Đường dẫn truy cập

Ấn Độ từ chối cấp thị thực cho ông Musharraf


Cựu Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf hiện sinh sống ở Anh Quốc, đang tìm cách trở lại chính trường và đã phát động việc thành lập một chính đảng vào tháng 10
Cựu Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf hiện sinh sống ở Anh Quốc, đang tìm cách trở lại chính trường và đã phát động việc thành lập một chính đảng vào tháng 10

Ấn Độ đã từ chối không cấp thị thực cho cựu Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf, dự tính đi thăm New Delhi và các thành phố khác của Ấn Độ. Từ thủ đô Ấn Độ, thông tín viên VOA Anjana Pasricha gửi về bài tường thuật sau đây.

Các giới chức Ấn Độ đã xác nhận cựu Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf đã bị từ chối không được cấp thị thực. Họ không cho biết lý do. Ông này đã được mời phát biểu tại một cuộc hội thảo do các chuyên gia kinh doanh tổ chức ở New Delhi.

Nhiều người trong số các ủng hộ viên của ông Musharraf, dự định tháp tùng ông đi thăm New Delhi, cũng bị từ chối không được cấp thị thực. Nhà cựu lãnh đạo quân đội Pakistan, hiện sinh sống ở Anh Quốc, đang tìm cách trở lại chính trường và đã phát động việc thành lập một chính đảng vào tháng 10.

Các quan sát viên ngoại vụ nói rằng Ấn Độ muốn tránh dành một vũ đài cho các tham vọng chính trị của ông Musharraf, mà họ cho là sẽ gửi đi một thông điệp sai lầm cho chính phủ dân sự ở Islamabad. Ông Bharat Karnad là một chuyên gia phân tích các vấn đề sách lược của Trung tâm Khảo cứu chính sách độc lập ở New Delhi.

Ông Karnad nói: “Trước sự kiện ông Musharraf đe dọa trở lại Pakistan để bắt đầu một sự nghiệp chính trị, chính phủ Ấn Độ không lấy làm thoải mái lắm trong việc giúp ông ta mở rộng chương trình hay hình ảnh chính trị của ông ta.”

New Delhi cũng đã khó chịu vì những nhận định mới đây của ông Musharraf nói rằng Ấn Độ phải chịu trách nhiệm về việc gây ra tình hình bất ổn tại tỉnh Balochistan miền tây nam Pakistan và rằng Ấn Độ đang tìm cách tạo dựng một nước Afghanistan chống lại Pakistan.

Ông Musharraf là tham mưu trưởng quân đội khi Ấn Độ và Pakistan sắp tiến tới một cuộc chiến tranh lần thứ tư vào năm 1999. Sau đó, khi ông trở thành nhà lãnh đạo quân nhân của Pakistan, thì hai đối thủ ở Nam Á này đã bắt đầu một tiến trình hòa bình làm hạ giảm căng thẳng và đưa tới một cuộc ngưng bắn dọc theo đường biên giới căng thẳng ở Kashmir.

Cuộc ngưng bắn vẫn còn hiệu lực. Nhưng tiến trình hòa bình vẫn bị đình trệ từ hồi tháng 11 năm 2008 khi xảy ra các vụ tấn công khủng bố ở Mumbai, mà Ấn Độ nói rằng do tổ chức Lahhkar-e-Taiba có cơ sở ở Pakistan thực hiện.

Ông Karnad cho rằng có phần chắc là New Delhi sẽ không nối lại cuộc đối thoại hòa bình toàn diện với đối thủ của mình cho đến khi các lời kêu gọi liên tiếp của họ đòi trấn áp các tổ chức chỉ huy khủng bố ở Ấn Độ được để ý tới.

Ông Karnad nói tiếp: “Phải có một cái gì cụ thể là điều mà Delhi muốn có như một phương cách bảo đảm truớc khi họ nghĩ tới việc nối lại cuộc đối thoại phức tạp này. Phía Pakistan không đưa ra đề nghị nào, cho nên khó lòng có một hành động ở Delhi.”

Yêu cầu hàng đầu của Ấn Độ là Islamabad xúc tiến nhanh vụ xét xử các tay hoạt vụ của Lashkar-e-Taiba mà Ấn Độ cáo buộc là hoạch định các vụ tấn công ở Mumbai.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG