Đường dẫn truy cập

Phỏng vấn Trợ Lý Ngoại Trưởng Posner về cuộc đối thoại nhân quyền Mỹ-Việt


Trợ Lý Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ đặc trách Dân Chủ, Nhân quyền và Lao động Michael Posner
Trợ Lý Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ đặc trách Dân Chủ, Nhân quyền và Lao động Michael Posner

Hôm thứ Ba 15 tháng 11 năm 2011, một tuần sau khi kết thúc cuộc đối thoại về vấn đề nhân quyền với Việt Nam ở thủ đô Washington, Trợ Lý Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ đặc trách Dân Chủ, Nhân quyền và Lao động Michael Posner đã dành cho Ban Việt ngữ Đài VOA một cuộc phỏng vấn riêng. Trong Câu Chuyện Việt Nam tuần này, mời quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn với Trợ lý Ngoại Trưởng Posner do Hoài Hương thực hiện.

VOA: Thưa ông Trợ lý Ngoại trưởng, ông vừa kết thúc một vòng đối thoại mới về nhân quyền với Việt Nam hồi tuần trước. Thưa cuộc họp đó đã đạt được những thành quả gì?

“Những cuộc đối thoại như thế này rất là bổ ích vì chúng ta có một vài ngày để nêu lên một loạt vấn đề liên quan tới nhân quyền. Tôi không tin chúng ta trông đợi cuộc họp sẽ mang lại kết quả ngay, nhưng chúng ta đã nêu lên một số vấn đề, về tự do tôn giáo, các quan tâm về luật an ninh, về những người tù, vấn đề tự do internet, các vấn đề liên quan tới các nhà báo, vấn đề pháp quyền... Thế cho nên chúng ta có một nghị trình bao quát, có một số điểm chúng ta bất đồng sâu xa với phía Việt Nam, những chúng ta đã đặt ra vấn đề, và hy vọng trong tương lai sẽ có một số kết quả tích cực đến từ các cuộc thảo luận ấy.”

VOA: Thế thưa ông, cuộc đối thoại lần này có những điều làm cho ông thất vọng?

“Đây là năm thứ 3 tôi tham gia cuộc đối thoại; trong hai năm đổ lại đây, chắc chắn hai bên đã có một số bất đồng, nhưng mặt khác cũng có một số ý niệm về các lĩnh vực mà hai bên có thể đồng ý và có thể hợp tác. Tôi cho rằng đây là một cuộc họp khó khăn hơn, rõ ràng chúng ta đã chứng kiến một số bước thụt lùi từ phía chính quyền Việt Nam, chẳng hạn như các luật mới để hạn chế các nhà báo và bloggers chỉ trích các hành động của nhà nước, rồi thì các vụ bắt bớ nhà báo, bloggers, các vụ bắt giữ những người hoạt động tích cực và thành phần đối lập chính trị. Có nhiều lĩnh vực mà Hoa Kỳ thấy thất vọng vì những sự kiện đã diễn ra trong 12 tháng qua.”

VOA: Thưa, ông có nêu lên những trường hợp cá biệt nào không, chẳng hạn như trường hợp Linh mục Nguyễn văn Lý, blogger Điếu Cày...?

“Vâng, chúng tôi có nêu lên một số trường hợp cá biệt, Linh mục Lý là một trong các trường hợp đó. Chúng tôi tiếp tục quan tâm đến an sinh và sức khỏe của cha Lý, về sự kiện ông đã bị đưa trở lại nhà tù sau khi đã được phóng thích. Linh mục Lý đã bị giam cầm trong phần lớn 15, 16 năm qua. Chúng tôi cũng nêu lên trường hợp blogger Điếu Cày và ông Lê Công Định, là luật sư đại diện cho một số công ty Mỹ, cả các công ty được xếp hạng thuộc 500 công ty lớn nhất Hoa Kỳ. Ông từng lãnh đạo Luật sư đoàn mà bây giờ lại đang ngồi tù. Vâng, chúng tôi đã nêu lên một số trường hợp cá biệt, và sẽ tiếp tục nêu lên các trường hợp đó.”

VOA: Thưa ông, thế phía Việt Nam đáp ứng như thế nào?

“Có lẽ cô nên hỏi họ điều đó. Chúng tôi chắc chắn không lấy gì làm phấn khởi về cách đáp ứng của phía Việt Nam đối với các trường hợp đó. Chúng tôi tin rằng trong tất cả các trường hợp được nêu lên, các đối tượng đều bị kết tội một cách bất công, và chúng tôi kêu gọi Việt Nam trả tự do cho họ.”

VOA: Thưa ông, thế Vụ trưởng Hoàng Chí Trung có ra dấu hiệu nào cho phép chúng ta hy vọng rằng một vài tù nhân lương tâm, bất kể là ai, sắp sửa được phóng thích?

“Tôi sẽ không nói đến các chi tiết. Thảo luận về các trường hợp cá biệt là vấn đề giữa chính phủ hai nước, và tôi tin rằng sẽ có hiệu quả hơn nếu chúng tôi giữ nội dung thảo luận trong vòng riêng tư. Nhưng chắc chắn chúng tôi đã nêu lên các trường hợp này và nhiều trường hợp khác.”

VOA: Như thế thưa ông, các cuộc thảo luận vừa rồi không trực tiếp đưa đến kết quả nào?

“Như đã nói, tôi coi đây là một phần nằm trong một tiến trình. Chúng tôi trao đổi với chính phủ Việt Nam suốt cả năm về một loạt vấn đề. Cuộc đối thoại này cung cấp một nơi chốn và thời điểm để hai bên tham gia một cuộc đối thoại toàn diện và kéo dài về những vấn đề quan tâm. Chủ yếu là những gì xảy ra tiếp theo, đại sứ quán Hoa Kỳ sẽ gặp nhiều người, và chúng tôi tiếp tục nêu lên những quan tâm bằng thư từ và trao đổi với chính phủ Việt Nam, hy vọng những điều tích cực sẽ đến như là kết quả của tiến trình đó.”

VOA: Thưa, ông có nhắc sơ qua điểm này, nhưng xin giải thích rõ hơn những vấn đề có tính hệ thống mà hai bên đã đề cập tới trong các cuộc thảo luận vừa rồi? Tôi muốn nói tới các quan tâm về một số điều khoản và quy định luật pháp?

“Vâng, có nhiều quan ngại về luật an ninh, về các thủ tục hình sự và luật pháp. Điều 79 (âm mưu lật đổ chế độ) và điều 88 (tuyên truyền chống nhà nước) của Bộ luật Hình sự Việt Nam, chúng tôi tin là quá trừu tượng mập mờ và đã bị lạm dụng để truy tố thành phần đối lập chính trị trong các vụ án mà chúng tôi cho là không thể được biện minh. Chúng tôi nêu lên những quan ngại về việc đăng ký các tổ chức tôn giáo, những quan ngại về vấn đề tiếp cận luật sư trong các vụ án mang nhiều tính chính trị, chúng tôi quan tâm về sự kiện thiếu chứng cớ, về việc luật sư không được tạo điều kiện để đại diện và bênh vực thân chủ một cách công khai và công bình. Thế cho nên có một loạt vấn đề. Chỉ có một lĩnh vực mà chúng tôi nhận thấy được sự hợp tác của Việt Nam là từ nhiều năm qua Việt Nam đã cam kết sẽ thông qua Công ước Quốc tế về vấn đề Tra tấn. Ngoại trưởng Clinton đã ký một biên bản ghi nhớ vào mùa thu năm ngoái để cho phép chúng ta khởi sự làm việc với các giới chức chính phủ Việt Nam, giữa lúc họ đang chuẩn bị thông qua Công Ước này.”

VOA: Thưa ông trường hợp luật sư Cù Huy Hà Vũ có được nhắc tới trong các cuộc thảo luận với Vụ trưởng Hoàng Chí Trung?

“Tôi không bàn tới các chi tiết của trường hợp này hay trường hợp nào khác. Tôi có nhắc tới 3 trường hợp cá biệt. Những trường hợp còn lại, xin được dành cho các cuộc trao đổi trong vòng riêng tư.”

VOA: Thưa ông, xin ông đánh giá chung bảng tổng kết nhân quyền của Việt Nam?

“Điều đáng chú ý là về nhiều phương diện, Việt Nam đang tiến tới. Về kinh tế, Việt Nam mạnh hơn nhiều, và có khả năng chịu đựng bền bỉ hơn, nhưng trong các quan hệ giữa Hoa Kỳ với Việt Nam, tôi nghĩ rằng vấn đề nhân quyền là thách thức lớn nhất, lý do vì sao tôi chỉ có thể phỏng đoán chứ không hiểu thấu đáo. Dựa trên những sự kiện xảy ra thì dường như Việt Nam đã có nhiều bước thụt lùi trong 12 tháng qua.”

VOA: Thưa ông, ông đề nghị điều gì để đả thông bế tắc đó? Làm cách nào để đưa mối quan hệ với Việt Nam lên một tầm cao hơn?

“Tôi nói với các giới chức Việt Nam rằng sẽ chỉ có lợi cho Việt Nam, nếu nước này muốn trở thành một đối tác ổn định, vững mạnh của một quốc gia như Hoa Kỳ thì phải có một hệ thống tư pháp độc lập, phải có một mạng internet mở rộng, không bị cấm hoặc đóng cửa. Đó là những điều sẽ giúp Việt Nam trở thành một đối tác thương mại tốt hơn, một đối tác ngoại giao và đối tác chiến lược tốt hơn. Hai nước đã thảo luận về việc thắt chặt các quan hệ chiến lược, nhưng theo tôi vấn đề nhân quyền đã cản trở các mối quan hệ đó.”

VOA: Thưa, như ông đã nói, các quan hệ giữa Hoa Kỳ với Việt Nam đã cải thiện. Ngoại trưởng Clinton đi thăm Việt Nam hai lần hồi năm ngoái, và năm nay, chiến hạm George Washington được phái tới Việt Nam 2 lần. Nhân quyền đóng vai trò nào trong các diễn tiến đó?

“Chính sách của chính phủ này, như Ngoại trưởng Clinton và Tổng Thống Obama đã khẳng định, là giao tiếp 'có nguyên tắc' với Việt Nam. Chúng ta có một loạt quyền lợi với Việt Nam, cả hai bên đều mong muốn củng cố quan hệ song phương, nhưng vấn đề nhân quyền là một bóng mây đen lớn bao trùm. Chừng nào mà chúng ta không thấy tù nhân được trả tự do, một số luật quá khắc nghiệt không được sửa đổi, các nhà báo và bloggers, các nhà hoạt động tích cực và xã hội công dân không được tự do, thì chừng đó sự thể này còn là trở ngại đối với các quan hệ song phương, gây khó khăn hơn cho quan hệ hai nước. Chúng tôi sẽ tiếp tục nêu lên những vấn đề này, tại cấp bậc cá nhân tôi, và cả Ngoại trưởng Clinton.”

Trợ lý Ngoại trưởng Michael Posner là sáng lập viên và Chủ tịch của tổ chức nhân quyền Human Rights First cho tới khi ông tham gia chính quyền. Ông đã dành hầu hết cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh cho các quyền làm người, và tiếp tục đặt nặng vấn đề nhân quyền trong cương vị hiện tại, Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Dân Chủ, Nhân quyền và Lao động trong chính phủ của Tổng Thống Obama.

VOA Express

XS
SM
MD
LG