Đường dẫn truy cập

Giáo viên Mỹ giúp hàn gắn khoảng cách văn hóa tại Indonesia


Anh Travis (phải) nói chơi các môn thể thao, như bóng chuyền giúp anh dễ được chấp nhận
Anh Travis (phải) nói chơi các môn thể thao, như bóng chuyền giúp anh dễ được chấp nhận

Khi đến thăm Indonesia vào tuần tới, dự kiến Tổng thống Barack Obama sẽ biểu dương sự đóng góp của các thiện nguyện viên thuộc Tổ chức Hòa Bình, Peace Corps, như một mẫu mực cho những trao đổi văn hóa và giáo dục giữa Hoa Kỳ với nước có đông tín đồ Hồi giáo nhất thế giới này. Thông tín viên Brian Padden của đài chúng tôi đã tiếp xúc với một số nhân viên thiện nguyện phục vụ trong tư cách giáo viên tại các làng mạc nơi dân cư sống về nghề nông, và tường trình rằng cho tới nay chương trình thiện nguyện Peace Corps đã thành công trong việc xóa tan những định kiến về Hồi Giáo và phương Tây.

Nisha Skariah là một sinh viên mới tốt nghiệp, xuất thân từ bang Texas, Hoa Kỳ. Cô đã bù đắp lại những thiếu sót về kinh nghiệm đời với những nhiệt tình của cô:

“Tôi hy vọng rằng trong 2 năm tới, tôi có thể giúp học sinh trở nên hăng say hơn với việc học, không chỉ học Anh ngữ mà còn tích cực hơn trong việc theo đuổi cơ hội giáo dục.“

Skariah và 17 người khác là những thiện nguyện viên đầu tiên của Tổ chức Hòa Bình, Peace Corps, tại Indonesia tính từ 45 năm qua. Chương trình thiện nguyện này của chính phủ Mỹ này phái các giáo viên và các nhân viên chuyên về phát triển đến giúp các cộng đồng tại các quốc gia đang phát triển.

Hiện nay, thái độ bài Mỹ vẫn còn tồn tại tại Indonesia, một phần do ảnh hưởng của các nhóm Hồi giáo chuyên đả kích chính sách của Hoa kỳ tại Trung Đông.

Tuy nhiên, với sự đắc cử của Tổng thống Barack Obama, người từng sinh sống tại Jakarta thời thơ ấu, Hoa Kỳ đặt nặng hơn việc hỗ trợ các nỗ lực nhằm phát triển dân chủ tại Indonesia.

Ông Anies Basewedan, Viện trưởng Đại học Paramadian tại Jakarta, nói rằng cách tốt nhất để thực hiện mục tiêu này là qua chương trình hỗ trợ giáo dục:

“Nếu Hoa Kỳ quan tâm đến việc đảm bảo Indonesia trở thành một nền dân chủ thành công, thì hãy đặt ưu tiên vào lĩnh vực giáo dục. Giúp Indonesia đảm bảo mọi người có cơ hội tiếp cận các cơ hội giáo dục và một nền giáo dục có phẩm chất.”

Tổ chức Hòa Bình của Hoa Kỳ tại Indonesia cũng giúp tăng sự cảm thông giữa thế giới Hồi giáo với nước Mỹ. Các thiện nguyện viên sống chung với các gia đình ở địa phương, và cố gắng hội nhập vào các cộng đồng nơi họ sinh sống.

Anh Travis Bluemling nói chơi các môn thể thao, như bóng chuyền, đã giúp anh cảm thấy mình được chấp nhận. Trước khi đến Indonesia, anh đã lo ngại rằng, trong tư cách một người Mỹ, anh có thể không được niềm nở chào đón khi đến với một cộng đồng Hồi giáo.

“Thế nhưng, tôi đã hoàn toàn sai lầm. Họ đã cho phép tôi vào nhà của họ. Tôi còn được cùng họ đi dự các cuộc họp của các tín đồ Hồi giáo. Tôi cùng ăn chay với họ và được vào cả một đền thờ Hồi giáo.”

Người giúp anh Blueming dạy học, là Hadi Purwanto, nói rằng anh Blueming được nhiều người yêu mến trong giới đồng nghiệp của anh, tuy có người phê bình rằng anh muốn thực hiện những thay đổi quá nhanh:

“Có những giáo viên than phiền về điều đó nhưng chúng tôi tìm cách nhìn vấn đề theo khía cạnh tích cực của nó, thì với anh Travis ở dây, chúng tôi có thể học ở anh tinh thần kỷ luật.”

Anh Bluemling và cô Skariah nói rằng có nhiều điều họ có thể học hỏi về đời sống và ngôn ngữ Indonesia, nhưng khi sát cánh với cộng đồng địa phương hơn, thì những dị biệt về văn hóa dần dà sẽ bớt quan trọng hơn.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG