tỏ là một khuôn mặt ôn hòa và chúng tôi muốn khuyến khích những nỗ lực này. Hiện nay al-Nusra có những cố vấn về luật Hồi Giáo Sharia khác và chúng tôi có những bất đồng với họ về mặt ý thức hệ và trí thức.”

Ông Alloush cũng phủ nhận tổ chức của ông muốn truyền bá luật Sharia tại những khu vực ông kiểm soát. Tuy nhiên ông cực lực chỉ trích dân chủ.

Ông nói: “Dân chủ của Assad, đa nguyên của đảng Baath, và Hồi Giáo của Nhà nước Hồi Giáo là một số ví dụ. Tiêu chuẩn kép của phương Tây cũng được áp dụng cho dân chủ. Trong khi dân chủ được dùng để phục vụ quyền lợi của người dân tại phương Tây, dân chủ được vận dụng trong đất nước của chúng ta để mang những kẻ xấu lên cầm quyền tay sai của các cường quốc ngoại bang.

Ông cũng chỉ trích chính sách của chính quyền Obama về cuộc khủng hoảng Syria: “Hoa Kỳ là một cường quốc và có thể đóng một vai trò chủ chốt để chấm dứt cuộc xung đột Syria nếu muốn. Tuy nhiên chính quyền hiện hữa từ chối đóng vai trò này và hành động lạnh lùng trong vấn đề Syria. Hoa Kỳ thất bại không đáp ứng hữu hiệu với những vụ tàn sát của ông Assad và chúng tôi thấy rõ ràng điều này khi ông Assad vượt qua ‘đường ranh đỏ’ khi sử dụng vũ khí hóa học. Hoa Kỳ có khả năng ngưng những cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học nhưng Hoa Kỳ không quan tâm đến".

Hòa đàm

Vào đầu năm ngoái Geneva là nơi tổ chức hai vòng hòa đàm do Liên hiệp quốc làm trung gian giữa chính phủ Assad và các phiến quân chiến đấu để lật đổ ông kể từ năm 2011.

Những cuộc thương thuyết này kết thúc với ít tiến bộ, và đà tiến đến thỏa thuận hòa bình biến mất trong khi cuộc xung đột trở nên phức tạp với việc các phần tử hiếu chiến Nhà nước Hồi Giáo chiếm một khu vực rộng lớn thuộc miền đông Syria. Tuy nhiên trong những tháng gần đây, việc thúc đẩy hòa bình được tái tục, trong đó có một vài hội nghị quốc tế mang các cường quốc lại với nhau với cam kết đem các bên tranh chiến vào bàn hội nghị.

Các nhà ngoại giao như Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã cổ xúy việc chấm dứt chiến tranh như là một bước quan trọng nhất dể đánh bại các chiến binh Nhà nước Hồi Giáo và mang lại ổn định cho vùng này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG